Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực”

Ngày 10/11/2017, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với công ty Benesse và Learn’s đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực” tại hội trường Vũ Đình Liên. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật tại trường.

Đến dự hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Ngô Minh Thủy và TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Hiệu trưởng, ông Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Anh Thu – Trưởng ban Hợp tác Phát triển ĐHQGHN, đại diện đối tác và trường đại học có giảng dạy tiếng Nhật, Ban tổ chức hội thảo, các cán bộ và giảng viên, sinh viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã nhấn mạnh về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản.

“Với tiêu đề Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực, chúng tôi tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ngày hôm nay với mong muốn tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các cơ quan tư vấn xây dựng chính sách giáo dục cùng trao đổi, tìm ra những phương án liên kết, những giải pháp tối ưu cho việc dạy và học tiếng Nhật phù hợp với sự phát triển của thời đại, đào tạo ra được những nhân tài có khả năng đáp ứng công việc cũng như ứng phó được với những thay đổi như vũ bão của kỉ nguyên số hóa”, Hiệu trưởng khẳng định và gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu tiếp tục tham dự thảo luận, nghe báo cáo tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 50 báo cáo khoa học từ các học giả từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Trường ĐH Kanazawa, ĐH Waseda, ĐH Saga, ĐH Nishi Kyushu, ĐH Kyushu, ĐH Kinh tế Nagoya, ĐH Toyama, ĐH Osaka, ĐHNN Kyoto, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản Nichibunken, Quỹ Giao lưu Quốc tế, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu luật Nhật Bản – ĐH Nagoya và các trường ĐH trong cả nước cũng như báo cáo của một số doanh nghiệp như Co-well, Framgia,…

Nội dung các báo cáo xoay quanh 3 vấn đề chính của hội thảo là Những vấn đề về ngôn ngữ – văn hóa Nhật Bản (Những vấn đề lý thuyết về tiếng Nhật, như các đặc trưng về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng, chữ viết, lịch sử phát triển v.v, bao gồm cả việc so sánh đối chiếu với các đặc trưng của tiếng Việt; Những vấn đề lý thuyết về đặc trưng văn hoá – ngôn ngữ Nhật Bản và những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Nhật), Những vấn đề  về dạy – học tiếng Nhật (Những vấn đề lý thuyết về dạy – học tiếng Nhật, tâm lý và quá trình tiếp thu kiến thức của người học v.v.; Những vấn đề liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, các hoạt động dạy học hiệu quả, xây dựng chương trình, giáo trình,…; Những vấn đề thực tiễn quyết định chất lượng dạy – học, như chính sách giáo dục, môi trường giáo dục,…); Những vấn đề về đào tạo nhân lực (Mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo liên ngành). Phần trình bày báo cáo của các đại biểu đều được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn cũng như phương thức thể hiện.

Sau phiên tổng kết, hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – Những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực” đã chính thức khép lại. Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn để trao đổi ý kiến về những vấn đề xung quanh việc dạy và học tiếng Nhật; đồng thời cũng là nơi kết nối những ý tưởng, đề xuất nhiều sáng kiến cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam và trên thế giới.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media