Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ nhiệm kỳ 2022-2027 họp phiên thứ ba – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ nhiệm kỳ 2022-2027 họp phiên thứ ba

Ngày 10/7/2023, Phiên họp thứ ba của Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra với sự góp mặt của các thành viên trong Hội đồng. 

Tại cuộc họp, đồng chí Đoàn Văn Cường đã đại diện Đảng ủy ĐHQGHN công bố và trao Quyết định số 2358/QĐ-ĐHQGHN về việc công nhận Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó, TS. Đỗ Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã được công nhận giữ chức Chủ tịch Hội đồng Trường đầu tiên của ULIS.

TS. Đỗ Tuấn Minh là cựu sinh viên Khoa Anh Văn khóa 1988-1993 (K22) của Trường. Thầy đã giảng dạy và đảm nhiệm công tác quản lý tại nhiều vị trí trước khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Nhà trường vào năm 2016.

Chia sẻ tại phiên họp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường – TS. Đỗ Tuấn Minh đã bày tỏ mong muốn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN sẽ là một trong những đơn vị đào tạo tiên phong trong phát triển mô hình quản trị đại học có Hội đồng Trường. Bên cạnh đó, thầy cũng nhắn nhủ: “Hội đồng Trường chắc chắn sẽ phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm quan trọng, là đơn vị rà soát, điều chỉnh các công việc trong trường. Hội đồng phối hợp với Đảng ủy, Ban Giám hiệu để giúp hoạt động của Nhà trường được triển khai hiệu quả. Các thành viên trong Hội đồng cần cố gắng tận dụng tối đa ưu thế về công nghệ để công tác thông tin luôn được thông suốt. Sự có mặt và tham gia của các thầy cô chính là nguồn lực, sự động viên to lớn để triển khai các ý tưởng sau này của Nhà trường, đóng góp vào sự phát triển chung.”

Tiếp đó, phiên họp đã lần lượt tiến hành bỏ phiếu bầu Hiệu trưởng và bỏ phiếu biểu quyết để đồng chí Nguyễn Xuân Long thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trường.

TS. Nguyễn Xuân Long là Tiến sĩ ngành Tâm lý học, cựu sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Thầy đã đảm nhiệm công tác giảng dạy và quản lý tại Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Phòng Quản trị, Phòng TCCB, Công đoàn trường trước khi đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ từ tháng 6/2016.

Đồng chí Nguyễn Xuân Long cũng cho biết hiện có nhiều mô hình quản trị đại học khác nhau trên thế giới, với những ví dụ về thành công và thách thức riêng. Đồng chí tin tưởng rằng: “Trường ĐH Ngoại ngữ với nền tảng đã có sẽ không ngừng phát huy, kế thừa các thế hệ trước để phát triển bền vững. Với mô hình quản trị có Hội đồng trường, chắc chắn ULIS sẽ hoạt động hiệu quả và phát triển hơn nữa.”

Đồng thời, phiên họp cũng nhất trí bầu ra 5 thành viên tham gia vào Ban Kiểm soát Hội đồng Trường, bao gồm: cô Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm ĐMST; cô Lê Thị Khánh Trang – Trưởng phòng KHTC, thầy Nguyễn Đoàn Phượng – Trưởng phòng HCTH, thầy Nguyễn Văn Đoàn – Phó Trưởng phòng QT, cô Lê Thị Huyền Trang – Phó Giám đốc Trung tâm ĐBCL.

Sau đó, các thành viên đã thảo luận về việc triển khai hoạt động và chính thức khép lại phiên họp thứ ba của Hội đồng Trường.

Trong thời gian tới, Hội đồng Trường sẽ xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng và lấy ý kiến góp ý trước khi chính thức ban hành.

Theo Luật số: 34/2018/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ở “Điều 16. Hội đồng trường của trường đại học công lập” quy định như sau:1. Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

2. Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;

b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;

d) Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;

đ) Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

e) Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;

g) Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

h) Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường;

i) Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học;

k) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

3. Số lượng, cơ cấu và trách nhiệm của thành viên hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định như sau:

a) Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, bao gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học;

b) Thành viên trong trường đại học bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học.

Thành viên đương nhiên bao gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học.

Thành viên bầu bao gồm đại diện giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của hội đồng trường; đại diện viên chức và người lao động;

c) Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động;

d) Thành viên hội đồng trường thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; tham gia đầy đủ các phiên họp của hội đồng trường, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

4. Tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định như sau:

a) Chủ tịch hội đồng trường là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng trường theo quy định của pháp luật;

b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;

c) Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

5. Danh sách, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng trường đại học công lập được quy định như sau:

a) Danh sách chủ tịch và thành viên hội đồng trường được công khai trên trang thông tin điện tử của trường đại học sau khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận;

b) Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm. Hội đồng trường họp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và họp đột xuất theo đề nghị của chủ tịch hội đồng trường, của hiệu trưởng trường đại học hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên của hội đồng trường. Cuộc họp hội đồng trường là hợp lệ khi có trên 50% tổng số thành viên dự họp, trong đó có thành viên ngoài trường đại học;

c) Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết.

6. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về hội đồng trường bao gồm nội dung sau đây:

a) Tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ, việc ủy quyền của chủ tịch hội đồng trường;

b) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục bầu, miễn nhiệm phó chủ tịch (nếu có) và thư ký hội đồng trường;

c) Số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên; hình thức quyết định của hội đồng trường đối với từng loại hoạt động;

d) Thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; số lượng cán bộ quản lý cấp phó; thời gian tối đa giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chức danh quản lý khác của trường đại học;

đ) Ngân sách hoạt động, cơ quan thường trực, cơ quan kiểm soát và bộ máy giúp việc của hội đồng trường; thủ tục, thành phần của hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học;

e) Phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa hội đồng trường và hiệu trưởng trường đại học;

g) Nội dung khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng trường.

7. Hội đồng trường của trường đại học công lập thành viên trong đại học thực hiện quy định tại Điều này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

8. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.”.

ULIS Media