Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên chất lượng cao qua trò chơi giải mật thư
Thực hiện công tác hỗ trợ học tập cho sinh viên chất lượng cao; triển khai đề án Học tập qua trải nghiệm; nhận thức vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên thời đại ngày nay, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai chuỗi chuyên đề về kỹ năng bổ trợ cho sinh viên các CTĐT CLC theo TT23.
*Thông tin về cuộc thi giới thiệu sách ngoại văn và phần thưởng hấp dẫn: Link
Ngày 12/1/2019, buổi đầu tiên với nội dung quản lý thời gian và làm việc hợp tác trong 3 buổi của chuỗi chuyên đề đã được tổ chức với sự tham gia của 370 sinh viên trong toàn trường. Trong đó, có 300 em đang theo học các CTĐT CLC. Tham gia cùng sinh viên có các cán bộ của Phòng CT&CTHSSV, giảng viên Bộ môn Tâm lý giáo dục và các em sinh viên tình nguyện.
Hoạt động phát triển kỹ năng mềm này được trường tổ chức miễn phí nhằm giúp nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, khuyến khích sinh viên phát triển theo giá trị cốt lõi (trách nhiệm, sáng tạo, nâng cao khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa).
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Nguyễn Huyền Trang khẳng định các buổi chuyên đề này đều thiên về các hoạt động trải nghiệm hơn là học kiến thức. Các hoạt động ngoại khóa này đã được các thầy cô ấp ủ và dành nhiều công sức chuẩn bị, do đó cô mong rằng các em sẽ tích cực để cùng khám phá và rèn luyện kỹ năng cho bản thân, hiểu biết thêm về ULIS và có thêm nhiều người bạn mới.
Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Thắng cũng gửi lời động viên đến các em sinh viên với lời nhắn nhủ “Cùng học, cùng chơi, cùng đi xa để cùng thành công”.
Cô Nguyễn Huyền Trang phát biểu
Trong chương trình buổi đầu tiên, các em sinh viên đã được trải nghiệm trò chơi giải mật thư gồm 5 vòng là: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Kịch tính, Về đích. Xuất phát từ hội trường Vũ Đình Liên, sinh viên được chia thành các nhóm để thực hiện các yêu cầu của chương trình.
Các trò chơi không chỉ yêu cầu sinh viên có khả năng vận động, nhanh trí mà còn phải biết những kiến thức về trường, về thầy cô. Để giải được mật thư nhanh nhất với phần thưởng hấp dẫn, các nhóm phải có sự gắn kết và hợp tác giữa các thành viên để hoàn thành yêu cầu đúng giờ ở từng phần thi.
Sau 5 vòng thi, các nhóm tập trung để trao giải. Chia sẻ cảm nhận, các “người chơi” đều cảm thấy điều mình đã có được lớn hơn là phần thưởng “hữu hình” mà là sự tích lũy các kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp, làm việc nhóm qua những trò chơi rất thú vị. Ngoài hoạt động giải mật thư “Cùng chơi, cùng học và cùng thành công”, sinh viên cũng được giảng viên Bộ môn Tâm lý giáo dục chia sẻ kiến thức cần có về kỹ năng giao tiếp và ứng xử hiệu quả.
Theo kế hoạch, hai chuyên đề tiếp theo về Các kỹ năng xã hội (Social skills, nội dung về Kỹ năng sống trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa và Văn hóa và giao tiếp) và Các kỹ năng việc làm, hướng nghiệp (Vocational skills, nội dung về Các kỹ năng việc làm trong môi trường doanh nghiệp và Định hướng lựa chọn nghề nghiệp) với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ được tổ chức trong những tuần tới.
Một số hình ảnh sinh viên tham gia:
Những nụ cười bẽn lẽn khi nghe hướng dẫn
Chuyển thành không khí phấn khích, hào hứng tham gia trò chơi
Phong bì chứa mật thư
Nhận được mật thư, các nhóm đều rất quyết tâm
Để “thoát khỏi” hội trường, các nhóm phải giải được câu đố “Vũ Đình Liên là ai?”
Nhanh chóng đi tìm điểm đến kế tiếp
Thử thách yêu cầu các nhóm đến phòng của Ban Giám hiệu trường…
Và yêu cầu vẽ chân dung các thầy cô
Khi hoàn thành trò chơi đều phải được các thầy cô xác nhận
Đã bao giờ bạn lên Văn phòng Đoàn chưa?
Bốc thăm và trả lời câu hỏi
“Mỗi người là một kiến trúc sư cho hạnh phúc và thành công của mình”. Nhưng để giải mật thư ULIS, bạn sẽ cần tất cả các thành viên của nhóm.
ULIS Media