“Không nên cố gắng cân bằng nhiều thứ cùng một lúc, chỉ cần làm cho chúng hài hoà là được” – Chia sẻ của cựu ULISer trên hành trình làm “người cầm phấn” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Không nên cố gắng cân bằng nhiều thứ cùng một lúc, chỉ cần làm cho chúng hài hoà là được” – Chia sẻ của cựu ULISer trên hành trình làm “người cầm phấn”

Trần Gia Nhi là cựu sinh viên lớp 19J7 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, ngành Sư phạm tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Gia Nhi vừa tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc vào tháng 7/2023 và hiện tại đang là giáo viên tại trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng – ngôi trường cấp ba Nhi đã từng theo học. Song song với đó, cô nàng cũng đang tiếp tục hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ Nhật tại Trường Đại học Ngoại Ngữ. Với lòng say mê dạy học, cô giáo trẻ đã truyền tình yêu cho các bạn đam mê tiếng Nhật nói chung và các em học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú nói riêng.

Mọi hành trình đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé

Khi nhận được câu hỏi: “Tại sao bạn lại chọn nghề đứng lớp và THPT Chuyên Trần Phú để làm điểm dừng chân?”, Gia Nhi chia sẻ: “Theo mình, bất cứ ai đã từng là học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú cũng đều rất tự hào về ngôi trường của mình. Thế nên, việc trở thành giáo viên của trường cũng là ước mơ đã được “nung nấu” ngay từ khi còn là học sinh cấp 3. Nhi nhận ra bản thân phù hợp với “nghề cầm phấn” bởi có cơ hội giảng dạy dưới nhiều hình thức khác nhau, từ khi còn là sinh viên ULIS. Người ta hay nói giáo viên là nghề an toàn, không có nhiều đột phá nhưng với bản thân mình, mình cảm nhận được niềm vui mà chỉ nghề giáo mang lại. Chính vì thế, mình đã lựa chọn tiếp tục phát triển bản thân với công việc đáng quý này.”

Nói về hành trình đến với nghề giáo của Gia Nhi thì chỉ có hai từ để miêu tả: rất sớm. Gia Nhi đã theo học lớp chuyên tiếng Nhật ngay từ khi còn là học sinh cấp 2. Niềm say mê và sự cố gắng đã giúp cô nàng gặt hái được rất nhiều những “trái thơm” – mơ ước của biết bao người bạn học đồng trang lứa: Giải Nhất cuộc thi tiếng Nhật cấp thành phố, giải Nhì cuộc thi Hùng biện cúp Đại học Hosei, đạt chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1. Đáng ngưỡng mộ hơn cả, Gia Nhi đã đạt được học bổng Chính phủ cho chương trình học trao đổi tại trường Tỉnh lập Ube, thuộc tỉnh Yamaguchi ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Đạt học bổng chương trình học trao đổi tại trường Tỉnh lập Ube, Yamaguchi

Những thành tích “siêu khủng” của Gia Nhi vẫn chưa dừng lại ở đó khi cô nàng theo học Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, ngành Sư phạm tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi trở về nước từ chương trình trao đổi. Nhờ chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1, cô bạn đã học vượt lớp lên thẳng năm 2 và đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Gia Nhi chia sẻ một trong những sự kiện đáng nhớ nhất thời sinh viên, đó là khi đang là sinh viên năm 2, cô bạn đã được tham gia gặp gỡ Cựu Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Không ngoa khi tự hào là sinh viên Xuất sắc cả ba năm theo học tại ULIS, cô bạn đã rinh về trong tay tấm bằng tốt nghiệp đầy kiêu hãnh loại Xuất sắc, trong đợt xét tốt nghiệp tháng 7/2023 vừa rồi.

Gặp gỡ Cựu Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm tới Việt Nam

Tốt nghiệp bằng Xuất sắc trong đợt tháng 7/2023

Không chỉ có thành tích học tập đáng nể, Gia Nhi còn tham gia và hoạt động năng nổ trong các công tác tình nguyện của CLB Sức Trẻ – CLB trực thuộc trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQGHN. Gia Nhi cảm thấy khi hoạt động CLB, được tập dân vũ, được tâm sự, trò chuyện với mọi người, được làm các công tác tình nguyện khiến bản thân như gạt bỏ được một phần mệt mỏi và áp lực từ cuộc sống thường ngày. Cô bạn với nụ cười xinh xắn còn đạt danh hiệu Đại sứ Thủ lĩnh ULIS, lan toả những giá trị và sứ mệnh tốt đẹp của ULIS tới các đàn em khóa dưới mà bây giờ cũng chính là học trò của cô.

Đôi chân không mỏi nhằm hiện thực hóa giấc mơ “người lái đò”

Khi được hỏi về việc đi làm thêm khi còn là sinh viên, Gia Nhi bộc bạch: “Khi còn là sinh viên thì làm thêm là việc rất bình thường, Nhi thấy là bạn sinh viên nào cũng đi làm thêm, và Nhi cũng không phải ngoại lệ. Những công việc mà Nhi làm chủ yếu liên quan đến nghề dạy học và dưới nhiều hình thức khác nhau. Với chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1, Nhi đã bắt đầu đi gia sư tiếng Nhật từ khi còn là sinh viên năm hai, sau đó lên năm ba, mình bắt đầu xin đi dạy ở các trung tâm tiếng Nhật. Khi đã có nhiều kinh nghiệm cũng như đã hoàn thành gần hết các tín chỉ ở trường, mình xin vào làm tại một công ty, cũng là nghề giáo nhưng liên quan đến mạng xã hội nhiều hơn, như là quay các khóa học dạy tiếng Nhật rồi đăng tải lên Youtube, Tik Tok.”. Từ những chia sẻ trên có thể thấy, Gia Nhi dám thử sức mình dưới nhiều vai trò và cô bạn thực sự nghiêm túc với nghề nhà giáo.

Khi được hỏi về bí quyết để cân bằng được việc học tập, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, công việc làm thêm cũng cuộc sống thường ngày để tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc, Gia Nhi đã có những chia sẻ rất sâu sắc: “Câu hỏi này cũng là chủ đề mà mình lựa chọn để làm dự án cuối khóa môn ‘Kỹ năng học tập thành công bậc đại học’ khi còn học năm nhất. Đối với mình, không ai có thể cân bằng được tất cả mọi việc, từ việc học tập đến việc tham gia hoạt động ngoại khóa lẫn công việc làm thêm, thế nên mình sẽ không dùng từ cân bằng mà xin phép đổi sang từ “hài hoà”. Có nghĩa là mỗi thời điểm trong cuộc đời mỗi người, có những việc sẽ được coi là quan trọng hơn. Ví dụ như khi mình học năm nhất, năm hai, năm ba thì việc học là quan trọng bởi mình phải hoàn thành các tín chỉ cần thiết, trau dồi kiến thức, vậy nên lúc này mình sẽ đặt nặng việc học tập hơn. Mình sẽ dành khoảng 60% cho việc học tập, 40% cho việc làm thêm. Nhưng khi đến năm cuối – thời điểm mà mình đã hoàn thành hết các tín chỉ cần thiết và chỉ còn khoá luận tốt nghiệp thôi thì mình có thể sắp xếp phù hợp hơn cho việc đi học, đi làm. Vậy nên, đối với mình, ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những điều cần phải ưu tiên hơn. Thế nên, để có thể làm hài hoà tất cả mọi thứ thì ở mỗi thời điểm, bạn phải xác định được điều mà bản thân ưu tiên là gì, là việc học hay gia đình hay công việc hoặc tình cảm. Một điều nữa mà mình muốn chia sẻ đó là chúng ta không nên cân bằng 50 – 50 cho tất cả mọi thứ, một bài kiểm tra chỉ được 5 điểm thì không phải là một con số tốt đúng không? Nên kinh nghiệm cũng như lời khuyên của mình là không nên cố gắng cân bằng nhiều thứ cùng một lúc, vì điều đó thực sự rất khó, chúng ta chỉ cần làm cho chúng hài hoà thôi là được.”

Bên cạnh bí quyết rất đáng để các bạn sinh viên “bỏ túi” thì cô nàng cũng chia sẻ “kỷ luật” là “kim chỉ nam” cho bản thân mình nói riêng, và các bạn đang theo học ngoại ngữ cũng như ULISers nói chung: “Mình biết con đường học tập của các bạn đang theo học ngoại ngữ rất gian nan, đi kèm là sự cạnh tranh rất lớn, nhưng mong rằng các bạn hãy luôn giữ vững sự kiên trì và kỷ luật ngay từ khi còn là sinh viên để đạt được mục tiêu của mình. Đừng để những khó khăn hay tác động bên ngoài làm mình chùn bước hay bỏ cuộc. Mình cũng từng bị mất động lực nhiều lần, nhưng với mình thì động lực không quan trọng bằng kỷ luật. Động lực là thứ có thể có hoặc không, hôm nay bạn có động lực thì bạn có thể làm mười bài tiếng Nhật một lúc, nhưng hôm sau khi mất đi động lực rồi bạn lại không làm được bài nào. Nhưng nếu có kỷ luật thì bạn sẽ nhắc nhở bản thân phải làm điều gì đó xuyên suốt quá trình học tập, mỗi ngày xem một video tiếng Nhật chẳng hạn, ngày nào cũng thế thì kiến thức của mình sẽ tăng lên theo thời gian. Thế nên đối với mình thì ‘kỷ luật’ là từ khoá vô cùng quan trọng khi các bạn muốn hoàn thành một điều gì đó.” 

Thành quả ngọt ngào và lời chúc mừng năm mới

Nhân những ngày đầu năm mới 2024, Gia Nhi hy vọng mình sẽ hoàn thành được những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra: Tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ Nhật tại ULIS; biến những tiết học của mình trở nên thật vui vẻ với sự chuẩn bị một cách chỉn chu, khiến học sinh yêu thích, cảm thấy dễ hiểu, tiếp thu được kiến thức. Cô giáo trẻ với nụ cười xinh xắn cũng gửi lời chúc đến các bạn sinh viên ULIS, mong các bạn luôn vững tin và kiên định với điều mà mình đã lựa chọn, một lòng theo đuổi, nỗ lực cố gắng, và phía trước là quả ngọt đang đón chờ.

Thu Hường/ĐSTT