Gặp gỡ thầy Alex Hoàng – Giảng viên trẻ tràn đầy năng lượng tích cực của ULIS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Gặp gỡ thầy Alex Hoàng – Giảng viên trẻ tràn đầy năng lượng tích cực của ULIS

Thầy Hoàng Anh Phong (thường được gọi với cái tên thân mật là thầy Alex) hiện là giảng viên của Khoa Sư phạm Tiếng Anh. Tính đến thời điểm hiện tại, thầy đã có 08 năm công tác tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tính cách trẻ trung, dí dỏm, đầy năng lượng tích cực và nhiệt huyết trong giảng dạy, thầy luôn nhận được sự yêu mến từ các lứa sinh viên theo học.

 Hành trình trở thành giảng viên ULIS

Xuất thân là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp, thầy Alex vẫn luôn ấp ủ khát khao được trở thành giảng viên chính thức của trường. Thế nhưng, cơ hội không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được. Vì một số lý do, thời điểm đó thầy phải lựa chọn giảng dạy tại một ngôi trường khác, nhưng vẫn luôn “bật chế độ nghe ngóng” về thông tin của ULIS. Trong thời gian “chờ”, thầy giáo trẻ mong muốn được theo đuổi sự nghiệp học vấn lâu dài để lên cấp bậc cao hơn. Trong hai năm sau tốt nghiệp, để trang trải được chi phí học thạc sĩ, thầy Alex đã phải sắp xếp thời gian sao cho vừa học vừa làm đan xen nhau trong tuần. Việc học vất vả nhưng không làm nản chí người thầy trẻ tuổi.

May mắn thay, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ liên kết của Đại học Victoria (Úc) – Trường Đại học Hà Nội và tích lũy đủ kinh nghiệm giảng dạy, thì cơ hội cũng tới khi Trường Đại học Ngoại ngữ thông báo tuyển giảng viên tiếng Anh. “Mặc dù đã nghe ngóng và chuẩn bị khá lâu cho chặng hành trình bước vào giảng đường ULIS, thế nhưng cơ hội ấy đến cũng vẫn khiến mình không khỏi bất ngờ.” – Thầy Phong tâm sự.

Luôn muốn thấy hiểu học trò

Với kinh nghiệm 08 năm là giảng viên của trường, khi được hỏi về bí kíp cũng như động lực giúp thầy Alex luôn ngập tràn năng lượng tích cực, và truyền cảm hứng cho bao thế hệ sinh viên, thầy Phong chia sẻ: “Mình nên học cách đặt bản thân vào vị trí của người học, để thấu hiểu điều mà các bạn muốn lắng nghe, cũng như cân nhắc chiến lược giảng dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của mỗi bạn. Bởi vì bản thân đã trải qua quãng thời gian sinh viên, thế nên, phần nào thầy cũng nắm bắt được tâm lý của các bạn và dễ dàng thấu hiểu nhiều điều.”

Dù chung một kiến thức nhưng với mỗi lớp, thầy vẫn sẽ có phương pháp truyền đạt khác nhau để đảm bảo được sự hứng thú của sinh viên đối với môn học, cũng như môi trường giảng đường. Cũng vì lý do đó, cái tên “Alex Hoàng” dù qua bao lứa sinh viên vẫn luôn khắc ghi một ấn tượng khó phai bởi phong cách giảng dạy thú vị của riêng mình.

Biên tập viên hay giảng viên? – Bài học về sự lựa chọn

“Thay vì chọn sự lựa chọn tốt nhất, hãy biến cái mình lựa chọn thành điều tốt nhất”

Khi được hỏi, “Tại sao câu chuyện nghề nghiệp lại gắn liền với hai từ khóa “giảng viên” và “biên tập viên”?”, thầy Alex Hoàng đã chia sẻ câu chuyện thú vị từ thuở bé. Ngay từ nhỏ, ngoài khát khao trở thành nhà giáo ưu tú, thầy vẫn luôn ấp ủ mong nguyện được trở thành một biên tập viên nổi tiếng. Thầy gọi nghề biên tập viên là một ước mơ, còn làm giảng viên lại là một đam mê, một sứ mệnh.

Tại thời điểm đó, thầy giáo trẻ đã phải đứng giữa hai lựa chọn rất khó khăn của cuộc đời: Trở thành biên tập thời sự cho một chương trình tiếng Anh trên kênh VTV4 và được nhiều người biết đến, hay theo đuổi nghề dạy học và được thỏa mãn mong muốn học tiếp lên thạc sĩ. Cuối cùng, chàng trai đầy nhiệt huyết đã lựa chọn đi theo trái tim mình, lựa chọn theo đuổi đam mê và sứ mệnh cuộc đời. “Lúc đấy rất khó để có được cả hai, thậm chí gần như là không thể. Nhưng thầy nghĩ rằng, thầy sẽ có được cả hai, chỉ là khác nhau về mặt thời gian mà thôi.” – Thầy Alex Hoàng tâm sự.

“Liệu thầy có hối hận với lựa chọn của mình không?”

Câu hỏi đã gợi cho thầy Alex gửi gắm một phương châm sống rất đáng để những người trẻ học hỏi: “ Một thứ có 10 phần nhưng đến 9 phần là tiêu cực và chỉ có duy nhất một phần được gọi là tích cực. Thế nhưng, bởi vì mình đã chọn nó, thế nên mình phải cố gắng bấu víu phần duy nhất đấy và tiếp tục cố gắng. Hãy trở thành người có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình.” – Đã lựa chọn là không tiếc nuối.

Hành trình lấy học bổng toàn phần 

 “Nghĩ ít lại và bắt tay vào làm đi” 

Thời điểm hiện tại, thầy Alex đang tham gia chương trình học bổng trao đổi văn hóa tại trường Đại học COE (Hoa Kỳ). Đây là học bổng dành cho giảng viên các trường trực thuộc khối trường đại học ngoại ngữ được tổ chức 2 năm một lần. Là một chương trình trao đổi văn hóa kéo dài trong một kỳ học, thầy đã lựa chọn những môn học theo định hướng đối ngoại và phát triển kỹ năng giao tiếp, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển bản thân, và vừa thỏa mãn niềm đam mê lấy học bổng du học.

“Nếu nói về việc săn học bổng du học Mỹ thì thầy đã nuôi dưỡng ước mơ này được 5 năm. Để thu hoạch được quả ngọt ngày hôm nay, thầy đã phải trải qua một chặng đường không mấy suôn sẻ.” Thầy Alex bộc bạch rằng đã nắm bắt được thông tin về học bổng bắt đầu vào năm 2018 và quyết định sẽ tham gia chương trình vào đợt kế tiếp (tức năm 2020). Tuy nhiên, vì lý do dịch bệnh COVID-19 và một số trục trặc nhất định, chương trình đều bị hoãn lại trong hai đợt liên tiếp là 2020 và cả 2022. Cuối cùng, cho đến năm 2023, thầy Alex mới thực hiện được thành công ước mơ du học nước ngoài.

Trước khi chương trình du học Mỹ được tổ chức vào năm 2023, thầy Alex đã hai lần tham gia vào Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì, trên cương vị là một người hướng dẫn.

Thầy tâm sự rằng, bản thân chưa từng nghĩ dự án ý nghĩa ấy sẽ là “cơ hội hoàn hảo” để thầy đáp ứng tiêu chí “Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng” trong hồ sơ xin học bổng. Dự án Ba Vì là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhưng đồng thời cũng không kém phần vất vả, khó khăn. Vì vậy, việc trở thành một giảng viên hướng dẫn cho dự án, đồng thời tham gia ba đợt trải nghiệm (trong vòng một năm) trên vùng cao Ba Vì đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cũng như sự kiên nhẫn. Thế nhưng, chính cơ duyên bất ngờ ấy đã mang lại cho thầy Alex một bài học sâu sắc về việc sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Cuộc sống là thế đấy, chúng ta không thể tính trước được tương lai, vậy nên “Hãy cứ làm đi và ngừng nghĩ suy đong đếm lại”.

“Đừng chỉ nhìn vào kết quả, bởi vì hạnh phúc thực sự nằm ở chặng hành trình” 

Quả thực, chuyến hành trình theo đuổi nghề cầm phấn của thầy Alex Hoàng đã truyền rất nhiều cảm hứng cho ULISer về cả tư duy lẫn hành động. Mong rằng, trong tương lai sắp tới, thầy sẽ gặt hái được những thành tựu vẻ vang hơn nữa trên con đường sự nghiệp và tiếp tục là người truyền lửa cho bao thế hệ học sinh, sinh viên.

Trà Giang/ĐSTT