Tổ chức Tập huấn giảng viên chấm thi Nói và Viết các Kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp (VNU-TESTS)
Nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho công tác chấm thi, ngày 13, 14/03/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hai khóa Tập huấn dành cho các giảng viên chấm thi Nói và Viết các Kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp (VNU-TESTS).
Chương trình tập huấn có sự tham gia của Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh, lãnh đạo P.TCCB, TT.KT cùng báo cáo viên, học viên các đơn vị được cử đi học.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh cho biết: “Bên cạnh các hình thức xét chứng chỉ đầu vào và đầu ra đã quen thuộc từ trước như: IELTS, TOEFL, VSTEP,… thì năm nay, Trường Đại học Ngoại ngữ chính thức tổ chức thêm kỳ thi xét đầu vào và đầu ra với tên gọi VNU-TESTS. Đây là một bài thi hoàn toàn mới nên những giảng viên chấm thi cũng cần phải có những hiểu biết và năng lực đối với quy trình chấm thi. Khóa Tập huấn này cũng là một cơ hội để các thầy cô có thể giao lưu, kết nối và học hỏi lẫn nhau.” Phó Hiệu trưởng hy vọng các giảng viên tham gia hoàn thành tốt khóa Tập huấn để đáp ứng những kỳ vọng của Trường đối với giảng viên và giúp cho công tác chấm thi diễn ra một cách suôn sẻ.
Trong chương trình tập huấn, thầy cô tham gia đã được cán bộ Trung tâm Khảo thí tập huấn về các nội dung: Giới thiệu về định dạng bài thi VNU-TESTS, cách thức đăng ký thi và lịch thi, cách tính điểm bài thi Nói và Viết theo thang chấm…
Các giảng viên cũng được thực hành và tham gia thảo luận, trao đổi sôi nổi với nhau và nêu những thắc mắc của mình về quy trình chấm thi. Những ý kiến đóng góp của các thầy cô đã góp phần làm hoàn thiện hơn kế hoạch chấm thi bài thi VNU-TESTS.
Các giảng viên tham gia đáp ứng tốt yêu cầu đã được Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn.
Bài thi VNU-TESTS là bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp, được xây dựng dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (KNLNNVN) và các tiêu chuẩn quốc tế. Bài thi được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ tổng quát và năng lực sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống giao tiếp nghề nghiệp của các đối tượng thí sinh. Bài thi bao gồm 10 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Thái, Lào, Ả Rập; và 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi có 3 bậc: bậc 3, bậc 4, bậc 5, tương ứng với các cấp độ B1, B2, C1 của KNLNNVN.
Mai Phương-Hương Giang/ULIS Media