Tiến sĩ Đỗ Tuấn Long và COP Ngoại ngữ chuyên ngành: “Sống chậm”, “thiền”, “thực” với mong muốn “Cho đi và nhận lại”
Ngày 17/11/2021, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã ký quyết định về việc thành lập Cộng đồng chuyên môn Ngoại ngữ chuyên ngành tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cộng đồng gồm 15 thầy cô trong và ngoài trường mang trong mình hoài bão đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Để có thể hiểu hơn về cộng đồng Ngoại ngữ chuyên ngành, hãy cùng ULIS Media trò chuyện với TS. Đỗ Tuấn Long, một trong những Trưởng nhóm COP trẻ nhất của ULIS.
Xin chào thầy. Thầy có thể cho biết mục đích thành lập của COP Ngoại ngữ chuyên ngành là gì không?
Cộng đồng Ngoại ngữ chuyên ngành được thành lập với tôn chỉ “sống chậm”. Các thành viên trong cộng đồng có mục đính chính là giảng dạy nghiên cứu khoa học, khảo thí kết hợp chuyên ngành và ngoại ngữ (CLIL), giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngữ.
Ngoài ra, COP được lập ra cũng tạo điều kiện cho các thành viên được “thiền” trong một khoảng lặng nhất định khi các thành viên cùng nhau trao đổi các vấn đề chuyên môn.
COP chính là cơ hội để chúng mình triển khai các hoạt động chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng, hoạt động dịch vụ đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ theo mô hình hợp tác 3 bên: Chính phủ/ địa phương (Government) – Đại học (University) – Doanh nghiệp (Industry). Đây cũng là dịp để chúng mình “sống chậm” về với địa phương.
Thầy Đỗ Tuấn Long là Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ Chuyên ngành, Khoa ĐT&BDNN
Kế hoạch của cộng đồng trong thời gian tới là gì?
Thời gian tới cộng đồng sẽ đi theo hướng phát triển bền vững dựa trên chữ “Thực”. Đây vừa là nền tảng, vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của cộng đồng. Bước đầu có thể là dần xây dựng các buổi workshop, tọa đàm, hội thảo liên quan đến phương pháp giảng dạy Ngoại ngữ chuyên ngành cho đối tượng đặc thù của Khoa. Sau đó, cộng đồng sẽ hướng tới mục tiêu tham gia các hội thảo khoa học lớn quốc tế, hay có các sản phẩm công bố báo quốc tế, mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững hơn. Về giảng dạy, cộng đồng chuyên môn cũng mong muốn xây dựng được các hệ thống môn học và bài giảng phù hợp, phong phú, thú vị và thực tiễn cho sinh viên ULIS nhằm giúp các em có hiểu biết nhất định và có nền tảng vững chắc khi tìm hiểu ngoại ngữ chuyên ngành.
Thầy có thể giới thiệu đôi nét về các thành viên trong cộng đồng chuyên môn ngoại ngữ chuyên ngành được không?
COP NNCN có 15 thành viên với ba chuyên ngành: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn. Các thành viên tuổi đời còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, các thành viên COP ngành tiếng Anh trong những năm qua rất tích cực tham gia các hoạt động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia như giảng dạy các chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm; biên soạn tài liệu Bồi dưỡng Năng lực Ngoại ngữ bậc 4-5 cho giáo viên, Chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng Anh kết hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL), Chương trình Tiếng Anh bậc 1-2-3 cho công chức, viên chức và người lao động. Ngoài ra, con có thầy Hoa Ngọc Sơn là dịch giả tiếng Trung có tiếng, cô Đỗ Thúy Hằng đã có nhiều đầu sách Biên phiên/ phiên dịch tiếng Hàn được đón nhận.
Cô Đỗ Thúy Hằng là giảng viên Khoa NN&VH Hàn Quốc
Thầy Hoa Ngọc Sơn là Trưởng khoa ĐT&BDNN
Là trưởng nhóm, thầy có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của cộng đồng Ngoại ngữ chuyên ngành?
Mình kỳ vọng các thành viên trong cộng đồng sẽ cùng nhau hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Trong tương lai không xa cộng đồng có thể đạt được nhiều thành quả hơn và có thêm nhiều hoạt động bổ ích để giúp mỗi thành viên nâng cao và củng cố kiến thức chuyên môn của mình.
Trong thời gian qua, thầy đã tham gia rất nhiều các đề án phục vụ cộng đồng của Nhà trường. Thầy có thể có thể chia sẻ một trải nghiệm đáng nhớ của mình khi tham gia chương trình địa phương được không?
Phải nói rằng Chương trình địa phương là chỉ dấu của ngôi sao thứ ba trên logo ULIS: chuyển giao tri thức. Và thực sự, không chỉ mình mà tất cả các thành viên COP NNCN đều rất tự hào khi được tham gia Chương trình địa phương.
Mình tham gia chương trình từ năm đầu tiên: Chương trình Bồi dưỡng và Nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh THPT tại Lạng Sơn và Thanh Hóa năm học 2018-2019, rồi chương trình Ba Vì trong ba năm vừa qua. Trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình khi tham gia chương trình địa phương có lẽ là mùa hè đỏ lửa năm 2020 khi thầy trò mải ôn luyện đến nỗi lúc về không một bóng người trong trường ngoài cô Hiệu trưởng và một bác bảo vệ.
Khi tham gia các chương trình này, điều gì khiến thầy cảm thấy giá trị nhất?
Điều mà mình thấy giá trị nhất có lẽ là chân giá trị: Give and Take (Cho đi và nhận lại). Thầy và trò ULIS về với địa phương với mong muốn vực trình độ tiếng Anh của học sinh lên, thổi cho các em làn gió mới, niềm hứng khởi mới với môn học. Còn chúng mình được trưởng thành, trải nghiệm. Tham gia chương trình mình được học thêm về lòng biết ơn và rất tự hào khi được đứng dưới mái cờ ULIS với chiếc áo phông tím tỏa đi muôn nơi.
Cá nhân thầy thấy việc phát triển các COP sẽ mang lại tác động, ảnh hưởng gì cho ULIS?
Mình nghĩ COP chắc chắn là cái nôi của những ý tưởng tập thể. Từ đây công sức tập thể sẽ góp phần xây dựng những sản phẩm khoa học phục vụ đào tạo nhằm thúc đẩy hơn nữa chất lượng của trường ta. Hiện COP đã và đang tạo điều kiện để các lĩnh vực khác nhau của Nhà trường phát triển theo một hướng toàn diện và cụ thể nhất. Điều này không chỉ ý nghĩa với các thầy cô của COP mà còn mang lại lợi ích to lớn cho Nhà trường trong việc định hình một ULIS sáng tạo và không ngừng đổi mới.
Chúc cho TS. Đỗ Tuấn Long cùng 14 thành viên của mình sẽ phát triển thật tốt cộng đồng Ngoại ngữ chuyên ngành bằng tất cả sự nỗ lực và quyết tâm mình có, trở thành những người đồng hành, kết nối cộng đồng thông qua việc lan tỏa tri thức trong lĩnh vực của mình. Từ đó, cộng đồng sẽ có những chiến lược phát triển đúng đắn cũng như hỗ trợ cho nhà trường trong các hoạt động giảng dạy môn học liên quan.
Khánh Huyền – ULIS Media