Quán quân Book Review 2019: Thư viện là nơi “đi trốn” lý tưởng – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Quán quân Book Review 2019: Thư viện là nơi “đi trốn” lý tưởng

Với phần trình bày xuất sắc thể hiện hiểu biết và tình yêu với cuốn sách “Câu chuyện đời tôi” của nữ tác giả khiếm thị Helen Keller, bạn Nguyễn Hoài Linh – Sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh đã bước lên ngôi vị cao nhất và giành giải Đặc biệt trị giá 10.000.000 đồng của cuộc thi Giới thiệu sách ngoại văn lần thứ nhất (Book Review 2019). Cuộc thi do Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông và Học liệu phối hợp cùng Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên tổ chức nhằm phát triển văn hóa đọc trong trường.

Hãy cùng trò chuyện với cô bạn yêu sách này nhé:

Lý lịch trích ngang:

– Tên: Nguyễn Hoài Linh

– Lớp: 18E2

– Ngành: Sư phạm Anh, Khoa SPTA

– Quê quán: Hà Nội

– Sở thích: nghe nhạc, xem phim, đọc sách báo, shopping, chơi với chó mèo.

– Quá trình học tập: Hiện đang là thành viên hệ CLC Khoa SPTA, ĐHNN.

– Ngoại khóa: Là thành viên CLB Phát triển Ký năng Sư phạm (ETDC) và High5 Hanoi.

– Thành tích: Giải Đặc biệt cuộc thi Book Review 2019.

Linh chụp ảnh cùng standee bài giới thiệu sách

PV: Chào Hoài Linh. Linh có thể chia sẻ lý do tham gia cuộc thi giới thiệu sách ngoại văn của trường được không?

Ngày đầu tiên nhìn thấy poster Book Review dán trên tường, mình đã bị thu hút ngay. Ai đời có một cuộc thi thú vị thế: mình vừa được cho mượn sách, vừa được trao giải thưởng nhờ chia sẻ cảm nghĩ của mình về nó nữa? Nhưng sau cùng, mình thấy rõ sứ mệnh của cuộc thi là lan tỏa văn hóa đọc – điều mà mình nghĩ nếu được đem đến gần càng nhiều người thì càng tốt. Hợp “chí hướng” như vậy thì tội gì không đi?

PV: Linh cảm thấy mình đã có được những trải nghiệm thú vị hay lợi ích nào từ cuộc thi này?

Lợi ích đầu tiên trước mắt mình là cơ hội chứng kiến sự phong phú của văn hóa đọc. Mỗi thí sinh đến với cuộc thi đều đem đến một đầu sách đại diện cho một lĩnh vực, vùng kiến thức hay thậm chí nền văn hóa khác nhau. Mình đặc biệt ấn tượng khi các bạn say mê nói về những cuốn sách tiếng Nga, Nhật Bản, Trung Quốc,… Mình phải cảm ơn các bạn thí sinh vì đã đưa mình “chu du” khắp thế giới bằng hiểu biết và lòng nhiệt huyết của các bạn.

Không chỉ được hòa mình vào bức tranh đa dạng của văn hóa đọc với màu sắc riêng của bản thân, mình còn nhận được nhiều trải nghiệm quý giá. Mình có cơ hội nghiêm túc ngồi lại viết – điều mà mình vốn thích làm nhưng lâu nay bị bỏ quên do ngập trong khối lượng bài và việc. Mình còn được học hỏi từ BTC, BGK và các thí sinh khác trong từng lời nói và cử chỉ, để rút kinh nghiệm cho bản thân chuyên nghiệp hơn. Sau cuộc thi, mình còn quen được nhiều bạn/thầy cô giỏi giang và đáng yêu nữa. Tóm lại là mình thấy may mắn lắm rồi.

PV: Chia sẻ ngắn về tác phẩm mình đã tham gia giới thiệu?

“The Story Of My Life” – cuốn tự truyện của nữ văn sĩ Helen Keller là cuốn sách mình mang đến Book Review 2019.

“Câu chuyện đời tôi” là một câu chuyện lạ thường.

Sinh ra hoàn toàn bình thường trong một gia đình hạnh phúc, Helen Keller sống 19 tháng đầu đời nô đùa và thích thú khám phá thế giới như bao đứa trẻ khác. Song, bất hạnh ập đến khi qua một trận sốt cao, cô bé đột nhiên không thể nghe hay nhìn thấy gì, và như một hệ quả – không thể nói. Những biểu hiện trên không phải nhất thời, mà là di chứng suốt quãng đời hơn 80 năm sau đó của Helen Keller. Tật nguyền bất thình lình giáng xuống khiến cả cô bé và gia đình lâm vào nhiều khó khăn, bế tắc.

May sao, khi Helen khoảng 6-7 tuổi, một hiện thân của điều kì diệu đến với gia đình em: cô giáo Anne Sullivan. Đây là người đã dạy Helen con chữ đầu tiên bằng những phương pháp đặc biệt nhất. Không chỉ vậy, cô giáo này còn là người kết nối Helen với thế giới, đặc biệt là thế giới tự nhiên tuyệt đẹp xung quanh.

Nhờ sự dạy dỗ của cô Sullivan, bên cạnh tình thương vô bờ bến từ gia đình, Helen Keller dần hình thành trong mình nghị lực đấu tranh với nghịch cảnh, vượt qua rào cản khiếm khuyết để tiếp cận tri thức rộng lớn, và quan trọng hơn hết là hình thành tình yêu thương con người. Sau này, bà trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng, là nhà hoạt động xã hội tích cực vì quyền của người khuyết tật nói riêng và quyền con người nói chung.

Theo cá nhân mình, cảm hứng sống và phấn đấu vì khát vọng hiện lên rực rỡ nhất qua các trang sách. Nhưng quan trọng trước hết, mình thấy biết ơn về mọi thứ mình đang có, đơn giản nhất từ việc có thể nhìn thấy vật thể, nghe thấy âm thanh hay cất lên được tiếng nói (như là việc đứng trên sân khấu Book Review và thuyết trình). Ngoài ra, còn vài điều nhỏ lẻ khác mà mình nhặt nhạnh được, như vẻ đẹp thiên nhiên qua miêu tả của Helen, sự kiên nhẫn và tận tụy của cô Sullivan như một điều đáng học hỏi trong giáo dục, hay vốn từ vựng tiếng Anh đáng kể… Ôi thôi mình nói nhiều quá, các bạn đọc và cảm nhận theo cách của riêng mình nha.

Hoài Linh thuyết trình tại đêm chung kết

PV: Có vẻ Linh rất hay lên thư viện của trường (Bộ phận Học Liệu thuộc Trung tâm CNTT-TT&HL, đặt tại tầng 2 nhà C3). Bạn có thể chia sẻ cảm nhận về thư viện trường mình được không?

Nói thật thì, thư viện trường là chỗ “đi trốn” lý tưởng của mình. Vừa yên tĩnh, vừa mát lại có mạng tốt.

Trong số các ưu điểm trên, ghi điểm nhất với mình là không gian yên tĩnh. Mình vốn khó tập trung làm việc khi có âm thanh xung quanh, nên nơi nào ít ồn ào thì sẽ có mặt mình. Trong khi đó ở thư viện, hầu như lúc nào mọi người cũng đều tôn trọng không gian của nhau, ai nấy đều giữ yên lặng và chăm chú vào việc riêng nên mình rất ưng, khi cần nơi làm việc hay ngồi nghỉ mình đều lên.

À, một điều quan trọng mà mình chưa nói tới là nguồn tài liệu ở thư viện rất dồi dào. Có rất nhiều đầu sách ở cơ số thể loại. May mà bây giờ có thể tra cứu online nên đỡ bị ngập trong đống tài liệu đó. Các thầy cô tại thư viện cũng nhiệt tình, sẽ hỗ trợ bạn nếu gặp khó khăn. Nhân đây mình lại phải cảm ơn thư viện ULIS đã giúp mình tìm được cuốn “The Story Of My Life” và vài đầu sách khác mà mình đã có ý định tìm đọc từ lâu.

PV: Dự định của Linh với phần thưởng trị giá 10.000.000 đồng?

Ôi, thực ra mình chưa có dự định gì cụ thể đâu.

Điều đầu tiên mình nghĩ đến khi nhận phần thưởng là sẽ “cảm ơn” những người đã ở bên cạnh động viên, giúp đỡ mình. Từ phụ huynh, người quen cho đến bạn bè, mình đã có các “kèo khao” ngay sau khi được đọc tên cùng với giải thưởng, haha. Ai giúp mình cái gì, dù là nhỏ thôi mình cũng nhớ. Và mình nghĩ đây là cơ hội tốt để đáp lại những người đã làm chỗ dựa tinh thần cho mình, vài trong số đó mình còn không ngờ sẽ giúp mình đến thế cơ.

Còn về lâu dài, phần thưởng này mình sẽ giữ cẩn thận, phòng cho những trường hợp cần tới về sau. Mình biết có thể không phải bây giờ, nhưng lúc này lúc kia lại cần đến, thì khi đó mình cũng sẵn sàng vì có chuẩn bị rồi.

Thầy Nguyễn Xuân Long trao “cúp” cho Hoài Linh

PV: Linh có thể chia sẻ kinh nghiệm viết giới thiệu sách và tìm đọc sách của bản thân cho các bạn cùng biết?

Lại thực ra nữa là mình chẳng có nhiều típ xịn để chia sẻ với các bạn, vì mình cũng bình thường thôi. Duy chỉ có một điều mà mình luôn đặt lên hàng đầu: làm những thứ mình thích, để làm nó với cả đam mê. Cũng na ná như câu mà mọi người hay nói với nhau “do what you love, love what you do” ấy.

Ý mình là, một cuốn sách mà bạn viết review nên là cuốn sách thực sự đem lại cho bạn một cảm nhận. Cảm nhận đó có thể ở bất cứ dạng nào: đồng tình, yêu thích hay không đồng ý, bất bình. Chỉ cần mức độ cảm xúc trong bạn đủ lớn, đến mức khiến bạn nhất quyết phải chia sẻ nó với mọi người, tự khắc bạn sẽ có nhiều thứ để nói về cuốn sách bạn chọn, đồng thời khám phá nhiều hơn về chiều rộng và chiều sâu của quyển sách.

Mình cũng thế thôi, đọc những thứ mình muốn, và chia sẻ về những điều mình thực sự quan tâm. Để trước hết không cần biết ai đang theo dõi hay hưởng lợi ích gì từ mình, mình đọc sách hoàn toàn cho niềm vui của riêng bản thân. Mỗi người nên làm mọi thứ đầu tiên vì chính mình, mình nghĩ thế. Đến khi ta đã tìm thấy thú vui từ sách, ta sẽ khiến người khác vui theo, có thể từ… một bài review.

PV: Cảm ơn Linh về cuộc trò chuyện!

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media