Kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh văn: Từ những ngày kháng chiến đến thời kỳ hội nhập
Ra đời vào năm 1958, với tên gọi ban đầu là Phân khoa Anh văn thuộc Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Anh Văn (ED) của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN (ULIS) hiện là một trong những đơn vị có tuổi đời lớn nhất tại Việt Nam.
Lớp lớp thế hệ thầy trò đã cùng gọi tên Khoa Anh Văn với bao thân thương trìu mến. Khoa Anh Văn hiện nay đã được tách ra thành 3 khoa: Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh và Khoa tiếng Anh.
Bài viết dưới đây tóm tắt lại những mốc lịch sử quan trọng trong sự hình thành và phát triển của khoa Anh Văn.
Phần 1: Tiếng Anh và công cuộc kháng chiến chống Mỹ
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội đã chấm dứt tiếng súng chống Pháp và Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năm 1958, phân khoa Anh Văn thuộc Khoa Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Hà Nội được hình thành mở đầu cho một thời đại của tiếng Anh, với nhiệm vụ đào tạo giáo viên các cấp và cán bộ nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước.
Và rồi 2 năm sau đó, ngày mồng 4/3/1960, Khoa Ngoại ngữ được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Lần thăm này của Bác để lại một dấu ấn lịch sử cho thày trò toàn khoa.
Những khóa đầu tiên đã tự hào về sinh viên của mình, những con người lăn mình trong học tập dưới sự dẫn dắt của thày chủ nhiệm Khoa đầu tiên, thầy Đặng Chấn Liêu và thầy giáo Phạm Duy Trọng, cùng cô giáo Freda Cook, Đảng viên Đảng Cộng sản New Zealand, để rồi khi ra trường đã góp cho xã hội những nhân cách lớn và những cống hiến đáng trân trọng.
Bước vào thập kỷ 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến leo thang. Trên chiến trường có các chiến sỹ chiến đấu oanh liệt, ở hậu phương, sinh viên Anh văn Đại học Sư phạm đã học tập với một khí thế quyết tâm và hào hùng với những buổi học trên lớp “chỉ có tiếng Anh, không nói tiếng Việt” với thầy Đặng Chấn Liêu và những buổi tối đèn dầu như sao sa, soi sáng cho sinh viên Anh văn tự học và học nhóm trong các lớp học nhà tranh vách đất; với những ngày tập quân sự, sinh viên tiếng Anh hào hứng với những “chặng đường hành quân nói tiếng Anh;” với những ngày hăng say đi lao động sản xuất hay đắp đê, chống lụt.
Những buổi tối Thứ Sáu vang lên tiếng piano Xuân Chính rộn ràng bên tiếng kèn trumpet Xuân Lâm và vượt lên trên tất cả là tiếng nói chuyện rào rào, tiếng thì thầm bằng tiếng Anh tạo nên một không khí như thể đang ở trên miền Anh Quốc.
Rồi tiếp đến những ngày gian khổ nhưng lạc quan, những ngày sơ tán lên bản Năm Muồng, một miền dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên, tự dựng lớp học dưới gầm nhà sàn, cũng có bảng, có phấn và có cả cây gậy tre để đuổi gà khi chúng xâm phạm giờ học. Sáng sáng, chiều chiều tiếng Anh vang lên khắp bản làng.
Trong những năm tháng ấy, sinh viên khoa Anh văn không phải chỉ là những chàng trai, cô gái nhí nhảnh bước vào ngưỡng cửa đại học mà còn có cả cán bộ, quân đội, an ninh, học sinh miền Nam tập kết, học chính quy, học cấp tốc để khi ra trường được tung vào các ngành các giới, phục vụ cho công cuộc chi viện miền Nam, giải phóng đất nước. Nhiều sinh viên đã viết đơn bằng máu để xin tòng quân.
Năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập, một lần nữa chấm dứt bom đạn, đưa nước ta vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc.
Phần 2: Tiếng Anh và hội nhập
Những cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, chỉ còn lại những người con đất Việt với lòng tự hào vươn mình đổi mới với chính sách mở cửa năm 1986.
Tiếng Anh đã lên ngôi với sự khởi đầu bằng chương trình Follow Me, do sinh viên cũ của Khoa Anh-Đại học Sư phạm chủ trì.
Năm 1967, phân khoa Anh văn chính thức trở thành Khoa Anh văn – một trong 4 khoa đào tạo của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập với Đại học Ngoại ngữ là một thành viên. Chợt nhìn trở lại, Khoa Anh văn ngày xưa nay đã tròn 60 năm. Đời sinh viên của thế hệ trẻ đã mang một sắc màu mới.
Bước vào thế kỷ 21, Khoa Anh được tái cấu trúc thành: Khoa Sư phạm tiếng Anh, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói Tiếng Anh và Khoa Tiếng Anh. Từ đây, 3 khoa đào tào và nghiên cứu tiếng Anh đã chuyển mình bằng chiến lược khám phá thế giới để hội nhập.
Quy trình hội nhập đòi hỏi phải có nhân tài. Nhưng tài năng mà không được đào tạo, không rèn luyện công phu, không được truyền cảm hứng để tạo niềm say mê cũng không thể mang lại niềm vinh quang cho đất nước.
Cách tư duy đúng đắn ấy đã cho ra đời chương trình đào tạo cử nhân ngành Sư phạm tiếng Anh năm 2001 đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chung của khu vực ASEAN-AUN.
Từ năm 2002, nhiều giảng viên của Khoa Sư phạm Tiếng Anh đã tham gia xây dựng Chương trình tiếng Anh tại bậc phổ thông và biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh cải cách giáo dục và đào tạo giáo viên tiểu học và trung học phổ thông tiếng Anh cho Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 2002 đến nay, kết nối với rất nhiều các trường Đại học nhằm chia sẻ kỹ năng, tập huấn chuyên môn.
Theo dòng thời gian, nhiều thế hệ sinh viên khoa Anh Văn, Đại học Ngoại ngữ đã cống hiến phần mình cho sự sinh tồn và phồn vinh của đất nước.
Trong những ngày kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều người đã gia nhập các lực lượng vũ trang đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng và không ít người đã hy sinh cho tổ quốc.
Nói đến họ chúng ta luôn luôn tỏ lòng kính cẩn. Và khi hòa bình trở lại, cũng không ít người đã đảm nhận những chức vụ cao cấp của Nhà nước như thứ trưởng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền, vụ trưởng, tổng biên tập; và đảm nhận vị trí tiếp nối sự nghiệp đào tạo tiếng Anh như các hiệu trưởng các trường đại học ngoại ngữ.
Nếu vào nửa sau thể kỷ 20, Khoa Anh Văn đã âm thầm tiến bước một cách thành công, phục vụ cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước, bước vào thể kỷ 21, 3 khoa đào tạo và nghiên cứu tiếng Anh của Đại học ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia đã hồ hởi tiến vào nền kinh tế tri thức, công nghệ mới, phục vụ cho sự nghiệp nâng cao năng lực tiếng Anh của thanh niên Việt Nam và tạo nên một thời kỳ đào tạo mới, sôi nổi phục vụ cho quá trình hội nhập thế giới.
Tất cả những điều đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1993, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2001 và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2008.
Các khoa đào tạo và nghiên cứu tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã gìn giữ được lòng tin vào chất lượng và trách nhiệm đào tạo, một lòng tin được tiếp nối từ lịch sử.
Ngày 17 và 18/11 tới, khoa Anh Văn sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập khoa.
Để buổi lễ được tổ chức thành công cũng như để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của khoa Anh Văn, Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngoại ngữ trân trọng kính mời tất cả cán bộ-giáo viên và cựu giảng viên, cựu sinh viên khoa Anh Văn về dự Lễ kỷ niệm này.
Sự có mặt của quý vị trong ngày lễ trọng đại này sẽ là một niềm vinh hạnh to lớn đối với khoa và nhà trường./.
Theo Vietnamplus.vn