[UNC2023] Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu & giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Đức thời đại 4.0 ở Đông Nam Á”
Từ ngày 7 đến ngày 9/10/2022, Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQG Hà Nội phối hợp với các đơn vị đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu & giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Đức thời đại 4.0 ở Đông Nam Á: Lý luận và thực tiễn” theo hình thức kết hợp.
Đây là sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 30 năm tiếng Đức được đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQG Hà Nội (1992-2022); kỷ niệm 5 năm thực hiện Chương trình đào tạo liên kết thạc sĩ Ngôn ngữ Đức giữa Trường ĐH Ngoại Ngữ và ĐH Leipzig; đánh dấu 10 năm hợp tác đầy ý nghĩa trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Đức giữa ULIS và ĐH Leipzig. Hoạt động này cũng nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2023).
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện các cơ quan, tổ chức, trường học và đặc biệt là các giáo sư, nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu sinh cùng đông đảo sinh viên quan tâm. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy quốc tế đến từ Đức, Áo, Ấn Độ… tham gia.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông nhận định chủ đề của hội thảo này mang nhiều ý nghĩa. Đây là thời điểm mà đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa, cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa, rộng hơn nữa để xích lại gần nhau hơn, để vượt lên những khác biệt cùng nhau chung sống hòa bình, vì hạnh phúc và thịnh vượng của tất cả các dân tộc.
Phó Hiệu trưởng khẳng định hội thảo là cơ hội tuyệt vời để các đại biểu học tập lẫn nhau, để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm, để biến những lý thuyết “màu xámˮ trở thành “cây đời mãi mãi tươi xanhˮ (Goethe) phục vụ cuộc sống của con người, để bàn với nhau thay đổi cách dạy, thay đổi cách học, thay đổi cách đối nhân xử thế với nhau, bởi vì chỉ có mạnh dạn thay đổi chúng ta mới thành công.
Tại hội thảo, ông Jörg Kinnen, Trưởng phòng Văn hóa, Báo chí và Khoa học, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của các giáo viên tiếng Đức tại các trường phổ thông, đại học trong khoảng thời gian các trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Dù trong hoàn cảnh khó khăn ấy, nhờ vào sự thích ứng cũng như việc ứng dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật số, những giáo viên cũng như học viên vẫn có thể tiếp tục tham gia giảng dạy, học tập tiếng Đức. Tiếng Đức như một ngoại ngữ chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững khi chúng ta cùng chung tay hành động. Điều đó chỉ có thể được hiện thực hóa khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác cùng các tổ chức trung gian, trong đó bao gồm cả các chi hội Giáo viên tiếng Đức tại các quốc gia và những giáo viên tiếng Đức.
Với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo có liên quan, hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Đức. Đồng thời, hội thảo cũng giúp tạo lập một mạng lưới kết nối rộng lớn các nhà nghiên cứu, giáo dục về tiếng Đức, giảng dạy tiếng Đức và văn hóa Đức.
Trong khuôn khổ hội thảo đã có 5 báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể, bao gồm: Những yêu cầu về ngôn ngữ đối với việc học đại học tại Đức: Nhận thức từ một dự án nghiên cứu sự thành công của sinh viên nước ngoài (GS. Katrin Wisniewwski, Viện Ngôn ngữ Đức, ĐH Bamberg); Khối liệu ngôn ngữ nói trong ngành tiếng Đức như một ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai – cơ hội và tiềm năng (GS. Christian Fandrych, Viện Herder, ĐH Leipzig); Giãn cách xã hội và hệ quả dẫn đến chuyển đổi văn hóa học kỹ thuật số (GS. Katrin Lehnen, Viện Ngôn ngữ Đức, ĐH GieBen); Dịch thuật tri nhận trong thời đại số (GS. Carsten Sinner, Viện Ngôn ngữ học ứng dụng và dịch thuật, ĐH Leipzig); “Không thể biết đi xe đạp nếu không ngồi lên xe” – Bàn về sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Đức như một ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai trong lớp học trực tuyến và trực tiếp bậc đại học (GS. Marlene Aufgebauer, Viện Ngôn ngữ Đức, ĐH Wien, CH Áo).
Ngoài ra, còn có 48 báo cáo được trình bày tại 4 tiểu ban (Gồm các tiểu ban: Tiếng Đức như một ngoại ngữ thứ nhất; Dịch thuật; Ngôn ngữ học; Tiếng Đức như một ngoại ngữ thứ hai). Những nghiên cứu, kinh nghiệm, đề xuất mới được trình bày bởi các học giả trong nước và quốc tế đem lại kiến thức bổ ích, góc nhìn mới mẻ cho các đại biểu. Những trao đổi, thảo luận cũng đem đến tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng cao cho hội thảo.
Hội thảo “Nghiên cứu & giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Đức thời đại 4.0 ở Đông Nam Á: Lý luận và thực tiễn” diễn ra trong không khí tích cực, hiệu quả.
Một số hình ảnh khác:
Hương Huyền – Khánh Huyền – ULIS Media