Hội thảo quốc tế “Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông”: Sôi nổi và đầy hiệu quả – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế “Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông”: Sôi nổi và đầy hiệu quả

Từ 12-14/12/2016, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với Chương trình Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông” với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hội thảo này được triển khai dựa trên sáng kiến của Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ.

Tham dự Hội thảo có gần 70 đại biểu và báo cáo viên là các lãnh đạo nữ thuộc nhiều ngành khác nhau trong khu vực như giáo dục, doanh nghiệp, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), y tế và dịch vụ con người tại 5 nước Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Hội thảo cũng có sự tham gia của 9 giảng viên tiếng Anh của Đại sứ quán Mỹ.

2016-12-15_7-55-27

Phiên khai mạc Hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 12/12/2016 với sự tham dự của nhiều vị quan khách đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam: bà Susan Sutton – Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Diane Millas – Giám đốc chương trình tiếng Anh khu vực; bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; NSND Lê Khanh – Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ; bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó cục trưởng Cục nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Phạm Thu Hiền – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu giới và Lãnh đạo nữ.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó hiệu trưởng/ Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long cùng các thành viên của Ban tổ chức Hội thảo và Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, các trưởng đơn vị là nữ tham dự. Hội thảo cũng có sự tham dự của Giáo sư Nguyễn Hòa – nguyên Hiệu trưởng và Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung – nguyên Phó hiệu trưởng/ nguyên Trưởng Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Susan Sutton – Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – đã cảm ơn những nỗ lực của tất cả các tổ chức, đơn vị liên quan vì sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian qua. Đồng thời bà cho rằng, hiện nay còn rất nhiều việc cần làm cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Bà cũng khẳng định cam kết của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ họ trong điều kiện tốt nhất có thể. Bà nhấn mạnh phụ nữ cần được hỗ trợ để tham gia tất  cả mọi lĩnh vực của xã hội.

img_0660

Bà Susan Sutton, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Thay mặt Trường Đại học Ngoại ngữ và với tư cách Trưởng ban tổ chức Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.  Trong bài phát biểu, Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh đến vai trò của nữ giới trong xã hội và những vấn đề liên quan đến sự phát triển của nữ giới.

2016-12-15_7-55-44

Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy

Bài phát biểu có đoạn: “Là một nửa của thế giới này, những người phụ nữ đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tạo hóa sinh ra thế giới chúng ta với hai nửa: nam và nữ, với những đặc trưng và những thế mạnh cũng như những điểm yếu khác nhau, và vì vậy có những vai trò khác nhau trong xã hội. Về nguyên tắc, với vai trò là những người công dân, nam và nữ đều bình đẳng. Tuy nhiên, thể chế xã hội khác nhau, quan niệm về giới khác nhau, đặc trưng văn hóa dân tộc khác nhau giữa các quốc gia, các vùng miền đã tạo ra sự khác nhau rất lớn trong cách nhìn về giới. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện được sự bình đẳng gần như là tuyệt đối giữa nam và nữ, nhưng cũng có những nước còn có sự phân biệt lớn giữa hai giới, mà kết quả là nhiều người phụ nữ phải chịu thiệt thòi hoặc thậm chị bị ngược đãi. Vậy làm thế nào để vừa đảm bảo được sự bình đẳng giữa nam và nữ, vừa phát huy được tốt nhất những mặt mạnh của hai giới nói chung và của nữ giới nói riêng trong các hoạt động xã hội? Đặc biệt, trong thế giới ngày càng phát triển và được hiện đại hóa, những người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ làm lãnh đạo, cần phải làm gì để vừa phát huy những năng lực của mình để cống hiến cho xã hội và giúp đỡ những người phụ nữ khác cũng “tỏa sáng”, đồng thời vẫn giữ được những thế mạnh, những nét đặc trưng rất riêng của phái nữ mà nam giới không có được? Đó là câu hỏi mà tôi cho rằng không ít người phụ nữ từng trăn trở và có lẽ câu trả lời cũng sẽ rất đa dạng đối với những người lãnh đạo nữ từ các quốc gia khác nhau.”

Trong 3 ngày Hội thảo, các đại biểu tập trung vào nhiều vấn đề khác nhau như: nân

g cao vị thế và cơ hội cho phụ nữ khu vực hạ nguồn sông Mê Kông; hỗ trợ phụ nữ ở môi trường đại học; hỗ trợ phụ nữ phát triển và thành công trong nghề nghiệp; kỹ thuật xây dựng sự tự tin để thành công; tăng đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo; tăng cường sự tham gia của nam giới vào ‘cuộc chiến’ vì tiến bộ của phụ nữ; chiến lược vượt qua kỳ thị về giới và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong khu vực.

2016-12-15_7-55-54

2016-12-15_7-56-04

Hội thảo gồm các bài trình bày đề dẫn tại phiên toàn thể, các tiểu ban song song, các buổi thảo luận nhóm và hoạt động kết nối mạng lưới. Các buổi thảo luận, trao đổi ý kiến tại Hội thảo diễn ra sôi nổi, hiệu quả.

2016-12-15_7-56-13

02-trao-doi-nhom

2016-12-15_7-56-22

Không chỉ vậy, các thành viên tham gia còn được trao đổi, thảo luận các ý kiến của bản thân, đưa ra những khó khăn, kinh nghiệm thực tiễn, mục tiêu, đinh hướng phát triển của mình. Đặc biệt, thông qua các hoạt động nhóm, các khách tham dự đã được kết nối, tìm hiểu về nhau, làm tiền đề cho những mối quan hệ bền chặt sau này.

img_0712

06-mot-so-thanh-vien-trong-ban-to-chuc

Một số thành viên trong Ban tổ chức

Sau 3 ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả, “Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông” đã khép lại, để lại những ấn tượng tốt đẹp về công tác tổ chức mang tầm quốc tế của Trường Đại học Ngoại ngữ. Kết thúc chương trình, các đại biểu tham dự Hội thảo đã bày tỏ sự hài lòng về nội dung Hội thảo, sự cảm kích đối với công tác chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp của Ban tổ chức. Đại sứ  quán Hoa Kỳ nói chung và các cán bộ liên quan trực tiếp đến việc tổ chức Hội thảo cũng đánh giá rất cao công tác tổ chức Hội thảo lần này, cho rằng đây là một trong những Hội thảo rất thành công và tổ chức rất chuyên nghiệp mà họ từng tham dự. Đại sứ quán Hoa kỳ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng và các hoạt động hợp tác về văn hóa- giáo dục nói chung.

2016-12-15_7-56-34

Các thành viên tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media