“Khó khăn và Cảm hứng trong Nghiên cứu khoa học”  – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Khó khăn và Cảm hứng trong Nghiên cứu khoa học” 

Ngày 02/11/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khó khăn và Cảm hứng trong Nghiên cứu khoa học”  trên nền tảng Zoom Meeting. 

Tọa đàm được tổ chức nhằm giúp sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, đặc biệt là các sinh viên đang theo học học phần Phương pháp luận nghiên cứu khoa học hiểu rõ hơn về nghiên cứu khoa học, có hiểu biết cơ bản để làm nghiên cứu trong tương lai.

Tham dự tọa đàm có Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; đại diện lãnh đạo Phòng Đào tạo, Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, các giảng viên và sinh viên quan tâm đến chương trình. Đặc biệt hai diễn giả khách mời của tọa đàm là Nguyễn Mỹ Lan và Hoàng Văn Tiến, hai gương mặt có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học sinh viên của trường.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh khẳng định toạ đàm “Khó khăn và Cảm hứng trong Nghiên cứu khoa học” là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa đối với sinh viên. Cô chia sẻ rằng trong những năm gần đây, hoạt động Nghiên cứu khoa học, Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên rất được Nhà trường quan tâm và chú trọng. Do đó, cô hy vọng: “Thông qua những môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học hay những hoạt động Nghiên cứu khoa học, Đổi mới sáng tạo của sinh viên, thì các bạn sinh viên trước hết sẽ có niềm đam mê đối với Nghiên cứu khoa học, mong muốn khám phá và chinh phục đỉnh cao của Nghiên cứu khoa học. Các em sẽ có cơ hội đào sâu vào tri thức, lĩnh vực mà các em yêu thích, bên cạnh đó cũng sẽ có những dự án có thể áp dụng vào trong cuộc sống.” Phó Hiệu trưởng mong rằng với sự kỹ càng và tận tâm trong khâu chuẩn bị của các báo cáo viên, sự dày công chuẩn bị trong khâu tổ chức của các giảng viên Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, các bạn sinh viên sẽ có một buổi tối thật bổ ích và đầy lý thú xoay quanh chủ đề Nghiên cứu khoa học, nhằm khuyến khích tình yêu với Nghiên cứu khoa học.

Tiếp nối chương trình, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thuý Lan chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học cũng giống như làm thám tử để truy tìm những câu trả lời cho câu hỏi mà mình đặt ra trong đầu và không hề khô khan, cứng nhắc.” Cô mong rằng sau tọa đàm, các sinh viên ULIS sẽ không còn ‘sợ’ làm Nghiên cứu khoa học và sẽ sẵn sàng bước qua giới hạn của bản thân để thử những điều mới mẻ.

Tiếp nối chương trình là phần chia sẻ của 2 diễn giả khách mời: BCV. Nguyễn Mỹ Lan, Tốt nghiệp Thủ khoa ngành Sư phạm Tiếng Anh, khóa QH.2019 và BCV. Hoàng Văn Tiến, Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Chất lượng cao, khóa QH.2019.

Với chủ đề “My Research Journey – Hành trình Nghiên cứu khoa học của tôi”, diễn giả Nguyễn Mỹ Lan đã chia sẻ về những khó khăn và thiếu sót khi làm nghiên cứu khoa học từ năm nhất như “Tìm hiểu và chọn đề tài nghiên cứu”, “Thu thập và xử lý dữ liệu” và “Đưa ra kết luận và đánh giá kết quả”. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và nỗ lực học hỏi, trau dồi tri thức của bản thân, Mỹ Lan đã dần khắc phục được những khó khăn ban đầu đó. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chia sẻ về hành trình đi tìm nguồn cảm hứng của bản thân, từ đó giúp truyền cảm hứng cho các sinh viên có mặt trong buổi tọa đàm.

Tiếp nối chương trình, diễn giả Hoàng Văn Tiến cũng chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu làm những nghiên cứu khoa học đầu tay. Đặc biệt, qua hành trình dài gắn bó với nghiên cứu khoa học, diễn giả đã đúc rút ra một điều: “Các bạn không cần phải viết nhiều, không cần phải chỉ ra rằng mình tìm được nhiều tài liệu, các bạn chỉ cần viết đủ và đúng trọng tâm.”

Ngoài ra, giảng viên Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, cô Nguyễn Phương cũng chia sẻ thêm về việc tìm kiếm thông tin nghiên cứu và cách sắp xếp dữ liệu. Từ những chia sẻ của mình, cô đã giúp các bạn sinh viên có được phương pháp tìm kiếm và quản lý dữ liệu hiệu quả hơn.

Tọa đàm “Khó khăn và Cảm hứng trong Nghiên cứu khoa học” khép lại với những chia sẻ của TS. Đào Thị Diệu Linh, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục. Sau buổi tọa đàm, các sinh viên theo học môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học đã tích lũy được những kiến thức bổ ích, từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về việc nghiên cứu khoa học.

Đình Hưng/ĐSTT