“Tham gia Đề án Địa phương là một trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Tham gia Đề án Địa phương là một trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa”

Nguyễn Thị Linh là một trong số hơn 40 bạn sinh viên tham gia Đề án Địa phương, một “dự án” của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Lạng Sơn và Thanh Hóa. Trong chương trình này, các sinh viên đã tham gia hỗ trợ giảng viên dạy và tổ chức các hoạt động tại 14 trường THPT.

Chỉ còn một tháng nữa là kỳ thi THPTQG 2019 sẽ tới và cũng là lúc kết trái cho những nỗ lực của Nhà trường. Nhân dịp này, ULIS Media đã trò chuyện với Linh để tìm hiểu về vai trò và trải nghiệm của các sinh viên trong Đề án này.

PV: Chào Linh. Trước tiên em có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Em chào chị. Tên em là Nguyễn Thị Linh đến từ Bắc Ninh. Em hiện là sinh viên lớp 16E30, năm 3 Khoa Sư phạm tiếng Anh. Sở thích của em là du lịch vì du lịch tạo cơ hội cho em có những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Em có tham gia vào một số câu lạc bộ ở trong và ngoài trường như lễ tân hay múa hát.

Nhân tiện đây em cũng xin chia sẻ một chút về “cơ duyên” với ULIS. ULIS là ước mơ từ bé của em, từ lúc mà em cảm thấy hứng thú với ngoại ngữ. ULIS trong em luôn là ngôi trường hàng đầu cả nước về giảng dạy ngoại ngữ. Em lại muốn trở thành giáo viên tiếng Anh nên quyết định đăng ký vào Khoa SPTA cứ như là một điều hiển nhiên vậy. Vào học rồi, em cảm thấy ULIS đúng như những gì mình đã hình dung: Một môi trường học tập đầy thân thiện, năng động và sáng tạo. Các thầy cô rất nhiệt tình giảng dạy cho chúng em không chỉ kiến thức về năng lực tiếng hay chuyên môn mà còn cho chúng em rất nhiều kiến thức về xã hội.

PV: Tại sao em quyết định tham gia Đề án địa phương?

Khi nghe thông tin Nhà trường đang tuyển các tính nguyện viên để tham gia Đề án Địa phương, em chẳng ngập ngừng mà đăng ký ngay. Đầu tiên là bởi em muốn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở một nơi xa lạ cũng như học tập từ thầy cô và các bạn học sinh nơi đó. Em thấy đó là một hoạt động bổ ích cho bản thân, giúp trau dồi kiến thức và trang bị cho em nhiều hàng trang trong nghề nghiệp sau này.

Đặc biệt hơn nữa, em góp chút sức để giúp các em học sinh lớp 12 có thể tự tin hơn để vượt kỳ thi THPTQG.

PV: Em có thể chia sẻ về ngôi trường mình được phân về công tác và các bạn đồng hành của mình?

Trong đợt thực địa, em được phân về trường THPT Cao Lộc – Lạng Sơn cùng thầy Đỗ Trọng Hoàng và 2 bạn sinh viên là Dương Nhung và Thùy Trang. Ngôi trường em về là trường rất đẹp, có những bạn học sinh thân thiện (Đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của cô hiệu trưởng cùng các cô tổ bộ môn mà đoàn có chỗ ăn ngủ rất thoải mái). Em luôn thấy được sự nhiệt tình của các thầy cô khi đón chúng em và nhờ đó mà chúng em đã rất cố gắng để có thể giúp đỡ Nhà trường.

Em còn nhớ những buổi tối 4 thầy trò thức đến 1h sáng để chuẩn bị những bài kiểm tra nhỏ giúp các bạn học sinh ôn tập hay là nghĩ ý tưởng cho buổi hoạt động ngoại khóa. Mặc dù công việc cũng nhiều nhưng cả thầy và chúng em luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất và luôn giữ nụ cười trên môi. Đáp lại tình cảm của chúng em, các bạn học sinh còn mới chúng em lên tham gia buổi sinh hoạt lớp để có thể tặng chúng em những bài hát, những lời chia sẻ chân thành khiến chúng em rất cảm động. Nói chung em cảm thấy tham gia Đề án Địa phương là một trải nghiệm bổ ích và rất ý nghĩa đối với sinh viên bọn em.

PV: Trải nghiệm đáng nhớ nhất với em trong thời gian tham gia Đề án Địa phương?

Kỷ niệm thì nhiều lắm ạ nhưng em mãi nhớ đến một hoạt động mà đến nay các em học sinh vẫn còn nhắc đến. Vào ngày 25/1/2019, nhóm em có tổ chức một buổi giao lưu dành cho khối 12 để chia sẻ phương pháp học tiếng anh hiệu quả cũng như về kỳ thi THPTQG 2019. Đó là buổi giao lưu mà em sẽ không bao giờ quên, đúng như tinh thần của buổi giao lưu, các bạn học sinh rất thoải mái đưa ra những quan điểm, những khó khăn của các bạn ý trong việc học tiếng anh, sau đó các bạn rất tập trung để lắng nghe những chia sẻ từ phía chúng em. Buổi chia sẻ thực sự rất có ý nghĩa với bản thân em vì qua đó em thấy hiểu hơn hoàn cảnh của các bạn học sinh.

PV: Lời nhắn nhủ đến các em học sinh đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị bước vào kỳ thi THPTQG?

Các bạn học sinh lớp 12 thân mến, sau khi tốt nghiệp THPT con đường thực hiện lý tưởng ước mơ nó muôn hình khác nhau, đầy gian khó, muốn thành công thì hãy học tập kiên trì bền bỉ. Thầy cô và bản thân chị chỉ mong các em có ước mơ, có lý tưởng thì hãy kiên trì, bền bỉ để thực hiện bằng được. Hơn nữa, Ngoại ngữ không phải là “con ngáo ộp”, học ngoại ngữ để sống một cuộc đời phong phú hơn. Và tiếng Anh cũng không phải là ngoại lệ. Theo chị cũng giống như các ngoại ngữ khác, tiếng trung hay bất cứ tiếng nào cũng được đề cao, nhưng trước mắt là một kỳ thi như là một bước ngoặt của cuộc đời em và việc biết thêm một ngoại ngữ tiếng Anh có phải tốt hơn không.

PV: Đề án Địa phương đã giúp em rất nhiều và hẳn quá trình học tập tại ULIS của em cũng vậy. Em có cảm nhận như thế nào về ULIS sau thời gian học tập tại trường?

“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn học tại ULIS”, đó là câu nói của hầu hết các bạn đang theo học ULIS và bản thân em cũng thấy vậy. Bởi lẽ, mỗi ngày đến trường là một ngày vui thực sự. Từ một cô bé hơi bẽn lẽn, giờ em chẳng hề ngại ngùng khi bắt chuyện với người lạ hay người nước ngoài. Hơn nữa, nhờ có thầy cô rất tâm huyết mà em học được rất nhiều thứ không chỉ có trong sách vở mà con bên ngoài cuộc sống. Em cảm thấy thật hạnh phúc vì thành xuân của mình được gắn bó với ULIS.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media