Sơ kết công tác giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên CTĐT Chất lượng cao theo Thông tư 23 giai đoạn 2018-2021
Ngày 26/10/2021 đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên CTĐT Chất lượng cao theo Thông tư 23 tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN giai đoạn 2018-2021 theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết hoạt động và đưa ra đề xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên chương trình đào tạo Chất lượng cao Thông tư 23.
Tham dự hội nghị có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; Ban Chỉ đạo cấp Trường, cấp Khoa các chương trình đào tạo CLC TT23; Văn phòng Ban Chỉ đạo CLC TT23; Ban Chủ nhiệm và giảng viên khoa Tiếng Anh Bộ môn NN2-NVCL; Ban chủ nhiệm Khoa SPTA; Câu lạc bộ ETDC khoa Sư phạm Tiếng Anh; Đại diện Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên và Trung tâm Hỗ trợ sinh viên.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết chương trình đào tạo tiếng Anh dành cho sinh viên các CTĐT CLC của Trường Đại học Ngoại ngữ hiện nay được xây dựng thể hiện trách nhiệm xã hội cao của Nhà trường. Qua quá trình triển khai ngoài những ưu điểm vẫn còn một số tồn tại yêu cầu chương trình phải được cập nhật, cải thiện hơn để đáp ứng nhu cầu của người học và người dạy. Trên cơ sở đó, 3 công việc chính liên quan đến việc đào tạo tiếng Anh cho sinh viên các CTĐT CLC sẽ được Nhà trường triển khai thời gian tới là: Điều chỉnh về chương trình đào tạo, Chuẩn bị các bước để có thể kiểm định và được kiểm định, Xác định các định mức kinh tế kỹ thuật và mức học phí tương ứng.
Tại hội nghị đã có 4 báo cáo, tham luận được trình bày.
Báo cáo về quá trình triển khai giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên CTĐT CLC TT23 từ năm 2018 của đại diện Phòng Đào tạo cho biết: Sau khi Bộ GD và ĐT ban hành Thông tư 23 /2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, một số trường thành viên trong ĐHQGHN đã nhanh chóng xây dựng và chuyển đổi Chương trình đào tạo sang CLC TT23. Trên cơ sở đó, Trường ĐHNN đã bắt tay vào việc chuẩn bị đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, chuyển đổi CTĐT để đến 2018 tuyển sinh lứa đầu tiên với 3 ngành là Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Nhật Bản. Với sinh viên CLC TT23, các em bắt buộc phải học NN2 là tiếng Anh và với yêu cầu Chuẩn đầu ra là C1. Qua những con số thống kê, có thể thấy được rằng, tỉ lệ đạt CĐR đang tăng dần theo thời gian, tỉ lệ thuận với mức điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào. Hơn nữa, việc nỗ lực điều chỉnh phương pháp giảng dạy và gia tăng tính hợp lí trong các biện pháp quản lí người học đang cho kết quả như mong muốn. Đây là tín hiệu tốt, khuyến khích chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển các biện pháp đã có. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, trên thực tế, vẫn có những điểm cần được cải thiện hơn. Do đó, Phòng Đào tạo đã đưa ra một số biện pháp đối ứng kèm theo.
Báo cáo “Đánh giá của sinh viên CLC TT23 đối với chương trình giảng dạy tiếng Anh” của đại diện Khoa Tiếng Anh nhận định kết quả khảo sát lấy ý kiến người học và giáo viên giảng dạy 2 học phần CLC1 và CLC2 trong chương trình Tiếng Anh dành cho sinh viên CLC TT23 cho thấy chương trình đã có những đổi mới và điều chỉnh tương đối hiệu quả và đáp ứng được đa phần nhu cầu của người học. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn mà đội ngũ giảng dạy và sinh viên vẫn phải đối mặt và báo cáo cũng đưa ra một số gợi ý thực hiện.
Tham luận “Điều chỉnh phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu người học trong Chương trình tiếng Anh cho sinh viên CLC TT23 học tiếng Anh như NN2 ở Trường ĐHNN, ĐHQGHN” của đại diện Nhóm giảng viên Khoa Tiếng Anh cho biết Khoa Tiếng Anh đã được Nhà trường tin tưởng giao trọng trách xây dựng chương trình và giảng dạy Tiếng Anh cho nhóm sinh viên CLC TT23. Chương trình Tiếng Anh CLC TT23 ra đời nhằm củng cố kiến thức ngôn ngữ cho sinh viên; hỗ trợ sinh viên thực hành kĩ năng ngôn ngữ; phát triển các kĩ năng mềm hướng tới đạt mục tiêu CĐR Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương ứng CĐR C1 theo khung tham chiếu Châu Âu). Qua thực tiễn giảng dạy năm đầu tiên (2018-2019), Khoa cũng nhận được rất nhiều những phản hồi cả tích cực và chưa được tích cực từ phía người học. Từ những khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người học và giáo viên giảng dạy, Khoa xác định nhiệm vụ trọng tâm là cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, hiệu quả phương pháp giảng dạy, đổi mới các hoạt động dạy học, đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá…nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Tham luận miêu tả những nội dung đã được điều chỉnh về mặt chương trình, học liệu, giảng viên, kiểm tra đánh giá, các hoạt động trong và ngoài lớp học, mang đến một cái nhìn toàn diện về những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giảng viên Khoa Tiếng Anh trong việc xây dựng và điều chỉnh chương trình trong suốt giai đoạn 3 năm vừa qua.
Cuối cùng là phần trình bày về Mô hình “Bạn kèm bạn” và cách thức triển khai mô hình. Đây là mô hình được thực hiện với mục đích: Hỗ trợ các bạn sinh viên năm 1 học Tiếng Anh như ngoại ngữ 2 nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cũng như những chiến thuật học tập hiệu quả để đạt kết quả tốt hơn trong học tập; Đồng hành và hỗ trợ các bạn trong các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường sử dụng Tiếng Anh thường xuyên, hiệu quả ngoài lớp học; Cung cấp môi trường thực tập nghiệp vụ cho sinh viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh; Tạo điều kiện cho sinh viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh có cơ hội được trải nghiệm thực hành thực tế. Mô hình sẽ được phối hợp triển khai giữa 3 đơn vị là Khoa tiếng Anh, Khoa SPTA và CLB Kỹ năng sư phạm ETDC.
Phần cuối chương trình là hoạt động thảo luận. Nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công tác này.
ULIS Media