Những điều nhạy cảm và ứng phó của Biên/Phiên dịch
Ngày 24/12/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Những điều nhạy cảm và ứng phó của Biên/Phiên dịch”.
Tham dự tọa đàm có Ban Giám hiệu Nhà trường, đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, sinh viên quan tâm. Đặc biệt, tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực biên phiên dịch tham dự và trao đổi.
Mở đầu chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã có bài phát biểu đề dẫn. Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành biên phiên dịch, Phó Hiệu trưởng thấu hiểu khó khăn của những người làm nghề này và tin tưởng tọa đàm phần nào sẽ giúp gợi mở hướng giải quyết và phương pháp giảng dạy về biên phiên dịch hiệu quả.
Tọa đàm có 2 phần trình bày báo cáo. Trong báo cáo số 1 mang tên “ “Trung tín” với ai? – Vai trò người dịch văn bản chính trị theo lý thuyết người dịch chức năng Đức”, T.S Lê Hoài Ân (Khoa NN&VH Đức) đã chỉ rõ vai trò quan trọng của người làm nghề dịch trong môi trường chính trị. Đồng thời, diễn giả cho rằng mặc dù văn bản dịch cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với người đọc nhưng điều quan trọng là cần giữ được hồn cốt của văn bản dịch.
Trong phần tiếp theo của buổi tọa đàm, TS. Phạm Ngọc Thạch (Trường Đại học Hà Nội) đã trình bày báo cáo với chủ đề “Chiến thuật xử lý khó khăn trong biên phiên dịch”. Trước khi bắt đầu, diễn giả đã sử dụng một số ví dụ về những khó khăn trong khi phiên dịch (người được dịch nói quá nhanh, người phiên dịch không sát nghĩa gây hiểu lầm…). Từ đó, diễn giả khẳng định người phụ trách phiên dịch cần chuẩn bị kỹ càng trước buổi dịch để có thể nắm bắt được rõ hơn nội dung, nhanh chóng xử lý những từ ngữ chuyên ngành và tránh những tình huống gây hiểu lầm, dịch sai, không sát nghĩa. Đặc biệt, người dịch nên có những ứng biến sao cho phù hợp với người nghe và ngữ cảnh.
Sau hai báo cáo, tọa đàm bước vào phần thảo luận và giải đáp câu hỏi do Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông chủ trì. Nhiều chuyên gia trong ngành biên phiên dịch đã đặt ra các vấn đề để trao đổi, khiến chương trình diễn ra sôi nổi và giá trị thông tin cao, giúp bổ sung thông tin cho hai báo cáo ban đầu.
Toạ đàm “Những điều nhạy cảm và ứng phó của Biên/Phiên dịch” thu hút hơn 2.100 người đăng ký và có hơn 750 người tham dự. Tọa đàm đã cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống bổ ích cho các đại biểu.
Thanh Tú