Người nối nhịp cầu văn hóa và giáo dục Việt Nam – Nhật Bản – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Người nối nhịp cầu văn hóa và giáo dục Việt Nam – Nhật Bản

Với nhiều hoạt động xúc tiến giao lưu văn hoá, kinh tế giữa giữa hai nước, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội) mới đây được chính phủ Nhật Bản vinh danh là 1 trong 4 người Việt Nam có những đóng góp trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam-Nhật Bản và trong đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam.
 
PGS.TS Ngô Minh Thủy học tiếng Nga từ nhỏ, sau đó trở thành giảng viên của ĐH Ngoại ngữ chị vẫn sử dụng song song tiếng Anh- Nga trong giảng dạy và nghiên cứu. Cơ duyên đến với tiếng Nhật của chị khi ngôn ngữ này được dạy như một ngoại ngữ hai năm 1992 tại ĐH Ngoại ngữ.

Năm 1996, chị Ngô Minh Thủy dự thi học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Ở thời điểm đó, chị đã hoàn thành luận văn Thạc sỹ tiếng Nga và ĐH ngành tiếng Anh. Khi đã 32 tuổi, chị Thủy bắt đầu học tiếng Nhật và là người có năng khiếu cũng như kinh nghiệm học và giảng dạy tiếng Nga, tiếng Anh nên chị thích ứng rất nhanh và hoàn thành bằng Thạc sỹ tại ĐH Tsukuba sau 4 năm học.

Năm 2003, Chính phủ hai nước đưa tiếng Nhật vào dạy thí điểm tại các trường trung học cơ sở (THCS) ở Việt Nam. Chị Ngô Minh Thủy được lựa chọn làm đồng chủ biên xây dựng chương trình, sách giáo khoa tiếng Nhật cho học sinh (HS) phổ thông. Cùng với việc phát triển tiếng Nhật ở bậc THCS, tại ĐH Ngoại ngữ, chị cùng với các đồng nghiệp từng bước phát triển các chương trình tiếng Nhật khác như: mở hệ sư phạm tiếng Nhật, mở chương trình giáo dục tiếng Nhật cho HS phổ thông (PT) chuyên ngoại ngữ, hệ đào tạo tiếng Nhật vừa học vừa làm, đào tạo thạc sỹ chuyên ngành tiếng Nhật, đào tạo tiếng Nhật chất lượng cao…


PGS.TS Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội)người nối nhịp cầu văn hóa Việt – Nhật. Ảnh: Trần Thanh Giang


Thay mặt Trường ĐH Ngoại ngữ, PGS.TS Ngô Minh Thủy nhận Bằng khen của Đại sứ  Nhật Bản
về sự đóng góp của Trường đối với hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS Ngô Minh Thủy tham gia cuộc họp thường niên ASJA tại Hà Nội năm 2015. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS Ngô Minh Thủy chụp ảnh cùng Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio khi đến thăm Đại sứ quán Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu NVCC


Lãnh đạo các Hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản tham dự cuộc họp thường niên của lãnh đạo  ASJA và ASCOJA
tại Tokyo năm 2019, PGS.TS Ngô Minh Thủy (thứ 5 hàng ngồi từ phải qua). Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS  Ngô Minh Thủy tham dự cuộc họp thường kỳ Hội đồng Trường ĐH Việt Nhật với tư cách ủy viên thư ký Hội đồng. Ảnh: Tư liệu NVCC

Trải qua nhiều khó khăn, chị Thủy từng bước cùng các đồng nghiệp tạo dựng phong trào học tiếng Nhật rộng khắp ngành giáo dục. Chỉ riêng đối với hệ phổ thông: từ 1 lớp học thí điểm ở  THCS Chu Văn An năm 2004, đến nay đã có hơn 25.000 học sinh tiếng Nhật. Hiện tiếng Nhật tiếp tục được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học.

Đối với giáo dục ĐH, năm 2002, chị Thủy được phân công làm Thư ký Ban biên soạn khung chương trình (CT) đào tạo tiếng Nhật hệ ĐH. Chị cùng các đồng nghiệp xây dựng nhiều CT mới trong đó CT đào tạo cử nhân tiếng Nhật hệ sư phạm tiếng Nhật. Đến nay đây vẫn là CT đào tạo giáo viên tiếng Nhật đầu tiên và duy nhất tại các trường ĐH của Việt Nam.

Ngày 23/7/2019, 4 cá nhân người Việt Nam trong đó có PGS.TS Ngô Minh Thủy được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao bằng khen với đóng góp tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như những thành tích trong đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam./.
Cùng với việc phát triển các CT đào tạo, TS Ngô Minh Thủy đã hợp tác tổ chức các sự kiện mang tính quốc tế, trong đó có Hội thảo quốc tế về nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Đây là lĩnh vực giáo dục tiếng Nhật có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Với những hoạt động như vậy, ngành tiếng Nhật tại ĐHNN đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của ngành tiếng Nhật tại Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, TS Ngô Minh Thủy còn chủ biên nhiều đầu sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy tiếng Nhật. Đến nay, chị là chủ biên và đồng tác giả của 32 cuốn sách tiếng Nhật, phục vụ giáo dục phổ thông. Chị cũng đã là Trưởng nhóm kiêm đồng tác giả xây dựng 5 CT dạy tiếng Nhật trên Đài tiếng nói Việt Nam, thực hiện trong 5 năm (2008- 2013).

TS Ngô Minh Thủy đã xuất bản sách chuyên khảo về thành ngữ tiếng Nhật, sách về văn hóa – văn học Nhật Bản, sách học tiếng Việt dùng cho người Nhật, sách tra cứu về hệ thống giáo dục Việt Nam (xuất bản tại Nhật). Bên cạnh đó, chị cũng đã từng xuất bản 2 tập thơ. Tháng 4/2019, PGS.TS Ngô Minh Thủy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng CT tiếng Nhật giáo dục phổ thông tổng thể.


Nhóm chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật bậc tiểu học. Ảnh: Tư liệu NVCC


Bộ sách sách giáo khoa Tiếng Nhật bậc tiểu học do PGS.TS Ngô Minh Thủy chủ biên. Ảnh: Trần Thanh Giang


PGS.TS Ngô Minh Thủy làm việc với cán bộ của phòng Công tác chính trị sinh viên chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Ảnh: Trần Thanh Giang


Nhóm sinh viên tình nguyện chụp ảnh chung với PGS.TS Ngô Minh Thủy tại Hội thảo Giáo dục Nhật Bản JASSO 2018. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS Ngô Minh Thủy cùng với sinh viên tình nguyện chuẩn bị đón các em sinh viên năm thứ nhất. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS.TS Ngô Minh Thủy thăm các em sinh viên học quân sự tại Hòa Lạc. Ảnh: Tư liệu NVCC

Việc sử dụng thành thạo cả 3 ngoại ngữ: Anh, Nga, Nhật đã giúp chị Thủy sử dụng ngôn ngữ như một nhà ngoại giao văn hóa, nối nhịp cầu với các quốc gia trên thế giới. Hiện PGS.TS Ngô Minh Thủy là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (JAV). Là người xúc tiến giao lưu văn hoá, kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản, PGS. TS Ngô Minh Thủy có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục và giao lưu giữa HS-SV.

18 năm qua, JAV đã tổ chức thành công nhiều chương trình giao lưu cho HS, SV, lựa chọn được các ứng viên xuất sắc cử đi đào tạo tại Nhật Bản cũng như đón nhiều đoàn khách cao cấp của Nhật Bản sang Việt Nam, đặc biệt là Nhật hoàng và Hoàng hậu. Rất nhiều đoàn công tác của Nhật Bản và cơ quan Việt Nam cũng đã tìm đến CLB để trao đổi ý kiến, tư vấn về các hoạt động hợp tác Việt – Nhật.
 
Bài: Bích Vân – Ảnh: Thanh Giang và Tư liệu NVCC