PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm: Bình về chữ “實 – THỰC” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm: Bình về chữ “實 – THỰC”

TẶNG CHỮ ĐẦU XUÂN KỶ HỢI

CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG ĐỖ TUẤN MINH: CHỮ THỰC

Tác giả bài viết: PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm

(Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc)

Xin chữ và tặng chữ là một trong những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc ta mỗi khi Tết đến Xuân về. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã ghi lại khung cảnh xin chữ và tặng chữ với đầy đủ không gian, thời gian, sắc màu và vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên cùng niềm hân hoan của muôn người đón xuân mới bằng bốn câu thơ:

Mỗi năm hoa đào nở,

Lại thấy Ông đồ già,

Bày mực tàu giấy đỏ,

      Bên phố đông người qua.

                                                        ( “Ông đồ” – Vũ Đình Liên)

Sánh cùng những bức tranh Đông Hồ đủ sắc màu thể hiện ước muốn vinh hoa phú quý, những con chữ Phúc, Lộc, Trí, nhân, Tâm, Tín, Đạt, Thọ, Khang,… được trình bày dưới hình thức nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành món quà tinh thần thanh cao, trang nhã thay cho bao lời chúc phúc, nguyện cầu dành tặng người thân. Tuy nhiên, tặng cho ai, tặng chữ gì, trong hoàn cảnh nào đều là niềm trăn trở của người tặng, bởi vì nó thể hiện rất rõ tri thức, trí tuệ, sự thấu hiểu về tâm tư, nguyện vọng cũng như mối quan hệ giữa người tặng và người được tặng.

Xuân Kỷ Hợi sang, trong không khí ngày làm việc đầu xuân đầy hứng khởi, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội – TS. Đỗ Tuấn Minh đã tặng cho cán bộ công nhân viên của mình món quà tinh thần vô giá, cũng là lời chúc phúc, niềm hy vọng, hay đúng hơn là tôn chỉ, mục tiêu hành động trong tương lai mà thầy giao phó, gửi gắm đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, giáo viên và sinh viên trong toàn Trường – chữ Thực (). Thực chất, học thực, thi thực, dạy thực, nghiên cứu thực, làm việc thực, đó là phương châm, nguyên tắc và mục đích trong mọi hoạt động của Nhà trường mà người lãnh đạo cao nhất đã và đang mưu cầu cho sự lớn mạnh của khối đại đoàn kết ULIS.

Chữ thực theo “Thuyết văn giải tự” là một chữ hội ý, có nghĩa là giàu có, do bộ miên quán  hợp thành. Trong đó, miên là mái nhà, quán là hàng hóa, của cải. (實,富也,从宀从貫。貫,貨貝也 Thực, phú dã, tòng miên, tòng quán. Quán, hóa bối dã). Nói cách khác, quán là hàng hóa, của cải. Hàng hóa, của cải chất đầy nhà, đó nghĩa làthực. (貫爲貨物,以貨物充於屋下是爲實 Quán vi hóa vật, dĩ hóa vật sung vu ốc hạ thị vi thực). Cái gọi là hàng hóa, của cải mà người tặng dành cho người được tặng ở đây là tri thức khoa học, là phương pháp giảng dạy, thành quả nghiên cứu khoa học, là trái tim nhiệt huyết, nhân hậu và đương nhiên cũng sẽ là tất cả của cải vật chất, tinh thần, giúp cho thầy, trò cùng toàn thể cán bộ công nhân viên, các vị lãnh đạo của mái nhà chung ULIS có được cuộc sống đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn, những tiếng “Ting! Ting!” ngày càng dày hơn, giòn giã hơn, định kỳ vang lên từ chiếc điện thoại cầm tay của mỗi thành viên ULIS.

Chữ thực còn có nghĩa là quả, trái cây kèm theo nghĩa bóng là thành quả đạt được. Bài “Đào yêu” trong “Kinh thi” đã từng một thời được coi là lời chúc phúc ý nghĩa nhất cho các cô gái ngày về nhà chồng với ước mơ hạnh phúc: con cháu đông đàn, có đoạn viết: “Đào chi yêu yêu, hữu phần kỳ thực, chi tử vu quy, nghi kỳ gia thất” (逃之夭夭,有蕡其實,之子于帰,宜其家室:Cây đào xanh non, kết trái đầy cành, nàng về nhà chồng, cửa nhà êm ấm). Có thể nói, chữ thực từ cổ xưa đã có mặt trong những lời chúc phúc của tiền nhân.  

“Từ điển quy phạm tiếng Hán hiện đại” (2001) đưa ra 8 nghĩa của chữ thực , gồm: (1) làm tính từ, có nghĩa là tràn đầy, sung mãn, không hề khuyết thiếu, trái nghĩa với (trống rỗng); (2) làm tính từ, nghĩa là chân thực, thực sự cầu thị; (3) làm tính từ, nghĩa là giàu có; (4) làm tính từ, nghĩa là cụ thể, hữu hình, như trong các từ thực lực, thực từ; (5) làm động từ, nghĩa là lấp cho đầy chỗ hổng; (6) làm phó từ, nghĩa là quả thực, vốn dĩ; (7) làm danh từ, nghĩa là sự thực, thực tế; (8) làm danh từ, nghĩa là quả, trái cây, hạt giống (tr.1029). Tất cả 8 nghĩa trên đều có quan hệ phái sinh với nhau.

Điều đáng lưu ý là, ngoài những trường hợp làm danh từ và phó từ ra, thực còn có thể là động từ, với ý nghĩa là làm cho đầy đủ, sung mãn. Bài viết này chỉ nhấn mạnh về cách dùng của chữ thực theo cách sử động,thực kỳ phúc”(實其腹) nghĩa là làm cho dân chúng được no bụng. Người Trung Quốc có câu dân dĩ thực vi thiên (người ta lấy ăn làm đầu), người Việt Nam cũng thường nói có thực mới vực được đạo. Thiết nghĩ rằng, ngụ ý của thầy Hiệu trưởng trong chữ thực này, không chỉ dừng lại ở mục đích nâng cao đời sống vật chất cho toàn thể anh chị em cán bộ công nhân viên, giáo viên trong toàn trường, mà hơn thế nữa, muốn đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trước hết phải nâng cao thực lực của Nhà trường cũng như mỗi thành viên trong Trường. Học thực, dạy thực, thi thực, nghiên cứu khoa học càng cần thực chất, nhằm xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm đào tạo nhân tài lĩnh vực ngoại ngữ hàng đầu của cả nước và từng bước đạt chuẩn quốc tế. Tất cả sẽ là tiền đề cho việc cải thiện diện mạo Nhà trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đại gia đình ULIS.

Chữ thực chứa đựng bao tâm huyết của người cán bộ lãnh đạo, một lòng một dạ vì sự nghiệp chung, cũng là lời chúc phúc, là nhiệm vụ chiến lược mà lãnh đạo Nhà trường trao cho mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên trong năm mới –  năm Kỷ Hợi với biểu tượng là con heo vàng hăng hái, tràn đầy sức sống, viên mãn và cũng tất thực.

Cầm trên tay chữ thực – quà tặng tinh thần đầy ý nghĩa, chúng tôi bỗng nhớ lại lời thầy trò Khổng Tử 吾道一以贯之ngô đạo nhất dĩ quán chi nghĩa là chỉ một từ thôi mà có thể xuyên suốt được tinh thần chân lý cuộc sống mà Khổng Tử nêu ra. Đáp án duy nhất là 忠恕而已 trung thứ nhi hỹ (chỉ một từ trung thứ mà thôi). Trong đó, trung nghĩa là tận tâm tận lực; thứ nghĩa là khoan dung độ lượng. Và chữ thực chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần hành trình năm Kỷ Hợi của đại gia đình ULIS. Chúng ta tin tưởng rằng, với kế sách sáng suốt đầu xuân mới của ban lãnh đạo Nhà trường cộng với sự ủng hộ của tập thể, một năm Kỷ Hợi tràn đầy hoa thơm trái ngọt đang chờ đón chúng ta, đúng như tinh thần của người xưa Nhất niên chi kế tại vu xuân, nhất nhật chi kế tại vu thần (một năm mở đầu bằng mùa xuân, một ngày mở đầu bằng buổi sớm).

Đáp lại sự quan tâm của thầy Hiệu trưởng, mỗi cán bộ, công nhân viên, giáo viên và sinh viên chúng ta hãy một lần nữa thấu hiểu về chân giá trị của chữ thực cũng như nhã ý, nhiệt tâm và niềm mong đợi của thầy, bằng hành động cụ thể để có thể THỰC KỲ LỰC, trở thành một mắt xích để đưa con tàu ULIS bon bon đến bến bờ thắng lợi!

Kính chúc Đại gia đình ULIS năm mới sức khỏe, hạnh phúc, đoàn kết, thực kỳ lực, chung tay xây dựng cho Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành VƯỜN HOA hương sắc vẹn toàn nhất trong RỪNG HOA thắm nở Việt Nam!

                                                     Hà Nội, ngày 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (2019)

PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm, Sinh ngày 06/01/1959, tại Vụ Bản, Nam Định

Tốt nghiệp khoa Trung Văn, khóa Hán Nôm 1976- 1981
Từ 1982 đến 1993 là Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Ngữ Văn, Cao đẳng SP Nam Định
Từ 9/1993 đến nay là CBGD tiếng Trung Quốc, ĐHNN, ĐHQGHN
Tốt nghiệp TS năm 2005, ngành Ngôn ngữ học, Tại khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH & NV
Phong PGS năm 2009
Hướng Nghiên cứu:- Đối chiếu ngôn ngữ; – Văn tự học; Phương pháp giảng dạy tiếng Trung Quốc
Đã đăng gần 60 bài báo trong nước và Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế; 1 bài ở Tạp chí Trung Quốc
Xuất bản 2 cuốn Giáo trình; 3 cuốn chuyên khảo (Nxb Đại hoạc Quốc gia); 1 cuốn sách Dịch về Lễ (Nxb Chính trị Quốc gia)
Đã hướng dân thành công 5 TS và gần 50 Th.S