Trải nghiệm khám phá văn hóa cổ truyền khi thực tập tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Đối với sinh viên chuẩn bị ra trường, thực tập là một quá trình không thể thiếu, là một trong những mục tiêu hàng đầu cần phải hoàn thành thật tốt. Thực tập cũng chính là khoảng thời gian cho phép mình học hỏi và trau dồi kiến thức cũng như kĩ năng của bản thân.
ULIS nơi kiến tạo những cơ hội học tập và trải nghiệm
Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói chung và Khoa NN&VH Pháp nói riêng luôn đem lại cho sinh viên rất nhiều cơ hội để có thể thực tập, trải nghiệm nâng cao năng lực trình độ, kiến thức cũng như kĩ năng.Triển khai Đề án Học tập qua trải nghiệm, Nhà trường khuyến khích sinh viên thực tập sớm và tham gia nhiều hoạt động phát triển kỹ năng để lưu vào Hồ sơ thực tập.
Bản thân mình đã từng đi thực tập ở một số nơi, tiếp xúc với những vị trí khác nhau trong công việc nhưng có lẽ thời gian hai tháng thực tập tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đợt thực tập vào cuối năm học thứ 3 của mình. Mình đã có một khoảng thời gian đẹp, những trải nghiệm mới lạ và có cả những giây phút “thót tim” mà mình chưa bao giờ nghĩ tới khi nhắc đến thời gian này.
Bảo tàng Dân tộc học – Cánh cửa tri thức mới
Bảo tàng Dân tộc học đã mở ra cho mình một cánh cửa hoàn toàn mới, nơi mà mình có được những kiến thức mà tưởng chừng có thể trong suốt quá trình trưởng thành mình sẽ chẳng bao giờ biết về nó cả. Mỗi dân tộc là mỗi một nền văn hóa khác biệt, mỗi dân tộc lại mang những nét rất riêng do ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố mang lại. Mình đã được hiểu kĩ hơn về các nét văn hóa của dân tộc Việt như văn hóa Tứ Phủ gắn liền với nghi lễ Hầu đồng mà trước đây mình chỉ được nghe qua về nó, bên cạnh đó còn có rất nhiều nghi lễ hết sức mới lạ đối với mình như: đám ma của người Mường, lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ dành cho nam giới tới độ tuổi trưởng thành hay lễ Lẩu then của người Tày cũng có nhiều nét tương đồng với văn hóa Tứ Phủ.
Bên cạnh đó mình còn được hiểu rõ hơn về xuất xứ của các làng nghề truyền thống thời xưa, những biểu trượng văn hóa đời sống của từng miền quê hương dân tộc Việt cũng như các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam.
Mình cũng chưa từng nghĩ rằng sẽ có ngày mình có thể hiểu kĩ hơn về tất cả các dân tộc anh em khác: các nhận biết các dân tộc, các tầng lớp khác nhau trong xã hội đời sống thông qua việc họ làm nhà, cách ăn mặc, cách họ chữa bệnh,… Tất cả những kiến thức đó đều thật sự vô cùng hữu ích đối với bản thân mình và giúp mình rất nhiều trong việc phát triển bản thân ở lĩnh vực mà mình mong muốn theo đuổi.
Bảo tàng cũng cho mình cơ hội được hiểu biết nhiều hơn về văn hóa các nước trong khu vực châu Á, hiểu về những nét văn hóa truyền thống của họ, hiểu về đời sống và cả lịch sử, nguồn gốc của mỗi đất nước.
Thực tập – Cơ hội thử sức và đánh giá năng lực của bản thân
Thực tập tại bảo tàng cũng chính là khoảng thời gian mình được thỏa sức thực hành ngôn ngữ Pháp – ngôn ngữ mà mình đang theo học, được thử sức với rất nhiều những vị trí khác nhau như lễ tân, hướng dẫn khách tham quan và cả công việc tiếp xúc, giao lưu với các em nhỏ.
Cũng đã có rất nhiều những khó khăn đối với từng vị trí mà mình phải đảm nhiệm như những rắc rối trong việc xử lí tình huống khi giao tiếp với các em nhỏ, những yêu cầu của các khách tham quan,… Tuy nhiên cũng chính ở những vị trí này thực sự đã giúp mình gom góp được rất nhiều những kĩ năng: cách giao tiếp ứng xử khéo léo, cách hướng dẫn khách hay cả cách xử lí các tình huống một cách chuyên nghiệp nhất,… Tuy rằng đó chỉ là những điều rất nhỏ nhưng lại rất hữu ích đối với công việc mà mình mơ ước hướng đến.
Nhờ có sự hợp tác của Nhà trường, các thầy cô trong khoa Pháp với bảo tàng Dân tộc học, mình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ bảo nhiệt tình của các thầy cô và đặc biệt là các anh chị đang công tác tại bảo tàng để có thể hoàn thành tốt công việc thực tập này. Mình cảm thấy biết ơn đối với mỗi cơ hội thực tập mà mình có được, mỗi cơ hội lại là một lần mình được nhận thêm rất nhiều điều mới. Mình luôn biết ơn các thầy cô trong Khoa Pháp đã động viên mình rất nhiều, mình cũng luôn mong muốn rằng Khoa Pháp và nhà trường sẽ tiếp tục cùng đồng hành giúp đỡ, làm cầu nối và mở rộng nhiều hơn nữa những cơ hội thực tập đa dạng hơn dành cho các bạn sinh viên như mình.
Ngô Quốc Anh – QH.2016.F2BP1