Thông tin về Khóa tập huấn Công dân tích cực doanh nghiệp xã hội dành cho giảng viên và sinh viên – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thông tin về Khóa tập huấn Công dân tích cực doanh nghiệp xã hội dành cho giảng viên và sinh viên

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG DÂN TÍCH CỰC DOANH NGHIỆP XÃ HỘI (ACTIVE CITIZENS SOCIAL ENTERPRISE): THÊM MỘT NHỊP ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH HỌC TẬP LÀ HẠNH PHÚC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ

Trong một hành trình xây dựng học tập là hạnh phúc, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tạo ra một hệ sinh thái mới trong nhu cầu học tập kiến thức của người trẻ và đổi mới hoạt động giảng dạy của giảng viên. Nhà trường tin tưởng vào triết lý giáo dục rằng:

  1. ​Học tập trước hết cần mang lại hạnh phúc cho người học;
  2. Đi học trên hết là vì bản thân, không phải vì bố mẹ, tấm bằng hay đám đông;
  3. Cách học tốt hơn hết là năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự khám phá;
  4. Kỹ năng sinh tồn cần hơn hết trong thế kỷ 21 là khả năng học tập suốt đời;
  5. ​Một nền giáo dục tốt hơn hết phải có tính khai phóng, giúp người học hiểu mình là ai, con người nghĩa là như thế nào, giá trị của truyền thống là gì, thế giới đang vận hành ra sao, và mình sẽ có vai trò gì trong đó.

Vì vậy, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo và các Khoa đã tổ chức các khóa tập huấn trải nghiệm cho giảng viên và sinh viên nhằm thúc đẩy những hiểu biết xã hội, hình thành kĩ năng mới trong thời đại công nghệ phát triển. Một trong những hoạt động nổi bật là Khóa tập huấn Công dân tích cực Doanh nghiệp xã hội (Active Citizens Social Enterprise). Chương trình là sự phối hợp giữa Nhà Trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh tổ chức nhằm cung cấp các kỹ năng điều phối và kết nối cộng đồng, xây dựng dự án xã hội cho giảng viên và sinh viên. Sự phát triển các kỹ năng giúp họ có thể đối mặt với các thách thức của thế kỷ 21 trong giai đoạn thế giới đang toàn cầu hóa. Các kỹ năng được ứng dụng ngay tại nơi làm việc, tại cộng đồng nơi họ đang sống và ngay tại trong ngôi nhà của họ. Họ sẽ là những đại sứ có khả năng tạo ra sự thay đổi chính bản thân mình và thay đổi tại cộng đồng bằng cách sử dụng những kiến thức, kỹ năng học được để lan tỏa chương trình tới cộng đồng bằng các dự án xã hội tích cực. Sinh viên sẽ có cơ hội thể hiện được những kỹ năng mới một Công dân tích cực, có kiến thức và kĩ năng toàn cầu. 

Thế nào là công dân tích cực?

 Công dân là thành viên của một đất nước. Công dân tích cực là những người làm được những điều vượt lên trên những nghĩa vụ căn bản của một người công dân và được gắn kết vào những hoạt động xã hội tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của người dân địa phương hoặc các cộng đồng.

Đối với sinh viên Việt Nam, cộng đồng mà họ đang tham gia và tương tác nhiều nhất là trường đại học và rất nhiều nhóm cộng đồng trong mối quan hệ xã hội rộng lớn. Sự thay đổi từ cuộc đời học sinh đến thời sinh viên là họ được mở rộng các nhóm quan hệ khác nhau và trưởng thành từ sự tương tác với các thầy cô giáo, bạn học và nhiều kết nối xã hội từ mạng lưới đó. Các Uliser đã là công dân tích cực trong trường học của mình chưa? Đã có những tiêu chí của công dân toàn cầu mà mình mong muốn đạt đến chưa? Chỉ có tư duy và định hướng hành trình học tập hạnh phúc cho bản thân, cho người thân và cộng đồng bạn đang sống sẽ chỉ đường cho bạn đi đến mục tiêu cuộc đời. Chương trình sẽ hỗ trợ giảng viên và sinh viên Ulis có được phương pháp học tập trải nghiệm và hành trình tiếp cận cuộc sống qua bộ công cụ toolkit để tự tay xây dựng cuộc sống mình mong muốn. Đến nay chương trình đã mở một khóa tập huấn cho sinh viên và tiếp tục đồng hành cùng Thầy cô và các bạn trong nhiều chương trình sắp tới. Vì một niềm tin lớn lao ở trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội được trao gửi rằng Thầy cô và sinh viên chính là chuyên gia giỏi nhất của chính mình.

Câu chuyện khóa học

Dòng sông học tập

Chương trình trải qua 4 module như 4 khúc sông của dòng sông học tập:

  1. Tôi và bản sắc văn hóa (I and My Identity)
  2. Tôi và bạn, đối thoại đa văn hóa (I and You, Intercultural Dialogue)
  3. Chúng ta, cộng đồng (We together)
  4. Lập kế hoạch và thực hiện (Project planing and Delivering)

Trong ba ngày liên tiếp, chương trình giúp Giảng viên và sinh viên tiếp cận những kiến thức, phương pháp tư duy, làm việc mới. Đó không phải là những buổi lên lớp hay giảng dạy mà là thảo luận, chia sẻ. Các vấn đề đưa ra rất mở và tự do, ai cũng có thể lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình, mọi ranh giới địa vị, tuổi tác đều xóa nhòa. Cách tiếp cận của chương trình gợi nhớ đến câu nói: “Nói với tôi và tôi sẽ quên. Dạy cho tôi thì tôi sẽ nhớ. Cho tôi tham gia thì tôi sẽ học” (Tell me and I forget. Teach me and I remember. Involve me and I learn) của Benjamin Franklin. Cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo, khác với sự nhàm chán, thụ động của việc ngồi, nghe, chép như trước. Các thành viên của chương trình được trao gửi cách tiếp cận, con mắt nhìn cuộc sống theo một cách khác, cách của công dân tích cực – “Truyền cảm hứng và gây dựng niềm tin, đóng góp tích cực cho cộng đồng”.

 Cây Kỳ vọng

Một khóa tập huấn được đầu tư và chuẩn bị cẩn thận từ nội dung tới cách thức tổ chức. Thông qua những hoạt động tập thể  sinh động, thú vị Active Citizens giúp xóa bỏ những định kiến của  bản thân, mở lòng với mọi người và chấp nhận những khía cạnh khác nhau của vấn đề. Những ý tưởng về  Cây kỳ vọng, Dòng sông học tập, Nguyên lí tảng băng… cách hình ảnh hóa học liệu, cách xây dựng biểu tượng bài học đã truyền tải những thông điệp tới học viên một cách tự nhiên, từ đó gợi mở những giá trị về vấn đề xây dựng và phát triển cá nhân và cộng đồng. Không có giáo trình sẵn, không có sự phân định đúng sai và một con đường duy nhất. Điều thú vị của khóa tập huấn là sự chủ động tham gia của người học vào các hoạt động rất đa dạng, các chủ đề được trao đổi, thảo luận rất gần gũi và quan trọng đối với giảng viên và các bạn trẻ, đặc biệt là những người đang quan tâm xây dựng và phát triển những dự án trong trường học hoặc cho cộng đồng. Bài học về niềm tin, về phát triển bền vững và các ví dụ thực tế ở Trường, hoặc cộng đồng mình sinh sống cũng đem lại cho nhiều suy tưởng về vấn đề sáng tạo xã hội.

Hiện nay giảng viên và sinh viên đang sống trong một thế giới phẳng, đang học tập và làm việc trong một thị trường lao động toàn cầu hóa. Chúng ta cùng hướng tới đích cao và xa hơn và tích lũy kiến thức, kĩ năng thật đầy đủ khi đang yên bình trong vòng tay của gia đình Trường Đại học Ngoại Ngữ.  “Ngoài kia là một xã hội rộng lớn và nhiều thử thách” – Thầy Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã từng nói. Nhà trường, thầy cô và các bạn sinh viên cùng nỗ lực trở thành Công dân toàn cầu, tự tin bước ra thế giới mới. Ở chính nơi đây, chương trình Công dân tích cực sẽ giúp bạn nhận ra tiềm năng bản thân, mối liên hệ với cộng đồng xã hội và nỗ lực trả lời câu hỏi này khi bạn đang là thành viên trong một Gia đình ULIS. 

Thông tin các khóa tập huấn:

Khóa tập huấn TOT dành cho giảng viên và sinh viên tham gia công tác Đoàn, Hội:

  • Thời gian: 03 ngày, từ ngày 21-23/02/2020
  • Địa điểm: Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
  • Số lượng: 40 người (25 giảng viên và 15 sinh viên)
  • Link đăng ký: http://bit.ly/TOTULIS
  • Thời hạn đăng ký: hết ngày 12/02/2020

Khóa tập huấn lan tỏa số 2 và 3 dành cho sinh viên:

  • Dự kiến tổ chức trong tháng 3/2020. Thông tin chi tiết sẽ có thông báo sau.

Thông tin về khóa tập huấn lan tỏa số 1 dành cho sinh viên xem tại đây: http://ulis.vnu.edu.vn/to-chuc-khoa-tap-huan-cong-dan-tich-cuc-va-doanh-nghiep-xa-hoi-cho-sinh-vien-nam-2019/

http://ulis.vnu.edu.vn/ky-ket-voi-hoi-dong-anh-viet-nam-ve-to-chuc-cac-khoa-dao-tao-phat-trien-ky-nang-va-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-cho-sinh-vien/