Một số hoạt động nổi bật của công tác hợp tác – phát triển trong 5 năm (2015-2020) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Một số hoạt động nổi bật của công tác hợp tác – phát triển trong 5 năm (2015-2020)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Trường Đại học Ngoại ngữ tập trung tăng cường và phát triển các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước, để phục vụ hiệu quả và thiết thực các hoạt động đào tạo, hoạt động KHCN, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất và góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Nhà trường.

PHẦN 1: HỢP TÁC QUỐC TẾ

1.Ký kết hợp tác quốc tế

Thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới là một công tác được triển khai thường xuyên. Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã ký kết được 86 biên bản ghi nhớ với các trường đại học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, Singapore…).

Nội dung các chương trình hợp tác tập trung vào các lĩnh vực về trao đổi giáo viên, sinh viên, hợp tác NCKH và đào tạo, phối hợp tổ chức hội thảo, trao đổi thông tin tài liệu. Đặc biệt, số lượng thỏa thuận hợp tác về chương trình thực tập cho sinh viên tại Nhật Bản đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua.

2.Cán bộ quốc tế

Nhà trường hợp tác với nhiều đơn vị (ĐSQ Ai cập, ĐSQ Trung Quốc, JICA, DAAD, REI,…) để tiếp nhận giáo viên tình nguyện, chuyên gia về công tác. Đặc biệt với các CTĐT CLC, Trường luôn đảm bảo có giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy. Lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo chăm lo đời sống tinh thần cho giáo viên, chuyên gia nước ngoài, tổ chức các hoạt động tham quan và giao lưu.

3. Học viên quốc tế

Nhà trường luôn tích cực đa dạng hóa các chương trình thu hút sinh viên nước ngoài tới học tập. Trong 5 năm đã có hơn 600 lượt sinh viên quốc tế tới học tại các hệ: tiếng Việt ngắn hạn, trải nghiệm văn hóa Việt Nam, thực tập giảng dạy ngoại ngữ, học trao đổi. Đặc biệt, ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế theo học hệ đào tạo chính quy ở bậc đại học và sau đại học. 

Ngoài các chương trình LKQT bậc cử nhân và thạc sỹ đã triển khai nhiều năm qua như chương trình cử nhân Kinh tế-Tài chính, thạc sỹ Lý luận và PP dạy học tiếng Anh liên kết với ĐH Southern New Hampshire (Hoa Kỳ), cử nhân Kinh tế-Quản lý với ĐH Picardie (Pháp) với tổng số hơn 800 học viên, Trường đã triển khai thêm chương trình liên kết thạc sỹ ngành Ngôn ngữ Đức với ĐH Leipzig (Đức).

4.Đưa người học đi nước ngoài

Thông qua các chương trình hợp tác, đã có 474 sinh viên được nhận học bổng đi học tại các nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Ai Cập,…). Đặc biệt, chương trình thực tập tại nước ngoài đang được Nhà trường đẩy mạnh triển khai và thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Với việc triển khai đào tạo các CTĐT CLC, sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội trải nghiệm môi trường quốc tế.

Đồng thời, ở bậc trung học, học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ cũng có nhiều cơ hội tham gia chương trình trao đổi, trại hè sang nước ngoài (Đức, Nhật Bản, Trung Quốc,…).

5.Đưa cán bộ đi nước ngoài

Công tác hợp tác quốc tế của Trường tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò cầu nối giữa Nhà trường với bè bạn quốc tế. Trong 5 năm đã có 193 cán bộ giảng viên của Trường đi học thạc sỹ, tiến sỹ và tham dự các hội thảo quốc tế trên toàn cầu. Nhà trường cũng tổ chức cho các đoàn cán bộ đi công tác ở nước ngoài theo lời mời của các đối tác và theo nhu cầu mục đích của chương trình đào tạo.

Đã có 23 đoàn lãnh đạo và cán bộ Trường đi công tác, bồi dưỡng nước ngoài tại: Nga, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Australia, Nga, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản.

6. Tổ chức sự kiện mang tính quốc tế

Trong 5 năm, Nhà trường đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tính quốc tế, đặc biệt là các sự kiện: Đón tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ; Đón tiếp Đại sứ Australia và Đại sứ Nhật Bản đến thăm và nói chuyện với sinh viên; Tọa đàm về hoạt động giảng dạy tiếng Anh với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Nhà trường cũng đã tổ chức hơn 20 hội thảo và tọa đàm quốc tế, trong đó có một số hội thảo lớn như: Hội thảo One Asia 2018, Hội thảo AALA 2019, Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông, Hội thảo quốc tế “Foreign Language Education in ASEAN Countries”,…

Bên cạnh đó không thể không kể đến các ngày hội mang tính quảng bá văn hóa và ngôn ngữ mà Trường đang giảng dạy như: Ngày hội văn hóa Nhật Bản, Ngày hội văn hóa Hàn Quốc, ngày hội tiếng Thái, Quốc tế Pháp ngữ, Tết Lào, Dạ hội “Từ Hà Nội đến Mát-xcơ-va”,…

Tổng cộng, Nhà trường đã tiếp đón hơn 200 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc và trao đổi hợp tác trên các lĩnh vực mà Trường có thế mạnh trong vòng 5 năm qua.

7.Mở văn phòng hợp tác

Trong giai đoạn 2015-2020, nhiều đối tác đã mở văn phòng đại diện ở Trường như: Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo – Đài Loan (19/3/2017), Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông – Nga (10/12/2018), Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc – Đài Loan (5/4/2019). Nhờ sự hỗ trợ của các đối tác, Nhà trường đã mở Thư viện Sheikh Zayed (Thư viện tiếng Ả Rập đầu tiên tại Việt Nam – 18/3/2019), Không gian Pháp đầu tiên tại Hà Nội (22/2/2019). Với nhu cầu phát triển hợp tác với các nước thuộc khu vực Đông Á, Nhà trường cũng đã thành lập Trung tâm Hợp tác Đông Á (CEAREC) trực thuộc Phòng Hợp tác Phát triển (3/2018).

PHẦN 2: HỢP TÁC TRONG NƯỚC

1.Ký kết hợp tác trong nước

Song song với hợp tác quốc tế, công tác hợp tác trong nước cũng được thúc đẩy, đem lại hiệu quả và ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của Nhà trường. 199 văn bản ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đã thể hiện mong muốn phát triển uy tín, thương hiệu của Nhà trường, tăng cường tiềm lực trong nước của ULIS.

2.Liên kết đào tạo Văn bằng 2

Nhà trường đã phối hợp với nhiều đơn vị để triển khai đào tạo các lớp Văn bằng 2 hệ Vừa làm vừa học. Ví dụ các lớp tại: Học viện Quân y, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân,…

3.Thực hiện nhiệm vụ ĐANNQG

Nhà trường đã phối hợp với Đề án NNQG triển khai việc khảo sát, đánh giá năng lực tiếng Anh cho giáo viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy các bậc tiểu học và THCS, bồi dưỡng giám khảo chấm thi nói và chấm thi viết, xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trực tiếp, trực tuyến. Trong 5 năm, Trường đã tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho 3988 lượt giáo viên (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ, Hòa Bình…); bồi dưỡng về NVSP và PPGD cho 8265 lượt giáo viên ngoại ngữ bậc tiểu học và THCS; bồi dưỡng chấm thi nói, chấm thi viết và cán bộ ra đề thi cho 339 lượt cán bộ khảo thí trong cả nước.

Nhà trường cũng đã mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước nhằm phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, đồng thời tìm kiếm địa bàn cho sinh viên Trường thực hành thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ.

4.Đề án Địa phương

Với mong muốn thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, từ cuối năm 2018, Trường ĐHNN-ĐHQGHN đã phối hợp với nhiều địa phương để triển khai các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ tại địa phương (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Nội (quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, huyện Ba Vì)).