Cô giáo Hồ Thị Giang: Tiếp tục tìm tòi trong công việc để có thể phát triển bản thân và mang đến giá trị cho nhiều người – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cô giáo Hồ Thị Giang: Tiếp tục tìm tòi trong công việc để có thể phát triển bản thân và mang đến giá trị cho nhiều người

Giản dị, chân thành nhưng lại rất bản lĩnh và sáng tạo, đó là cảm nhận đầu tiên của nhiều người khi có dịp tiếp xúc với TS. Hồ Thị Giang – nhóm trưởng nhóm Văn 10 của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội). Với tư duy khá sắc sảo cùng nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào, cô Hồ Thị Giang đã đạt được nhiều thành tích trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong năm 2023, cô vinh dự đạt giải “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2023”.

Tình yêu với nghề cầm phấn: “Thông suốt lựa chọn”

13 năm kể từ khi hoàn thành bậc cao học, cô Hồ Thị Giang vẫn luôn miệt mài ươm mầm tri thức, dành tình cảm sâu nặng với nghề giáo cao quý.

Chia sẻ về những khó khăn trong giai đoạn đầu bước vào nghề cầm phấn, cô Giang chân thành bộc bạch rằng, điều khó nhất bắt nguồn từ giọng nói. Được biết, cô sinh ra và lớn lên ở Nghệ An – mảnh đất nổi tiếng về tinh thần hiếu học và thanh âm mộc mạc, chân chất. Để ứng tuyển vào vị trí giáo viên giảng dạy tại Hà Nội, giọng nói chuẩn ngữ âm – ngữ điệu là điều rất cần thiết. Hơn nữa, với một giáo viên dạy môn Ngữ văn thì điều này càng đặc biệt quan trọng, bởi giọng nói chính là “linh hồn của bài giảng”. Ở thời điểm thử việc, giọng nói đã trở thành một chướng ngại đối với cô.

Cô Giang tâm sự: “Ngày giảng thử ở Chuyên Ngữ và lúc dạy thêm ở trường THPT Lương Thế Vinh, mình từng được các thầy cô nhắc nhở khá nhiều về vấn đề giọng nói. Nhưng thật may mắn là mình đã nhận được lời động viên, chia sẻ kịp thời từ một người chị. Mình vẫn nhớ, chị đã lấy ví dụ về thầy Văn Như Cương – một nhà giáo cũng quê gốc Nghệ An. Chị kể rằng giọng thầy cũng “nằng nặng đất miền Trung” giống như mình nhưng khi phát biểu hay giảng dạy, thầy vẫn dùng từ ngữ và thanh điệu theo giọng Bắc để tiện cho công việc hơn. Chị khuyến khích mình thay đổi thêm để phù hợp với môi trường công việc và có cơ hội phát triển tốt hơn”.

Nhờ những lời khích lệ từ đồng nghiệp, cô giáo gốc Nghệ An đã cố gắng học hỏi, trau dồi cách phát âm nhẹ nhàng và ngữ điệu trầm bổng của chất giọng Hà Nội. Ở thời điểm hiện tại, giọng nói của cô đã cải thiện đáng kể, vẫn có nét chân mộc, trầm ấm của xứ Nghệ nhưng pha thêm chút mượt mà, truyền cảm của tiếng nói xứ Bắc.

Động lực đến từ những tình cảm được gửi trao

Khi được hỏi về những hồi ức và kỉ niệm đáng nhớ trong những ngày tháng chèo lái con thuyền tri thức, TS. Hồ Thị Giang xúc động kể về những chân tình mộc mạc mà đáng quý đến từ học sinh, phụ huynh và cả những người đồng chí, đồng nghiệp. Đối với cô Hồ Thị Giang, học trò trường Chuyên Ngữ đều là những cô/ cậu bé tình cảm, không chỉ giỏi giang, năng động mà còn rất trưởng thành và thấu hiểu. Cô luôn thấy rằng được làm việc cùng với các bạn học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ chính là điều mà bản thân luôn thấy vui và tự hào.

“Có một điều nữa, trong hành trình làm thầy, mình nhận được rất nhiều sự giúp đỡ đến từ phụ huynh – đối với mình đó thực sự là một điều may mắn”. Nhớ về thời điểm mới làm công tác chủ nhiệm, cô Giang tâm sự rất nhiều về sự hồi hộp, lo lắng khi đứng trước phụ huynh. Khi ấy, sự hỗ trợ đầy chân thành đến từ chị Thiện (một trong số các phụ huynh của lớp) đã giúp cô tự tin hơn: “Chị đã giúp đỡ mình như một người em thực sự của chị, chị thông cảm và thấu hiểu cho sự non nớt và vụng dại của một giáo viên còn ít kinh nghiệm, điều đó khiến mình nhớ mãi.”

Chia sẻ về những tấm chân tình được nhận từ phụ huynh học sinh, cô giáo Chuyên Ngữ cũng kể thêm rất nhiều kỷ niệm mà đối với một người làm nghề dạy học, đó là những nguồn năng lượng tinh thần ấm áp, quý giá: “Còn nhớ hồi mình làm nghiên cứu sinh, chị Thúy Hằng – giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn lúc nào cũng cho mình những tài liệu hay. Có quyển sách nào quý, chị đều gửi cho mình đọc cùng. Hoặc hồi ba mình ốm, bác sĩ Trung Anh đã vô cùng nhiệt tình giúp đỡ-  mặc dù ở thời điểm đó, con gái của bác sĩ (học sinh mình) đã ra trường từ rất lâu. Đó là những điều đáng quý mà mình luôn khắc sâu trong trái tim, để tự nhắc cần biết tử tế trong nghề và trong đời”.

Những trái ngọt trên cuộc hành trình dài đầy thử thách

Luôn trân quý và lấy những ân tình nghề dạy học làm động lực để phát triển, nhà giáo Hồ Thị Giang đã không ngừng trau dồi, học hỏi thêm kiến thức cũng như kỹ năng sư phạm để đem lại những bài giảng chất lượng cho học trò và đóng góp phần nào vào sự nghiệp giáo dục nói chung. Bằng “cái tâm” với nghề, cô giáo xứ Nghệ đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận:

Ngày 11/01/2022, ĐHQGHN đã công bố trao Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2022” cho 10 cá nhân. Trong đó, TS. Hồ Thị Giang tham gia ở Hạng mục 5 – Đổi mới sáng tạo trong xây dựng và phát triển học liệu. Trong năm 2022, một số sản phẩm đổi mới sáng tạo của cô đã gây được ảnh hưởng, đáp ứng đủ 5 tiêu chí của Hạng mục 5, cụ thể: Sản phẩm tài liệu tham khảo phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Cô giữ vai trò chủ biên các sách quan trọng: “Tài liệu đọc hiểu văn bản”, “Luyện tập phát triển năng lực đọc hiểu và năng lực viết” (dành cho HS lớp 10, 11, 12), “Luyện tập phát triển năng lực môn Ngữ văn 7” (cuốn sách được biên soạn nối tiếp cuốn “Luyện tập phát triển năng lực môn Ngữ văn 6” năm 2021). Các cuốn “Bồi dưỡng HSG THCS và ôn thi vào lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn” “Ôn tập  – Đánh giá năng lực Ngôn ngữ Tiếng Việt” được tái bản, phục vụ đông đảo đồng nghiệp và học sinh trong cả nước.

Ngày 15/11/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố Quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà giáo Đại học Quốc gia Hà Nội của năm và các giải thưởng về đổi mới giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 cho các tập thể và cá nhân đạt giải. Trong đó, cô Hồ Thị Giang vinh dự là cá nhân duy nhất đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ được nhận Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2023”.

Khi được hỏi về cảm xúc khi nhận được giải thưởng danh giá này, TS. Hồ Thị Giang bồi hồi chia sẻ: “Được trở thành Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2023 đã là điều tuyệt vời, điều khiến mình bất ngờ hơn chính là việc quỹ IMG ‘Vì sự nghiệp giáo dục’ đã chọn mình để trao giải Nhì. Nghe Ban tổ chức đọc tên, trái tim mình vỡ òa hạnh phúc. Bởi lẽ, lúc mình thực hiện các dự án, các kế hoạch nhỏ, mình chưa từng nghĩ sẽ nhận được điều danh giá này. Mình cứ làm thôi, với những suy nghĩ rất trong trẻo và lành mạnh, đó là mình thấy có ích cho nhiều người và mang đến cho chính mình những giá trị tốt đẹp khác.”

Nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo và hăng say thử sức ở những lĩnh vực mới

Đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực Đổi mới sáng tạo, cô giáo chia sẻ về nguồn động lực của bản thân: “Nghe ‘sản phẩm đổi mới sáng tạo’ hơi hoành tráng, nhưng đúng là, bản chất công việc, mình muốn thích ứng với cái mới của giáo dục hiện đại, muốn tạo ra được những sản phẩm mang lại giá trị thiết thực và có ích trong bối cảnh mới”.

Theo cô, có hai lý do quan trọng và đồng thời cũng là nguồn động lực to lớn thúc đẩy cô thực hiện nghiên cứu về những dự án đổi mới. Lý do đầu tiên xuất phát từ niềm yêu thích khám phá những cái mới, những ý tưởng mang tính sáng tạo. “Trông bề ngoài mình an toàn thế thôi nhưng cá tính của mình khá mạnh. Có thể do mình tuổi hổ.” – cô vui vẻ tâm sự. Lý do thứ hai đến từ môi trường ULIS và THPT Chuyên Ngữ. Đối với cô Giang, chính không khí học tập, giảng dạy đầy năng động ở đây đã khiến cho nhãn quan của cô trở nên tươi tắn và hiện đại hơn mỗi ngày. “Mọi người tôn trọng cá tính của nhau và tôn trọng sự phát triển của từng cá nhân. Học sinh sáng tạo và đầy năng lượng khiến giáo viên không thể nào thờ ơ trước những điều kiện quá thuận lợi như thế. Mình nghĩ bản thân mình cũng cần phải học hỏi, cải tiến hơn từng ngày thì mới tự tin đứng trước học trò của mình được.”

Bên cạnh lĩnh vực giảng dạy, đổi mới sáng tạo, khi có thời gian và cơ hội, Tiến sĩ Hồ Thị Giang còn viết bài cho các Tạp chí chuyên ngành và tham dự Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Gần đây, cô có viết về Nguyễn Huy Thiệp và Dương Nghiễm Mậu, có tham gia Hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học. Cô cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng: “Mình từng viết thơ và tản văn để tuyển in trong các cuốn sách dành tặng những em bé bị bệnh tim. Mình thực hiện dự án nho nhỏ gây quỹ để hỗ trợ trẻ em bị ung thư”. Với cô, các mảng hoạt động mà cô thử sức đều liên đới và bổ trợ lẫn nhau: “Các mảng công việc đều kết nối ở trụ chung là giáo dục. Mình dấn thân mới thấy là chúng liên quan nhau chặt lắm, giúp cho góc nhìn của mình sâu hơn, rộng hơn.” Thay vì chỉ tìm hiểu chuyên sâu ở một mảng để tạo ra dấu ấn cá nhân, với vai trò là một giáo viên trung học, cô đề cao việc tìm tòi nhiều lĩnh vực, cơi nới và liên đới nhiều năng lực, từ đó có thể rút ra nhiều bài học để thấm thía và trưởng thành hơn trong nghề.

Chia sẻ về những dự định của bản thân, hiện tại cô vẫn đang nghiên cứu, học hỏi để hoàn thiện các sản phẩm, dự án dang dở. Và trong những năm tới, cô vẫn muốn tiếp tục hành trình phát triển các sản phẩm đổi mới để phục vụ cho công việc dạy học, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ được nhiều hơn với đồng nghiệp và học sinh.

Trà Giang/ĐSTT