Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, năm học 2020-2021 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, năm học 2020-2021

Ngày 25/9/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã phối hợp với UBND Huyện Ba Vì tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, năm học 2020-2021.

Tham dự Hội nghị có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng  Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hợp tác phát triển Nguyễn Lân Trung, các thầy cô giáo trong BCĐ Đề án, đại diện các khoa phòng, các thầy cô giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến.

Về phía UBND Huyện Ba Vì có Đồng chí Dương Cao Thanh – Bí thư Huyện ủy; Đồng chí Phùng Tân Nhị – Phó Bí thư Huyện ủy, CT HĐND huyện; Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng – Phó Bí thư Huyện ủy, CT UBND huyện; Đồng chí Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện. Cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện Ba Vì; lãnh đạo Văn phòng Huyện uỷ, Văn phòng HĐND&UBND huyện; Tài chính-Kế hoạch, Nội vụ; Đ/c Phùng Ngọc Oanh – HUV, Trưởng phòng GD&ĐT.

Tại điểm cầu các trường THCS, PTCS trên địa bàn có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Ban giám hiệu và giáo viên dạy tiếng anh các trường THCS, PTCS trên địa bàn huyện; Đại diện học sinh các trường THCS Trung tâm NC Bò và Đồng Cỏ Ba Vì, Trường THCS Tản Hồng.

Mở đầu chương trình, Đ/c Phùng Ngọc Oanh – HUV, Trưởng phòng GD&ĐT Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm học 2020-2021 và phương hướng triển khai năm học 2021-2022.

Tiếp theo chương trình để nhìn lại hành trình triển khai đề án trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2020-2021 Ban tổ chức đã mời các đồng chí lãnh đạo, các thầy cô giáo theo dõi Phim phóng sự về hành trình triển khai đề án.

Sau đó, Hội nghĩ cũng lắng nghe những tham luận đóng góp ý kiến đến từ phía các đại biểu.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Viện – Hiệu trưởng THCS Sơn Đà phát biểu tham luận về Nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Tiếng Anh thông qua hoạt động của đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ. 

Đồng chí Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch UBND xã Cổ Đô  phát biểu tham luận về công tác phối hợp triển khai đề án tại trường THCS Cổ Đô.

Cô giáo Phùng Thị Hồng Nhung – GV trường THCS Cẩm Lĩnh phát biểu tham luận về Đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Anh thông qua việc thực hiện đề án. 

Thầy giáo Vũ Việt Dũng- GV trường THCS Phú Phương phát biểu tham luận về Ứng dụng CNTT trong dạy học môn Tiếng Anh thông qua các chuyên đề tập huấn của ĐH Ngoại ngữ. 

Em Nguyễn Hương Giang- Học sinh Trường THCS Tản Hồng tham luận về Chuẩn bị hành trang thi vào lớp 10 THPT môn Tiếng Anh. 

Em Phùng Quang Trung – Học sinh THCS Trung tâm NC Bò và Đồng cỏ tham luận về Hoạt động ngoại khóa trong môn Tiếng Anh. 

Thầy Lê Thế Quý – Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, tham luận về nội dung Giáo viên dạy Tiếng Anh huyện Ba Vì vượt lên khó khăn, tự tin thể hiện.

Phát biểu trong Hội nghị, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã gửi lời cảm ơn đến UBND Huyện Ba Vì, Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện và các thầy, cô trong Ban giám hiệu và thầy, cô dạy ngoại ngữ của 20 trường THCS tham gia đề án đã tạo điều kiện tốt nhất cho Nhà trường trong suốt thời gian qua. Hiệu trưởng cũng nhận mạnh những điểm đã làm được và những điểm cần hoàn thiện nhiều hơn của Đề án. Thầy cũng bày tỏ sự tự hào khi được chứng kiến những đổi thay về mặt nhận thức từ phía thầy, cô và các em học sinh sau khi tham gia Đề án và khẳng định Nhà trường sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ địa phương trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đánh giá rất cao các giá trị mà Đề án hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN và UBND Huyện Ba Vì mang đến cho cộng đồng, cho sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục ngoại ngữ nói riêng của Huyện Ba Vì và tin tưởng Đề án sẽ tiếp tục phát triển và thu được những kết quả tích cực hơn nữa.

Phát biểu trong Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh đã bày tỏ sự xúc động và cảm động khi chứng kiến những kết quả tích cực từ sự hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN và UBND Huyện Ba Vì. Ông cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà trường và khẳng định Huyện Ba Vì sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Nhà trường khi thực hiện Đề án tại địa phương.

Tại Hội nghị, Giám đốc Phòng GD&ĐT Huyện Ba Vì đã công bố Quyết định khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai đề án năm 2020-2021.

Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, năm học 2020-2021 đã khép lại và mở ra một chương mới trong hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị nói chung và hoạt động của Đề án năm học 2021-2022 nói riêng. Trong năm học 2021-2021, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN sẽ triển khai Đề án tại 35 trường THCS trên địa bàn Huyện Ba Vì. 

Trong năm học 2020-2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tập huấn 3 đợt cho 67 giáo viên dạy Tiếng Anh của 20 trường THCS tại Huyện Ba Vì. Đợt 1 được tổ chức ngày 08/11/2020 tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì; đợt 2 tổ chức ngay 12/1/2021 tại trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội, đợt 3 tổ chức ngày 4/4/2021 tại Phòng GDĐT Ba Vì. Nội dung các buổi tập huấn tập trung phân tích đánh giá, bài học kinh nghiệm về bài thi môn Tiếng Anh lớp 10 THPT năm 2020-2021. Hệ thống hóa các kiến thức và kĩ năng cần có đối với học sinh làm bài thi vào lớp 10 THPT.  Tổ chức chuyên đề Chiến lược dạy học phân hóa;  phương pháp tăng cường giao tiếp tiếng Anh; ứng dụng CNTT trong dạy học . Hướng dẫn sử dụng tài liệu, học liệu và gợi mở về phương pháp phát triển tài liệu.

Trường Đại học Ngoại ngữ đã phối hợp Phòng GDĐT tổ chức 3 đợt thực địa: đợt 1 từ ngày 09 đến 13/11/2020, đợt 2 từ 13 đến 18/1/2021, đợt 3 từ ngày 05 đến 09/4/2021 (đưa 10 giảng viên, 75 sinh viên về dạy tại 20 trường- mỗi đợt 6 ngày). Tổ chức 3 đợt thi thử cho 2.788 học sinh khối 9 của 20 trường.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học; các nhà trường đã chủ động phối hợp các thầy cô giảng viên dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022.

 

Sau 1 năm triển khai Đề án, hoạt động giảng dạy và học tập tiếng Anh tại Ba Vì đã thu được nhiều kết quả tích cực. 

* Đối với giáo viên:

– Thông qua các chuyên đề, đội ngũ các thầy cô giáo dạy tiếng Anh trong các trường THCS được tập huấn các phương pháp dạy học nhằm phát huy năng lực của học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Anh trong các nhà trường. Phương pháp dạy học phân hóa đã được giáo viên dạy môn Tiếng Anh sử dụng hiệu quả trong quá trình dạy học đặc biệt là quá trình ôn thi vào lớp 10 THPT. Giáo viên hiểu rõ năng lực trình độ của từng cá nhân trong lớp học Trong một bài dạy giáo viên thiết kế nhiều dạng bài tập, câu hỏi phù hợp với năng lực của từng nhóm học sinh. Chính vì vậy, học sinh cảm thấy hào hứng hơn với giờ học; các em học sinh có lực học trung bình, dưới trung bình được trang bị những kiến thức cơ bản, luyện tập những dạng câu hỏi, bài tập ở mức nhận biết, thông hiểu, các em sẽ không cảm thấy khó và không bị áp lực ; còn học sinh khá, giỏi không chủ quan, các em có nhiều cơ hội để thử sức ở dạng câu hỏi thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phương pháp này giúp học sinh tự tin, hứng thú, chủ động hơn trong việc học, các em là những cá nhân có cơ hội phát triển như nhau. phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho việc học của bản thân. Vì vậy, trong kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 có 30 học sinh đạt điểm tuyệt đối 10/10 môn thi Tiếng Anh.

– Phương pháp tăng cường giao tiếp rất quan trọng trong quá trình dạy học môn Tiếng Anh đặc biệt là học sinh miền núi. Giáo viên tăng cường tương tác với học sinh trên lớp bằng Tiếng Anh tuỳ theo trình độ của học sinh, đảm bảo việc nghe hiểu của các em. Khi học sinh có trình độ nghe hiểu kém, các thầy cô giáo đã vận dụng ngôn ngữ mệnh lệnh/giao tiếp đơn giản, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu nói,…tạo hứng thú cho học sinh, dần dần học sinh nghe hiểu, tiếp thu, bắt chước,… Với phương pháp này học sinh có khả năng sử dụng ngôn ngữ ngay trong và sau tiết học, hoạt động này vừa tăng khả năng nói vừa giúp các em vận dụng linh hoạt kiến thức về ngữ pháp, từ vựng trong bài.  Khi vận dụng phương pháp này trong quá trình dạy học các thầy cô giáo đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra môi trường học ngoại ngữ thú vị, hiệu quả : như tổ chức các trò chơi, các hoạt động: “Trả lời nhiều tích điểm lớn”, các câu lạc bộ Tiếng Anh của trường, các cuộc thi …..

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến rất quan trọng. Chính vì vậy sau các chuyên đề tập huấn do giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia bồi dưỡng, đa số giáo viên Tiếng Anh sử dụng thành thạo, hiệu quả các ứng dụng google classroom: để giao bài và kiểm soát việc làm bài về nhà của học sinh; ứng dụng Kahoot: dùng trực tiếp trên lớp, tạo ra các cuộc thi trên lớp để kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, giúp các con nhớ từ và hứng thú; ứng dụng Quizizz: tạo bài tập giao cho học sinh về nhà làm. Chính những ứng dụng này giúp học sinh cảm thấy mới mẻ không  nhàm chán khi phải liên tục học với textbook, tạo sự hứng thú, giảm tải chấm bài cho giáo viên,…

– Các thầy cô giảng viên của trường ĐHNN đã trực tiếp dạy các tiết có sử dụng phương pháp mới, có ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy DEMO, Qua đây các giáo viên Tiếng Anh các trường THCS đã được nâng cao về trình độ chuyên môn, về phương pháp và kỹ năng dạy học.

– Giáo viên và học sinh được cung cấp một kho học liệu về phương pháp giảng dạy; hệ thống bài tập; ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

– Giáo viên dạy Tiếng Anh của 20 trường tham gia dự giờ ở trường bạn, dự các tiết dạy do giảng viên của trường Đại học Ngoại ngữ trực tiếp lên lớp. Học sinh được sinh viên hướng dẫn các phương pháp học tập với phương châm học mà chơi chơi mà học.

– Ngoài các giờ dạy thực địa trực tiếp tại các trường, các thầy cô giáo giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ thường xuyên dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh.

– Các trường đã đón tiếp, bố trí chỗ ăn ở cho sinh viên rất chu đáo, đảm bảo an toàn. Nhiều CBQL, Gv đã bố trí cho sinh viên ăn ở luôn tại gia đình mình và rất quan tâm đến các em.

* Đối với học sinh:

Những hoạt động của đề án đã giúp học sinh có những chuyển biến tích cực, có ý thức hơn, tự giác hơn trong học tập,  các em có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nguồn tri thức mới.

Học sinh tự tin hơn và quyết tâm hơn cho trong học tập, thêm vào đó các em hứng thú hơn, say mê hơn, yêu thích môn Tiếng Anh hơn. Hiện nay đã có nhiều câu lạc bộ Tiếng Anh hoạt động sôi nổi; các em học sinh rất tích cực trao đổi với các thầy cô thông qua ứng dụng CNTT.

*  Một số kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 môn Tiếng Anh toàn huyện

– Tỉ lệ HS đạt điểm từ Trung bình trở lên: 42,89%;

– Điểm TB các bài thi: 4,9 điểm. Xếp thứ 26/30 quận huyện ( tăng 03 bậc, năm trước xếp thứ  29/30).

+ Có 30 bài thi đạt điểm 10/10.

+ Có 04 trường điểm trung bình đạt từ 6 điểm trở lên: THCS Tản Đà (7,51), Phong Vân (6,8), Đông Quang (6,41), Thái Hoà (6,16).

* Kết quả 20 trường tham gia Đề án:

+ Điểm TB các bài thi: 4,98 điểm.

+  Có 16 bài thi đạt điểm 10/10.

Những kết quả trên là minh chứng cho sự hiệu quả của hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Huyện Ba Vì, và một lần nữa khẳng định triết lý giáo dục vì cộng đồng và xã hội của Nhà trường.

ULIS Media