Thầy Nguyễn Phú Chiến: Sự ra đời của Trường THCS Ngoại ngữ là thành quả của sự quyết tâm – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thầy Nguyễn Phú Chiến: Sự ra đời của Trường THCS Ngoại ngữ là thành quả của sự quyết tâm

Trường THCS Ngoại ngữ trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức thành lập vào ngày 26/3/2019. Nhân trong đợt tuyển sinh khóa đầu tiên, ULIS Media đã có cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng đầu tiên để tìm hiểu về ngôi trường mới ra đời này.

PV: Xin chào thầy. Thầy có thể chia sẻ về quá trình từ lúc ấp ủ đến khi công bố quyết định thành lập trường?

Quá trình từ lúc ấp ủ đến khi nhận quyết định thành lập Trường THCS Ngoại ngữ kéo dài khoảng 3 năm. Đầu tiên là đề án mở hệ chất lượng cao của Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Ngoại ngữ, sau đó chuyển thành đề án mở hệ Trung học cơ sở (THCS) trực thuộc Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và cuối cùng là đề án mở Trường THCS Ngoại ngữ trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh đã ra quyết định thành lập tổ công tác xây dựng đề án do TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Hiệu trưởng làm tổ trưởng. Tham gia tổ công tác có đại diện lãnh đạo các phòng chức năng và Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Hai người chấp bút chính cho đề án là TS. Lại Thị Phương Thảo và tôi.

Trong suốt quá trình xây dựng đề án, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ, đặc biệt là Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh và sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các đơn vị trong Trường. Có thể nói, sự ra đời của Trường THCS Ngoại ngữ là thành quả của sự quyết tâm, trên dưới một lòng của các tập thể và cá nhân trong Trường Đại học Ngoại ngữ.

Ngoài ra, chúng ta phải kể đến sự ủng hộ, định hướng của Đại học Quốc gia Hà Nội và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của địa phương nữa.

PV: Một ngôi trường mới ra đời bao giờ cũng được quan tâm đến triết lý giáo dục. Thầy có thể chia sẻ về triết lý giáo dục của Trường THCS Ngoại ngữ?

Triết lý giáo dục của Trường THCS Ngoại ngữ là phát triển toàn diện con người để các em học sinh có thể tận hưởng hạnh phúc mỗi ngày tới trường và sẵn sàng hội nhập trong tương lai.

Ở ngôi trường này, các em không chỉ được học những tri thức cơ bản từ sách vở trong lớp học mà còn được thu nhận những điều vô cùng quý giá từ thiên nhiên và cuộc sống muôn màu bên ngoài lớp học.

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cho TS. Nguyễn Phú Chiến

PV: Thầy cho rằng Trường THCS Ngoại ngữ có những ưu điểm đặc biệt nào để “tỏa sáng” và định vị trong bản đồ giáo dục THCS cả nước?

Chúng ta có thể tự tin vào sự phát triển của Trường THCS Ngoại ngữ, tin vào sự tỏa sáng của Trường trong tương lai.

Sự tự tin ấy đầu tiên đến từ truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường Đại học Ngoại ngữ; từ những kinh nghiệm và bài học quý báu được đúc rút trong quá trình 50 năm xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Ngoại ngữ trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN thành một trường chuyên danh tiếng.

Sự tự tin ấy còn đến từ sự khác biệt, Trường THCS Ngoại ngữ là trường THCS gắn với THPT chuyên và đại học. Học sinh của Trường sẽ được học tập với các thầy cô giáo phổ thông dạy giỏi và tâm huyết; với các chuyên gia giáo dục, chuyên gia ngoại ngữ, các tác giả chương trình và sách giáo khoa của bậc đại học. Các em học sinh cũng sẽ được thụ hưởng những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất nhằm nâng cao hiệu quả học tập; được kế thừa, phát huy những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu của mô hình trường chuyên; được học và sinh hoạt nhóm với sự tham gia của các anh chị sinh viên các ngành sư phạm và học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

Trường THCS Ngoại ngữ đã, đang và tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo có tài, có tâm và có tầm. Chúng ta còn có sự đồng lòng, quyết tâm, chung sức xây dựng của các đơn vị và cá nhân trong Trường Đại học Ngoại ngữ, trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì thế chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển bền vững của Trường THCS Ngoại ngữ trong thời gian tới.

PV: Thầy có thể chia sẻ gì về slogan “Bệ phóng vững chãi, tỏa sáng tương lai”?

Vâng, slogan này lần đầu tiên được nói đến tại lễ công bố quyết định thành lập Trường. Chúng tôi muốn chuyển tải một thông điệp: Những ưu điểm vừa nhắc đến ở trên sẽ là bệ phóng vững chãi giúp nhà trường vươn tới những thành công trong tương lai.

PV: Học phí là vấn đề đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Thầy có thể chia sẻ về nội dung này được không?

Học phí của trường đặt ra trong năm học đầu tiên là 3,2 triệu đồng/tháng, chưa kể một số khoản nhà trường thu hộ như tiền ăn nghỉ trưa, xe đưa đón, tiền tham quan, dã ngoại hàng tháng,…

Trước hết, cần phải thông tin tới các vị phụ huynh là Trường THCS Ngoại ngữ hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo chi phí hoạt động, lấy thu bù chi. Nhà trường không được nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư xây dựng Trường THCS Ngoại ngữ lấy từ vốn sự nghiệp của Trường Đại học Ngoại ngữ.

Nếu nhìn vào chương trình đào tạo gồm chương trình cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình nâng cao, chương trình đặc thù cũng như các hoạt động ngoại khoá và hoạt động bổ trợ thì các bậc phụ huynh sẽ thấy mức thu của trường là hợp lý.

Đấy là chúng ta còn chưa kể sĩ số trung bình của lớp là 25 học sinh, thấp hơn nhiều so với sĩ số lớp học ở các trường công chất lượng cao.

PV: Lời cuối cùng thầy có thể nói đôi điều với những bậc phụ huynh sẽ động viên con em mình vào học khóa đầu tiên của trường?

Chúng tôi muốn đề nghị với các bậc phụ huynh: Hãy đưa con em mình đến ngôi trường mới – Trường THCS Ngoại ngữ. Hãy tin tưởng và trao gửi để các em được trải nghiệm và thu nhận những điều vô cùng quý giá, để các em lớn lên trở thành một người hoàn thiện, mạnh mẽ.

PV: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Năm học 2019-2020, Trường THCS Ngoại ngữ tuyển sinh 100 chỉ tiêu vào lớp 6. Học sinh cần trải qua 3 bài kiểm tra là ĐGNL KHTN & Toán (45 phút), ĐGNL KHXH & tiếng Việt (45 phút) và ĐGNL tiếng Anh (Nghe: 20 phút + Đọc – Viết: 50 phút).

Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT, bảo đảm 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng ở cấp độ thấp và vận dụng ở cấp độ cao. Các bài kiểm tra kết hợp hai hình thức là trắc nghiệm khách quan và tự luận.

Sau khi tổ chức ĐGNL vào 1/6, Nhà trường sẽ công bố kết quả kiểm tra và thí sinh trúng tuyển có điều kiện trước ngày 12/6. Ngày 13/6, Nhà trường sẽ tổ chức gặp mặt toàn thể phụ huynh của thí sinh trúng tuyển có điều kiện và trong hai ngày 15-16/6 sẽ tiến hành gặp mặt thí sinh và phỏng vấn phụ huynh. Kết quả trúng tuyển chính thức sẽ có trước 18h00 ngày 17/6/2019.

Tham khảo thêm tại đây.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media