“Sân chơi ‘văn hóa đọc’ dành cho tất cả mọi người”
“Mình thích cuốn sách này và mình muốn khoe với cả thế giới”. Với niềm ấp ủ đó, Nguyễn Phương Linh, Chủ nhiệm CLB Sách Trường Đại học Ngoại ngữ, đã hoàn thành xuất sắc và giành được giải thưởng Đại sứ tiêu biểu trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 vòng thi cấp ĐHQGHN.
Cái duyên với Đại sứ Văn hóa đọc
Trong thời gian giãn cách xã hội năm 2021, đọc sách là một trong những hoạt động thường xuyên được các bạn trẻ tìm đến, và Phương Linh cũng không ngoại lệ. Cô nàng tâm sự: “Cái duyên của mình đối với cuộc thi có lẽ là từ năm 2021, khi nhà trường triển khai cuộc thi trên page của Hội Sinh viên. Thời gian đó ở quê còn bị phong tỏa, cả tháng trời không được đi ra ngoài nên mình tìm thêm sách đọc cho đỡ buồn”. Rất may là cuốn sách về ngành phiên dịch của tác giả Yonehara Mari vừa được xuất bản tại Việt Nam ngay tại thời điểm đó – cuốn sách gắn liền với chuyên ngành mà cô gái này theo đuổi. Đây dường như là sợi chỉ đỏ nối liền cô với Đại sứ Văn hóa đọc.
“Đây là lần đầu tiên khi đọc xong mà mình đặt tay lên giấy viết về cuốn sách, một cảm giác khó tả nhưng lại khiến mình cảm thấy thích thú.”
Khi đó, Linh đã nghĩ: “Mình thích cuốn sách này và mình muốn khoe với cả thế giới”. Có thể nói, 2021 là lần đầu tiên Linh tham gia và những gì cô viết đều xuất phát từ sự tò mò đối với chuyên ngành mình theo đuổi và sự ngưỡng mộ dành cho một “tinh anh” trong làng dịch thuật. Lay động độc giả bằng những cảm xúc chân thành nhất, bài dự thi đã đạt giải Khuyến khích cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giải Nhì cấp ĐHQGHN. Sang đến năm thứ hai tham gia, cô gái nhỏ đã ý thức sâu sắc hơn về tầm ảnh hưởng của mỗi cá nhân tham gia cuộc thi. Linh chia sẻ, qua cuộc thi này, cô mong rằng có thể truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần đọc sách cho mọi người, đặc biệt là các thành viên khác trong CLB Sách Trường Đại học Ngoại ngữ – ULIS Reading Club và cộng đồng ULIS Bookworm – Lan tỏa tri thức. “Hy vọng các bạn tự tin chia sẻ những điều mình tâm đắc và luôn nhiệt huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc.”
Ai cũng có thể là “Đại sứ Văn hóa đọc”
Khi được phỏng vấn về suy nghĩ của mình với Đại sứ Văn hóa đọc, Phương Linh đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Mình thấy cuộc thi có một điểm đáng chú ý – đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên trên cả nước. Bạn không cần phải là một “mọt sách” đúng nghĩa mới có thể trở thành đại sứ. Điều bạn cần làm là thể hiện được tình cảm đối với cuốn sách mình tâm đắc nhất và đưa ra những suy nghĩ đúng đắn về văn hóa đọc, trên cơ sở phù hợp với chủ đề cuộc thi”. Linh cho rằng, nếu mỗi thí sinh thể hiện được nhận thức đúng đắn đối với sách; đưa ra được những biện pháp thiết thực; đem sách đến gần hơn với mọi người thì đều xứng đáng được gọi là “đại sứ”, truyền cảm hứng và được “trao quyền” để lan tỏa văn hóa đọc.
“Mình cho rằng, nếu bạn là một người thích đọc, đã từng tham gia các hoạt động khuyến đọc, bạn sẽ hiểu đặc thù của văn hóa đọc là như thế nào. Và những cuộc thi như Đại sứ Văn hóa đọc đang từng ngày tiếp lửa cho chính chúng ta – hành động vì một nền văn hóa vững mạnh và phát triển.”.
Hành trình trở thành Đại sứ Văn hóa đọc – khó khăn nhưng đáng để trải nghiệm
Đến với Đại sứ Văn hóa đọc 2022, Phương Linh đem đến cuộc thi một số cảm nghĩ về Đức giáo (giáo dục đạo đức) trong “Những tấm lòng cao cả” – Edmondo De Amicis với mục đích nhấn mạnh sự cần thiết giáo dục đạo đức đối với trẻ em và nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức giáo phạm vi gia đình, nhà trường và xã hội. Cuốn sách này có lẽ không chỉ là món quà tuổi thơ của riêng Linh, mà còn là của rất nhiều độc giả khác. Bởi vậy, Linh rất vui nếu những trang văn dung dị, giàu cảm xúc của Amicis được lan tỏa đến mọi người; có ý nghĩa thay đổi tư duy; khiến chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về hành vi, ứng xử có đạo đức trong từng phút giây của cuộc sống.
Phương Linh cũng chia sẻ: “Hai năm mình đi thi đều gặp chung một vấn đề là “sát deadline” mới mở sách ra đọc. Năm ngoái mình nhớ là Huy Hoàng Books xuất bản sách tầm giữa tháng 6. Lúc sách giao đến thì còn khoảng hơn 10 ngày để đọc và ngẫm nghĩ cách triển khai. Thời gian gấp rút nên đọc xong chương nào thì mình đặt bút xuống viết luôn, sau cùng sẽ lật lại để xâu chuỗi các nội dung.”. Khoảng thời gian chạy nước rút ấy trao cho cô gái nhỏ cơ hội: tận hưởng gần 10 ngày chỉ “ăn nằm” với sách. “Thu hoạch lớn nhất của mình là những điều mà có lẽ, nếu thầy cô không kể, mình sẽ chẳng thể nào hình dung được về ngành phiên dịch.” Linh tâm sự.
“Sang đến năm thứ hai thì không chỉ là vì thích nữa. Chủ đề mới của cuộc thi khiến cho mình suy nghĩ, thôi thúc mình đặt bút viết”. Và “Những tấm lòng cao cả” là tác phẩm mà Linh đã lựa chọn, bởi “đó là cuốn sách mà ngày nhỏ mình thích, và mình mong mọi người có dịp để nhìn lại và đánh giá nó trong thời đại mới”. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong việc hệ thống ý tưởng sao cho mạch lạc, dễ hình dung, nhưng sự truyền cảm hứng từ mẹ, sự động viên từ các bạn trong CLB động viên và sự giúp đỡ bởi các anh chị, bè bạn trong việc sửa chính tả, tìm tài liệu, dẫn nguồn, trình bày…, đã giúp Linh vượt qua và giành được kết quả xuất sắc trong cuộc thi.
Lời khuyên của Linh đối với các thí sinh Đại sứ Văn hóa đọc tương lai chính là: hãy tận dụng mọi nguồn lực mà bạn có! Từ những gia đình, bạn bè, thầy cô,… ai cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo. Không chỉ vậy, nhà trường cũng hỗ trợ rất nhiều để các thí sinh hoàn thiện bài dự thi. Các thí sinh có thể theo dõi page của Hội Sinh viên và CLB Sách để tham gia các buổi tập huấn hoặc xem kinh nghiệm làm bài “cực uy tín” từ các đại sứ đạt giải cao cấp Quốc gia.
Mỗi năm cứ đến độ tháng 8 là Đại sứ Văn hóa đọc phát đi những bài truyền thông các cá nhân và đơn vị đạt giải. Khi theo dõi hành trình của cuộc thi, Linh lại cảm thấy rất xúc động vì những thí sinh có bài viết chất lượng được vinh danh – điều đó cho thấy nỗ lực đẩy mạnh văn hóa đọc của các bạn được BTC và nhà trường ghi nhận và đánh giá cao.
Kinh nghiệm đọc sách và viết lách – luôn trung thực với bản thân
Từ những lần “seeding” bài cho CLB Sách và group ULIS Bookworm, Phương Linh đã tự “lượm lặt” cho mình không ít các phương pháp hay để trau dồi kĩ năng đọc. “Ngày ULIS Bookworm mới thành lập, mình còn chép lại bài viết của chị Lê và chị Huệ về 2 phương pháp của Harold Palmer để không bị quên. Giờ thì mình biết sử dụng các công cụ để hệ thống và lưu lại dễ dàng hơn.” Bên cạnh đó, tham gia các hội nhóm về tiếng Việt cũng là một cách để xây dựng trường từ vựng phong phú, giúp tăng khả năng viết lách. “Đọc bình luận cắt nghĩa, mổ xẻ tiếng Việt, tiếng Hán,… của mọi người nhiều lúc cũng khiến mình ngổn ngang cảm xúc lắm”, Linh chia sẻ. “Càng đọc càng thấy mình không hay ngoại ngữ mà cũng dở tiếng Việt.”
Đối với mình thì tất cả các phương pháp đều nên cân nhắc trước khi thử nghiệm; sau một thời gian áp dụng mà thấy được tác dụng tích cực, mình sẽ duy trì. Sách đúng gu thì đọc liền tù tì, sách khó đọc hơn thì chia nhỏ ra, đọc xong sẽ liên tục ngẫm nghĩ. Và quan trọng là đặt bút xuống viết ra suy nghĩ của mình. Thấm được cái gì là “gét gô” luôn, viết luôn.
Nói về phương pháp luyện viết, Linh tâm sự rằng luôn nhắc nhở bản thân viết “cái mình tin, cái mình hiểu”, như vậy thì khi người khác đọc văn, họ sẽ dễ đồng cảm với mình, càng không ảo tưởng về mình. Linh cho rằng càng trung thực thì càng có lợi cho cảm xúc phát triển, khi đó ngôn ngữ sẽ tự nhiên và chân thành hơn. Linh cũng gợi ý cho những bạn yêu thích lối hành văn “điềm đạm, dung dị, có lúc hóm hỉnh, tinh nghịch mà cũng tự nhiên, chân thành” – hãy năng đọc văn học thiếu nhi, đặc biệt là văn học thiếu nhi Nga; hoặc với văn học nước nhà thì có thể xem thêm truyện ngắn, tự truyện của Tô Hoài và thơ Tố Hữu. Thế giới của văn học thiếu nhi đã dạy cho Linh nhiều điều, giúp cô gái nhỏ trưởng thành hơn và duy trì thói quen viết đến tận bây giờ.
Hai năm bén duyên cùng cuộc thi, Linh càng chắc chắn về nỗ lực thúc đẩy các hoạt động khuyến đọc đến với mọi người. “Đừng ngại nói ra những ý tưởng, cũng đừng chỉ bó hẹp bản thân, vì biết đâu những mong muốn ấy sẽ được hiện thực hóa…” Đại sứ Văn hóa đọc là sân chơi lớn để các bạn thỏa sức trình bày quan điểm cá nhân và những ấp ủ, dự định, ước mơ đối với văn hóa đọc.
Chúc Linh cùng những sinh viên ULIS có kết quả học tập thật tốt, luôn giữ trong mình ngọn lửa bền bỉ để lan tỏa Văn hóa đọc đến với tất cả mọi người!
Vân Anh – ULIS Media