Tọa đàm “Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm “Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm”

Ngày 02/04/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm”. Tọa đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng và triển khai đào tạo định hướng Giáo dục tiếng Anh quốc tế của ngành Ngôn ngữ Anh trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh; Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; Chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo, Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hòa; Chủ tịch Mạng lưới ULIS ALUMNI Nguyễn Lân Trung; đại diện lãnh đạo các đơn vị: P. HCTH, P. TCCB, P. KHCN, P. KHTC, BM. TLGD; đại diện Ban Chủ nhiệm và lãnh đạo Bộ môn các khoa đào tạo; và nhóm chuyên trách xây dựng định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế thuộc ngành Ngôn ngữ Anh theo QĐ số 1936/QĐ-ĐHNN ngày 23/08/2023 của Hiệu trưởng.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh cho biết từ khi thành lập, Trường Đại học Ngoại ngữ vẫn luôn là đơn vị đào tạo uy tín các ngành sư phạm ngoại ngữ. Hiện nay, nhu cầu xã hội vẫn cần thêm giáo viên ngoại ngữ so với chỉ tiêu sư phạm hiện có. Trong bối cảnh đó, Nhà trường cần chủ động trong đào tạo các ngành sư phạm và nghĩ thêm các hướng mới để cung cấp thêm cho xã hội những cử nhân có năng lực giảng dạy ngoại ngữ và ngôn ngữ và giải quyết câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ các giáo viên và cử nhân tương lai. Phó Hiệu trưởng hy vọng tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, góp phần giúp Nhà trường xây dựng chân dung cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh với định hướng Giáo dục tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là công tác mở và triển khai đào tạo hiệu quả định hướng này.

Ở báo cáo “Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm”, TS. Nguyễn Thúy Lan (Trưởng Phòng Đào tạo) đã chia sẻ về bối cảnh đào tạo các ngành Sư phạm và Ngôn ngữ tại trường. Theo đó, việc đào tạo các định hướng trong ngành Ngôn ngữ đã có lịch sử từ năm 2012 và có nhiều thay đổi trong chương trình đào tạo điều chỉnh năm 2022. Nhà trường cảm thấy cần “bắc cầu” giao lưu giữa hai ngành để đáp ứng nhu cầu của xã hội và gia tăng khả năng có việc làm cho sinh viên. Báo cáo đã cung cấp bối cảnh xây dựng định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế của ngành Ngôn ngữ Anh rõ nét qua những con số cụ thể.

Với báo cáo “Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – Bạn là ai?”, TS. Trần Thị Lan Anh (Phó Trường khoa SPTA) cho biết định hướng được xây dựng do chỉ tiêu sư phạm giảm, xu hướng mở định hướng Sư phạm trong ngành Ngôn ngữ Anh tăng, nhu cầu học nghiệp vụ sư phạm trong ngành Ngôn ngữ cũng tăng. Qua những đoạn phỏng vấn và tìm hiểu thực tế, báo cáo đã gợi ý về yêu cầu đào tạo và cơ hội nghề nghiệp của cử nhân Ngôn ngữ Anh có định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế.

“Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – SPTA cần làm gì?” là nội dung phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường khoa SPTA). Trong báo cáo này, báo cáo viên nhận định để đào tạo định hướng mới, Khoa cần thực hiện các điều chỉnh về nội dung môn học, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, hoạt động hỗ trợ sinh viên học tập/nghiên cứu/trải nghiệm thực tế… Báo cáo cũng đưa ra kế hoạch cụ thể dự kiến của Khoa.

Sau phần báo cáo, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận về việc xây dựng và đào tạo định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế. Nhiều góp ý có tính thực tiễn về nhu cầu đào tạo, chương trình đào tạo và vai trò của các đơn vị liên quan… đã được đưa ra.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong trường trong việc đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Chủ tịch Hội đồng trường cũng nhận định rằng cần làm nổi bật ưu điểm của định hướng, tăng cường tính ứng dụng và quốc tế hóa vào nội dung đào tạo. Việc phát triển định hướng Giáo dục Tiếng Anh Quốc tế cần chú tâm đến việc xây dựng chương trình nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học và chương trình đào tạo chuẩn của Trường Đại học Ngoại ngữ. Định hướng cần phải dựa vào những kinh nghiệm đã được đúc kết trong suốt quá trình hình thành và phát triển của trường nhằm phát triển một định hướng mới nhưng vẫn giữ được bản sắc và tài nguyên vốn có của trường. Chủ tịch Hội đồng trường cũng nhấn mạnh cần chỉn chu chi tiết trong tất cả các khâu để đảm bảo định hướng xây dựng có thể phát triển lành mạnh và đem đến nhiều lợi ích cho sinh viên đang theo học.

Tọa đàm “Định hướng Giáo dục Tiếng Anh quốc tế – cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm” khép lại sau thời gian làm việc tích cực. Bên cạnh những kiến thức lý thuyết cần có trong chuyên ngành, những môn học ở định hướng mới đem đến giá trị thực tế cao sẽ tạo hành trang vững chắc cho các bạn sinh viên khi tham gia trải nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế. Tọa đàm thể hiện quyết tâm của Nhà trường trong đổi mới chương trình đào tạo và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Tọa đàm “Định hướng Giáo dục tiếng Anh Quốc tế – Cầu nối giữa hai chương trình Ngôn ngữ và Sư phạm” đánh dấu mốc mới trong sự phát triển của ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ.

Một số hình ảnh khác:

Huy Khánh/ĐSTT