[UNC2024] Diễn giả chính Báo cáo 02: TS. Đỗ Tuấn Minh và TS. Vũ Thị Thanh Nhã – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2024] Diễn giả chính Báo cáo 02: TS. Đỗ Tuấn Minh và TS. Vũ Thị Thanh Nhã

TS. Đỗ Tuấn Minh và TS. Vũ Thị Thanh Nhã là hai diễn giả chính tại Ngày chính hội của Hội thảo quốc gia 2024: “Nghiên cứu & giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”. Tại ngày chính hội, hai diễn giả sẽ trình bày báo cáo với chủ đề “Khi Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kì thi THPTQG: Thách thức hay cơ hội cho việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông”.

Thông tin diễn giả:

Là cựu sinh viên và đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, TS. Đỗ Tuấn Minh đã có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cả trong lĩnh vực giảng dạy và quản lý.

TS. Vũ Thị Thanh Nhã hiện đang là Trưởng khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Cô tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh loại Giỏi và đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ.

Nội dung tóm tắt báo cáo:

“Khi Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kì thi THPTQG: Thách thức hay cơ hội cho việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông”

Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, đưa môn tiếng Anh thành môn thi tự chọn. Trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ việc dạy và học môn tiếng Anh trong những năm gần đây, chính sách này đã nhận được nhiều ý kiến và tạo áp lực thay đổi cách dạy và học cho giáo viên. Bài phát biểu này làm rõ cơ sở thực tiễn của chính sách trên, những thách thức và cơ hội chính sách mang lại đối với việc dạy và học môn tiếng Anh ở bậc phổ thông. Bài tham luận được trình bày dưới dạng thức một cuộc đối thoại giữa hai giảng viên đại học, những người đang tham gia trực tiếp vào các hoạt động xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên, biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Anh ở phổ thông. Câu chuyện của họ sẽ kết nối những trải nghiệm thực tế của việc dạy, học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh ở phổ thông, những trăn trở của đội ngũ giáo viên đứng lớp, những vấn đề khó giải quyết của các nhà quản lý với những đề xuất mang tính gợi mở về cách dạy, cách học khi mà tiếng Anh được trả về đúng với ý nghĩa, vị trí và vai trò của nó trong nhà trường. Cuộc đối thoại sẽ xoay quanh chữ THỰC trong cách tiếp cận với môn tiếng Anh của cả thầy, trò và các nhà quản lý.