Hội thảo tập huấn: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ”
Ngày 10/5/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo tập huấn “Ứng dụng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ” dành cho giảng viên Nhà trường.
Với mục đích nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ AI phục vụ công tác giảng dạy hiệu quả, buổi tập huấn đã diễn ra trong cả sáng và chiều cùng ngày tại Hội trường Vũ Đình Liên.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã chia sẻ những câu chuyện từ góc nhìn cá nhân đến Nhà trường về vai trò của AI và khẳng định: “Trong năm học tới chúng ta sẽ phải sớm đưa ra một môn học chính thức trong chương trình cho sinh viên về Ứng dụng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo; tổ chức các buổi tập huấn, cấp giấy chứng nhận nhất định để sinh viên có thể bước vào thị trường lao động với các kỹ năng thành thạo”. Từ đó cho thấy tính cập nhật, sự quan tâm, sát sao của Nhà trường nhằm luôn kịp thời thích ứng với sự phát triển của công nghệ, đáp ứng nhu cầu của xã hội về đào tạo.
Trong chương trình tập huấn đã có phần trình bày của 4 báo cáo. Đây là kết quả sau quá trình tìm hiểu và ứng dụng của 10 báo cáo viên đầy nhiệt huyết.
Báo cáo 1: “AI trong dạy, học và KTĐG các môn học chuyên ngành” do nhóm GV. Nguyễn Dương Duy, GV. Lưu Thị Nam Hà, GV. Nguyễn Thị Lan Hường nghiên cứu và trình bày. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những ví dụ cụ thể và kết quả từ trải nghiệm về việc ứng dụng của AI vào việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá trong các môn học chuyên ngành về Ngôn ngữ. Kết thúc báo cáo, nhóm đã đưa ra câu hỏi gợi mở về những hạn chế và cách khắc phục hạn chế đó để công tác tốt hơn trong việc tiếp cận giảng dạy sinh viên.
Báo cáo 2: “AI trong dạy, học và KTĐG Kỹ năng Viết – Ngữ pháp” do GV. Trịnh Bích Thủy và GV. Khương Quỳnh Nga nghiên cứu và trình bày. Bằng lối thuyết trình phong phú, nhóm đã đưa ra những hình ảnh ứng dụng ChatGPT vào thực tế rất hiệu quả cùng cách áp dụng, những lưu ý trong giờ học với AI dành cho các giảng viên quan tâm.
Báo cáo 3: “AI trong dạy, học và KTĐG Kỹ năng Đọc – Từ vựng” do GV. Nguyễn Thị Quỳnh Yến và GV. Nguyễn Thị Hồng Vân nghiên cứu và trình bày. Nhóm khẳng định với sự nhanh chóng, tiện lợi của AI, giáo viên hoàn toàn có thể ứng dụng chúng vào việc hỗ trợ xây dựng bài học, lớp học thực tế. Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ hiện vẫn còn những nhược điểm cần lưu ý và khắc phục. ChatGPT không thay thế được vị trí giáo viên nhưng giúp rút ngắn thời gian, làm đơn giản đi một phần quá trình xây dựng tài liệu giảng dạy, đáng giá, kiểm tra. ChatGPT chỉ hỗ trợ đưa ra các gợi ý, ý tưởng để từ đó GV phát triển tiếp các thành quả có chất lượng tốt hơn.
Báo cáo 4: “AI trong dạy, học và KTĐG Kỹ năng Nghe – Nói – Phát âm” do GV. Khoa Anh Việt, GV. Đinh Thu Hoài, GV. Cung Anh Tuấn nghiên cứu và trình bày. Bằng các video và hình ảnh minh họa sau khi được xử lý bằng công nghệ AI, phần thuyết trình của nhóm mang tính thuyết phục cao và đưa ra nhiều kiến thức mới để tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng hợp lý về công nghệ này.
Sau khi nghe báo cáo, các giảng viên có mặt tại hội trường đã tham gia hoạt động trải nghiệm sử dụng các ứng dụng AI tại 20 máy tính với sự hỗ trợ của các sinh viên ULIS và tiến hành trao đổi, thảo luận các kết quả đạt được.
Chương trình tập huấn khép lại với những phản hồi tích cực và hứa hẹn mang lại những thay đổi mới tốt hơn trong việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ cho giảng viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ.
Một số hình ảnh khác:
Hương Ly/ULIS Media