Theo học ngành Kinh tế – Tài chính ở ULIS là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi! – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo học ngành Kinh tế – Tài chính ở ULIS là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi!

Nguyễn Ngọc Hiếu, sinh viên Chương trình Liên kết quốc tế ngành Kinh tế – Tài chính của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc thực sự tập trung vào đích đến mà bạn mong muốn, sẽ đem lại cho bạn đầy đủ sức mạnh và dũng khí để bước tiếp.” Dấn thân vào những thử thách, bạn phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, ngay từ những việc nhỏ nhất.

*Xem thông tin xét tuyển bằng học bạ chương trình liên kết quốc tế tại đây.

Lý lịch trích ngang:

  • Sinh viên chương trình Kinh tế – Tài chính liên kết với Đại học Southern New Hampshire khóa SNHU 15
  • Hai năm liên tiếp đạt học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của chương trình Liên kết Quốc tế – Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
  • Đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp Đại học Ngoại ngữ và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đạt chứng chỉ CFA level I, ứng viên CFA level II
  • Luôn đi đầu trong công tác học sinh sinh viên của trường cũng như của khoa
  • Biết quan sát, lắng nghe và đưa ra quan điểm cá nhân
  • Mạch lạc trong lối sống, và là người hành động dựa trên giá trị mang lại
  • Ứng viên mảng Wealth Management – VN Direct

Cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời tôi

Mình chưa từng nghĩ sẽ học ngành Kinh tế – Tài chính và quyết tâm theo đuổi ngành này trên con đường sự nghiệp tương lai. Khi đăng ký thi Đại học, mình không hề đăng ký trường Đại học Ngoại ngữ cũng như không đăng ký ngành Kinh tế hay Tài chính. Khi đó, mình chỉ thi theo cảm nhận về mức điểm bản thân mà chưa hề có suy nghĩ kỹ càng là mình sẽ học để khi ra trường làm công việc gì cả. Kinh nghiệm và vốn sống khi đó của mình còn khá mỏng, nên mình cảm thấy thực sự khó khăn khi phải tưởng tượng mình sẽ là ai trong 5 năm tới, mình sẽ làm nghề gì, ở đâu và mình phải học gì để đi được tới điểm đó. Mình không hiểu gì về thị trường việc làm và những triển vọng, không biết nên chọn hướng đi nào cho bản thân, không biết chọn nghề nào mà theo, lại càng không biết chọn đích nào để nhắm tới và cống hiến.
Nhưng tất cả những hoang mang đó thực sự dừng lại và bị xóa nhòa khi mình gặp thầy Hoa Ngọc Sơn và được thầy dành ra rất nhiều buổi để giải thích cũng như định hướng lại cho mình. Đó là lần đầu tiên mình biết đến chương trình Liên kết quốc tế, ngành Kinh tế – Tài chính; cũng là lần đầu tiên, mình tự dành thời gian ra đọc và tìm hiểu xem suốt những năm tháng Đại học tới mình sẽ được học gì, so với các chương trình khác thì ra sao, và tương lai mình có thể sẽ được những gì. Cuối cùng, mình đã đăng ký nhập học chương trình Kinh tế – Tài chính liên kết với Đại học Southern New Hampshire. Đến bây giờ, mình vẫn luôn biết ơn sự lựa chọn này. Mình chưa bao giờ cảm thấy mình đã lựa chọn điều gì hợp lý như vậy.

“Cuộc gặp gỡ với thầy Trưởng khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ – thầy Hoa Ngọc Sơn đã là bước ngoặt của cuộc đời mình”, Hiếu khẳng định.

Bí quyết học tập là sự tập trung tối đa

Bước vào chương trình học của ngưỡng Đại học, lại học bằng tiếng Anh, mình biết rất nhiều bạn cảm thấy khá nặng. Nhưng đối với mình, bốn năm học trôi qua thực sự rất nhanh và mình không cảm thấy nặng nề gì nhiều. Cá nhân mình cảm thấy khối lượng kiến thức được phân bổ rất hợp lý, nếu các bạn biết tận dụng thời gian, các bạn thậm chí còn có thể học thêm những chứng chỉ khác để nâng cao kỹ năng cũng như tích lũy kiến thức cho bản thân, chuẩn bị cho quãng đường tiếp theo sau khi rời khỏi cổng trường Đại học.

Trong suốt những năm Đại học, mình luôn ngồi bàn đầu. Mình thích ngồi gần thầy cô, để được nghe giảng tốt hơn, và để được hỏi nhiều hơn. Tất cả các giảng viên của chương trình Kinh tế – Tài chính SNHU đều là các thầy cô có kinh nghiệm làm việc thực tế, và có thể chia sẻ cho các bạn rất nhiều câu chuyện, kiến thức ngoài sách vở. Đối với mình, điều này rất quý báu và mình luôn trân trọng.

Mình biết đến CFA – chứng chỉ chuyên sâu về Phân tích và đầu tư Tài chính, cũng là nhờ sự định hướng và chỉ bảo của thầy Hoàng, thầy Lai. Sau này, trong quá trình đào sâu hơn về nghề Tài chính, càng lúc mình càng nhận ra, những môn học mà các bạn luôn nghĩ là khó và chán như Thống kê kinh doanh, Kế toán, Nguyên lý tài chính, Quản trị chiến lược, Tiền tệ ngân hàng, Nguyên lý đầu tư, Phân tích đầu tư, Quản trị rủi ro… lại là những môn học nền tảng giúp mình tiến sâu hơn khi theo nghề. Thỉnh thoảng, mình cũng vẫn nuối tiếc là trong suốt những năm tháng đại học, mình đã không hỏi thầy cô nhiều hơn, đọc nhiều sách và tài liệu hơn, nghiên cứu nhiều hơn để có thể bước vào nghề một cách vững vàng nhất. Nên nếu có thể, các bạn sinh viên hãy cố gắng tận dụng cơ hội học tập ngay từ những năm đầu nhé. Việc đọc thật nhiều giáo trình cũng giúp tiếng Anh của các bạn tiến những bước tiến xa mà bạn không ngờ tới đâu.

Cần kiên trì bước tiếp để vượt qua mọi thử thách

Nhà mình ở khá xa trường, cũng ở khá xa địa điểm luyện thi CFA mà mình đã theo học. Việc đi lại tương đối vất vả. Chương trình học nặng, mình lại cùng lúc ôn luyện để thi CFA, nhiều lúc mình cảm thấy như nghẹt thở, stress đến mức tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Có những ngày, mình nhìn chồng sách dày cộp mà mình cảm thấy vô cùng chán nản. Cũng có những ngày mưa to, mình đi học, mà nước tạt vào mặt đến cay xè mắt, ướt và lạnh, đường ngập trơn đi mãi không thấy tới nơi. Ngày mình thi CFA, cả ngày mình chỉ ăn 2 gói xôi để thi cả sáng và chiều. Thi xong, mình cảm thấy não mình như muốn nổ tung. Mình đã muốn bỏ cuộc.

Mình biết, trong suốt quá trình học tập, và cả sau này các bạn đi làm nữa, sẽ có những lúc các bạn cảm thấy vô cùng, vô cùng khó khăn. Khi đó, tất cả những gì bạn cần làm là bình tĩnh lại, và tập trung. Việc thực sự tập trung vào đích đến mà bạn mong muốn, sẽ đem lại cho bạn đầy đủ sức mạnh và dũng khí để bước tiếp. Mình chọn cách sống dấn thân. Dấn thân vào những thử thách, bạn phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, ngay từ những việc nhỏ nhất. Việc đi học, việc đọc sách, việc đi thi, rồi sau này là trong công việc thực tế, mọi thứ đều đỏi hỏi trách nhiệm cao nhất từ chính bản thân mình. Khi đã đặt mục tiêu rồi, mình sẽ cố gắng nỗ lực để hoàn thành. Trí lực cũng như khả năng tập trung sẽ phát triển tốt nhất khi được rèn luyện mỗi ngày. Vì vậy, để trở nên nhạy bén, mình không cho phép bản thân dừng lại và ngưng cố gắng.

Nói ít, làm nhiều và quan trọng là hãy cống hiến nhiều nhất có thể

Khi các bạn ứng tuyển đi làm sau khi ra trường, điều các công ty tìm kiếm ở bạn là năng lực làm việc. Nhân sự không được mưu cầu để làm những điều thay đổi cả công ty hay thay đổi cả thị trường, mà là tập trung vào những việc nhỏ bé cho tới lớn dần để tạo ra giá trị mới một cách bền bỉ. Quãng thời gian đại học, các bạn bùng nổ nhu cầu khẳng định bản thân, cùng những tập trung cá nhân và những lời hứa hẹn. Mình cho rằng không nên như vậy.

Trong suốt cả quãng thời gian đại học, mình nghĩ rằng các bạn sinh viên nên tích cực tham gia thật nhiều các công tác Đoàn thể. Ở đó, các bạn không chỉ có cơ hội khám phá bản thân, kết bạn với nhiều người, mà còn có thể lắng nghe, học hỏi rất nhiều. Các bạn có cả 4 năm để học tập và rèn luyện bản thân, song song với công tác Đoàn thể, các bạn sẽ được cải thiện các kỹ năng cụ thể có thể sử dụng được sau này chứ không ngập chìm trong các câu chuyện phù phiếm hay những công việc riêng ngắn hạn không mang lại nhiều giá trị sống nữa. Qua thời gian, các kiến thức, kỹ năng và networking mới là những giá trị còn lại của các bạn.

Càng tham gia nhiều hoạt động Đoàn thể, càng gặp gỡ nhiều, càng va chạm sớm, các bạn càng sớm tích lũy được chất liệu để định vị bản thân mình.

Theo FLE