Sinh viên Khoa Pháp: Thực tập tại Bảo tàng Dân tộc học dịp 1/6 có gì thú vị?
Tham gia các đợt thực tập tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một hoạt động không thể thiếu đối với rất nhiều sinh viên đang theo học tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp.
Hãy cùng tìm hiểu trải nghiệm của các sinh viên vừa trải qua hoạt động này trong dịp 1/6 vừa qua nhé:
Đợt thực tập lần này của 20 sinh viên khóa QH.2017 chúng tôi vô cùng đặc biệt vì ngoài việc được học và giới thiệu về Bảo tàng với du khách thì chúng tôi còn được tham gia trực tiếp vào việc tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6. Càng đặc biệt hơn khi trong khuôn khổ của chương trình năm nay Bảo tàng Dân tộc học có chuỗi hoạt động dành cho trẻ em khuyết tật.
Các khâu chuẩn bị được tiến hành trước cả tuần. Chúng tôi được dạy kĩ năng quản lí nhóm, kĩ năng tổ chức trò chơi, được các nghệ nhân dạy nặn tò he, tết các con vật, hoa lá từ lá dừa… Trong suốt thời gian ấy, chúng tôi đều hồi hộp và háo hức chờ đón các hoạt động diễn ra vào 2 ngày cuối tuần 30-31/5/2020.
Và giờ G đã điểm. Đoàn chúng tôi được phân công vào nhiều vị trí khác nhau: lễ tân, gian hàng, khu trò chơi, khu đố vui có thưởng, tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á… Mỗi vị trí lại được trải nghiệm những điều thú vị riêng. Tất cả chúng tôi đều cố gắng hết sức không chỉ vì đây là một cơ hội để trưởng thành, mà còn muốn đem lại niềm vui cho các em nhỏ trong dịp đặc biệt này.
Hướng dẫn các em nhỏ tìm hiểu về quốc kỳ và quốc hoa của các nước Đông Nam Á
Hướng dẫn các em nhỏ tìm hiểu về thủ đô và tiền tệ của các nước Đông Nam Á
Hướng dẫn các em nhỏ tết các con vật và hoa lá bằng lá dừa
Hướng dẫn các em nhỏ làm tò he
Hướng dẫn các em tô màu trang phục và kỳ quan của các nước Đông Nam Á
Cùng các em chơi Ô ăn quan
Hướng dẫn các em chơi chuyền và sang sông
Hướng dẫn các em chơi trò chơi dân gian Thái Lan: Những quả trứng quạ
Hai ngày của chuỗi hoạt động đã khép lại. Chúng tôi đã được trải nghiệm những cảm xúc rất đặc biệt. Chúng tôi được tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của cảm giác được đem lại niềm vui cho các em nhỏ và cha mẹ các em.
Chúng tôi tự hào vì cũng đã góp phần cung cấp thêm một số kiến thức cho các em nhỏ sau kỳ nghỉ dài lịch sử mà các em không có dịp vui chơi, trải nghiệm. Và trên hết, chúng tôi hiểu được thế nào là sự ấm áp của các hoạt động kết nối cộng đồng.
Mỗi sinh viên chúng tôi như được tiếp thêm nhiệt huyết tuổi trẻ để sẵn sàng cho những hành trình trải nghiệm mới.
Cám ơn ULIS, cám ơn Khoa Pháp đã cho chúng tôi một cơ hội vừa có thể học kiến thức vừa có thể trải nghiệm cảm xúc kết nối cộng đồng.
Ảnh và bài: Đặng Quốc Trung, Trần Thị Thơm QH2017.