Hành trình kết nối yêu thương và lan tỏa giá trị của chương trình “Nhà giáo dục truyền cảm hứng” tại huyện đảo Bạch Long Vĩ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hành trình kết nối yêu thương và lan tỏa giá trị của chương trình “Nhà giáo dục truyền cảm hứng” tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Đảo Bạch Long Vĩ là một hòn đảo nằm ngay tại khu vực trung tâm của vịnh Bắc Bộ. Được thành lập chính thức từ năm 1992, với ban đầu chỉ gồm 56 hộ dân là những thanh niên xung phong và dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá tới đây lập nghiệp, Bạch Long Vĩ trở thành huyện đảo trực thuộc thành phố Hải Phòng. Nhìn từ trên cao hòn đảo này có hình dáng giống đuôi của một con rồng. Đó cũng chính là lý do mà người ta đặt cho nó cái tên là Bạch Long Vĩ.

Bạch Long Vĩ, đến nay, vẫn là một hòn đảo hoang sơ với rất nhiều những điều thú vị chưa được khám phá. Với vị trí địa lý quan trọng, là “phên dậu tiền tiêu” biên giới trên vùng biển vịnh Bắc Bộ của quốc gia. Bạch Long Vĩ không phải là nơi dễ đến, dễ đi. Hành trình từ đất liền ra đảo với 6 -7 giờ lênh đênh trên biển, đối mặt với những cơn say sóng dữ dội, đối mặt với những khắc nghiệt từ thời tiết, từ thiên nhiên vẫn luôn là thử thách mà không phải ai cũng dũng cảm đối mặt”.

Theo tiếng gọi của các thầy cô cùng chiến sĩ ở huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng sự kết nối của UBND Thành phố Hải phòng, giảng viên của Bộ môn và cộng đồng Giáo dục khai phóng, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình “Nhà giáo dục truyền cảm hứng” từ ngày 20 đến ngày 22/4/2023. Chương trình dường như đã hòa cùng một nhịp với trái tim nồng hậu và sự lạc quan yêu đời của chiến sĩ và Thầy cô giáo nơi đây.

Phó Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ, Nguyễn Công Diễn cùng đại diện Trường chính trị phát biểu khai mạc

Không thể kể hết những khó khăn thiếu thốn của một hòn đảo nhỏ xa xôi, bốn bên biển cả dập dềnh, thiên nhiên cỏ cây hoang sơ. Buổi chiều những cơn mưa sương muối bay lắc rắc khắp không gian, mờ mịt tầm mắt của con người. Những mùa khô cạn, thiếu nước thừa muối, những cơn say nắng, say sóng làm nhọc thân người, những lúc thiếu thốn môi trường giáo dục tốt cho trẻ em ở đảo xa…Tuy thế hòn đảo nhỏ vẫn là cánh tay dài vươn về phía biển, là chiếc đuôi con rồng rộng mở xòe ra che chở cho ghe tàu vào đậu bến bình yên. Hòn đảo nhỏ là nơi được sưởi ấm tình quân dân và tình người dân thiết tha nồng hậu. Hành trình lịch sử ấy dường như đang được tái tạo lại trong suốt quá trình tập huấn diễn ra, nơi các câu chuyện cá nhân được dịp chia sẻ về cuộc sống gắn bó với huyện đảo mười, hai mươi năm qua. Dường như không gian như ngưng lại trong chuyện kể trong hành trình đầu tiên nhận diện bản thân (My Identity) của mỗi thầy cô và chiến sĩ trẻ về thời điểm mình gắn cuộc đời cá nhân và lịch sử của hòn đảo.

Những người đồng nghiệp như chúng tôi mắt cũng đỏ hoe sau mỗi bức tranh, mỗi cuộc đời Thầy cô gắn liền với biển đảo. Từ lòng khao khát ươm mầm giá trị cho các thế hệ sau, mỗi Thầy cô giáo nơi đây đã từng bước xây những viên gạch của nền giáo dục nơi đảo xa. Và cho đến nay họ vẫn ấp ủ nhiều ước mơ phát triển nhiều chương trình, bài học ý nghĩa hơn nữa cho con em huyện đảo.

Cảm xúc của người lần đầu đặt chân lên hòn đảo nhỏ này thực hiện chương trình tập huấn là dường như được Thầy cô và các chiến sĩ trẻ dẫn dắt đi theo hành trình cuộc đời của họ đã gắn bó với Tổ quốc, huyện đảo nơi đây. Ở đây cũng có những lúc nhớ nhà, cha mẹ, bạn bè, người thân, có lúc thiếu thốn tình cảm, và nhiều điều kiện vật chất khác. Nhưng như thể đã có một sợi dây gắn bó bền chặt từ rất lâu. Bạch Long Vĩ đã trở thành một tình yêu lớn, một ngôi nhà chung. Nơi đó chính là tình yêu biển, yêu đảo, yêu Tổ quốc luôn cháy trong tim mỗi người.

Chương trình tập huấn cũng đã tạo ra một cơ hội rất lớn để Thầy cô và các chiến sĩ có không gian được ngồi với nhau chia sẻ, kể chuyện. Bằng tình yêu lớn, sự thấu hiểu đồng cảm của cuộc đời mỗi cá nhân, chúng tôi đã đến với hành trình thứ hai rất tự nhiên: Hành trình kết nối thấu cảm. Mỗi người là một bản sắc riêng nhưng hội tụ ở đây lắng nghe nhau, nhảy và hát cùng nhau trong hoạt động soi gương. Từ kết nối ánh mắt đến lắng nghe tiếng lòng đồng điệu, Thầy cô giáo những con người dạn dày bản lĩnh với nhiều thử thách hiểu thêm những bỡ ngỡ, bối rối của các chiến sĩ trẻ những năm đầu xa nhà đến với đảo. Từ sự tương tác, soi chiếu câu chuyện kể, các chiến sĩ nhìn thấy điểm xuất phát của mình trong hành trình đi qua của các nhà giáo nơi đây. Một tinh thần sẵn sàng sẻ chia và kết nối như người thân trong gia đình. Không còn khoảng cách và sự nghi ngại như lúc đầu, mọi người đã khám phá dần hành trình của mình để cùng nhau đồng hành đến giai đoạn thứ ba: Lãnh đạo truyền cảm hứng.

Hành trình đi cùng nhau đến giai đoạn thứ ba này cũng đầy thử thách và nhiều thú vị không kém. Nếu ở hai hành trình đầu đi vào các câu chuyện bên trong rất sâu lắng, kết nối tình cảm yêu thương nhiều cảm xúc thì hành trình này rất sôi nổi và đầy bản lĩnh. Các Thầy cô cùng chiến sĩ nơi đây đều mang trong mình tố chất của những con người khám phá và xây dựng từ những buổi đầu nơi đảo xa. Vì thế mỗi người đều là những nhà lãnh đạo không chức danh, không có chức vị cụ thể nào nhưng tinh thần luôn sẵn sàng có chiến lược và bắt tay hành động. Các hoạt động Zombie đầy thử thách nhưng họ sẵn sàng là những nhà chiến lược, bàn bạc đưa ra giải pháp, đổi mới sau nhiều lần thử các phương pháp khác nhau, nhiều lần thất bại. Chỉ là một mô hình hoạt động thu nhỏ nhưng sự tham gia của Thầy cô và chiến sĩ như tái tạo lại bức tranh quân dân trên đảo Bạch Long Vĩ đã từng bước, từng bước cùng nhau xây dựng và làm chủ cuộc đời mình, bảo vệ và phát triển hòn đảo như thế nào. Họ xứng đáng là những nhà lãnh đạo chính mình và truyền cảm hứng về tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc, về sự lạc quan tin tưởng cuộc sống nơi đây.

Thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học Bạch Long Vĩ gửi lời cảm ơn tới đoàn cán bộ của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN

Cơ hội đến với Bạch Long Vĩ, chương trình “Nhà giáo dục truyền cảm hứng” của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN không chỉ thực hiện sứ mệnh của trường đóng góp, xây dựng giá trị cho cộng đồng. Sự kết nối này cho chúng tôi nhìn thấy rõ hơn hành trình của chương trình đang từng bước được nối dài. Từ việc thực hiện tư tưởng giáo dục “Learning by doing” của John Dewey (1938) thể hiện qua cách tiếp cận “Học tập thông qua trải nghiệm” (Experiential learning), chương trình đã tạo ra sự gắn kết giữa kiến thức trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Và từ đây hoạt động mở rộng hơn, xây dựng môi trường gắn kết, phục vụ cộng đồng, lan tỏa các giá trị nhân văn cùng tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục.

ULIS – Bạch Long Vĩ 20-22/04/2023: Hành trình thở theo nhịp sóng

Theo tinh thần Thanh niên xung phong, Cộng đồng chuyên môn Giáo dục Khai Phóng – ULIS đã đưa chương trình Nhà Giáo Dục Truyền Cảm Hứng đến với các thầy cô giáo và các chiến sỹ trẻ của Bạch Long Vĩ – đảo tiền tiêu của Tổ Quốc.

Lần đầu tiên mình được trải nghiệm hành trình gần 7 tiếng đống hồ trên biển, vào một ngày biển động. Với chút lo lắng hồi hộp, mình háo hức bước chân vào Tân Cảng – Hải Phòng, xuống tàu Hoa Phượng Đỏ, lên boong tàu ngắm các loại cần cẩu và tàu bè xuôi ngược dọc bờ bến cảng và nôn nao dần khi tàu ra đến cửa biển. Rồi cứ thế hoà mình ‘thở theo từng nhịp sóng biển’ (lời chị Hạnh) và vỡ oà khi tàu cập bến.

“Bạch Long Vĩ đảo quê hương” đây rồi, mong ước từ khi còn nhỏ mỗi khi nghe câu hát:

“Bạch Long Vĩ đảo quê hương

Em đứng trên biển Đông, thôn xanh Phù Thủу Ϲhâu

Mênh mông sóng bạc đầu, gió rì rào năm tháng…”

cho đến lúc lớn khôn biết rằng đây là hòn đảo chiến lược cách đảo Hòn Dấu Hải Phòng 110km. Và mới chỉ Tết năm nay thôi, mình vừa gieo hạt mầm ước nguyện được đặt chân lên hòn đảo này, để khám phá tìm hiểu về lịch sử xã hội và được đồng hành với các thầy cô giáo – những người đồng nghiệp đáng quý. Bất ngờ là cơ hội đến ngay trong những ngày cuối tháng 4, khi mình và các đồng nghiệp GDKP nhận được sự kết nối Bạch Long Vĩ – ULIS từ chị Hạnh Dương Mỹ

Ở nơi chính giữa Vịnh Bắc Bộ này, mình được trải nghiệm gió nồm nam mang theo sương mù và hơi nước mặn mòi vị muối. Mới 4-5 giờ chiều mà không gian mù mịt, không nhìn rõ đường bờ biển. Dù mình cảm nhận thấy da mềm và ẩm hơn, nhưng mình biết hơi nước muối làm cho cuộc sống nơi đây khó khăn khắc nghiệt hơn nhiều so với trong đất liền. Cây cối rất khó phát triển, các thiết bị điện dễ bị hỏng hóc. Bên cạnh đó còn có bão và gió táp, và đảo này vốn là đảo Vô Thuỷ (không có nước). Chính vì vậy, mình xúc động vô cùng khi được đi trên con đường bờ kè ‘củ ấu’ ở hai bên cầu cảng, đi vào các khu dân cư và các công trình công cộng. Khả năng kiên cường và sức sáng tạo của con người thật phi thường, thích ứng với thiên nhiên và liên tục cải tạo điện – đường – trường – trạm – Internet (mặc dù sóng 3G của Vina và Mobi cứ quay quay suốt không đọ được với Viettel). Và càng xúc động khi được tham quan Lầu Phật hướng ra biển đông, chùa Bạch Long, ngọn hải đăng, ra đa, điện gió (2019), hồ nước ngọt (2021), khu bảo tồn bào ngư và chạm chân xuống biển, ngắm các viên đá, san hô đủ hình khối, màu sắc.

Nhưng tất cả không thể so sánh được với tình cảm nồng hậu và sự gắn bó tình quân – dân nơi đây. Từ những người lính, những thế hệ thanh niên xung phong, cho đến những em bé mầm non ngây thơ hồn nhiên, tất cả đều mang đến cho mình cảm giác ấm áp chân thành. Hành trình truyền cảm hứng như được đong đầy vì chính mình và các đồng nghiệp cũng được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện chân thực gần gũi về tình người, về sự kết nối và hơn thế nữa là về lòng tự hào và tình yêu thiên nhiên, Tổ quốc thiêng liêng

Bạch Long Vĩ – ULIS 20-22/04/2023: Hành trình kết nối yêu thương và lan tỏa giá trị

Buổi tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng diễn ra tại trường tiểu học Bạch Long Vĩ, ngôi trường xinh xắn nhìn ra biển, nằm giữa vòng cung nối 2 bờ kè ‘củ ấu’. Ngôi trường có tán cây tra được đưa về từ đảo Trường Sa.

Lần này khác hẳn mọi lần vì ngoài các thầy cô giáo còn có sự tham gia của các chiến sĩ Gen Z đến từ các đơn vị khác nhau. Có lẽ vì vậy mà phần chào hỏi Hello, it’s me kèm theo giới thiệu tên và làm các động tác, các chiến sĩ vẫn còn khá ngại ngùng và dường như thắc mắc đang phải làm gì ấy nhỉ

Thế rồi từ từ đến phần Vẽ tranh bản thân, mọi người chìm dần vào trong những nét vẽ/phác thảo hình ảnh bông hoa, ngôi nhà, mặt trời … và các câu chuyện về những giá trị quan trọng trong cuộc sống. Chúng mình đi vòng quanh ‘triển lãm, háo hức tò mò về các tác giả và các thông điệp của từng bức tranh. Chúng mình lặng đi khi nghe cô Mến chia sẻ về 20 năm gắn bó với đảo, cùng những người đồng nghiệp 30 năm và 17 năm, từ những ngày sơ khai, cho đến giờ trường lớp khang trang hơn, nhưng vẫn có những nỗi niềm về việc phát triển chuyên môn và giúp trò yêu trường yêu lớp. Với các chiến sĩ trẻ hành trang của họ cũng có những ước mơ về gia đình, có tiền, đi du lịch đó đây, có nỗi nhớ người yêu, những câu chuyện của họ cũng giống như các bạn bè Gen Z đồng trang lứa, cũng liên quan đến cày game, lướt mạng. Giữa những giá trị chung là khát vọng tự do, là hình ảnh hạt mưa rơi trong vòng tuần hoàn của nước, là chiều hoàng hôn tím mơ màng, là con tàu, là đàn cá, là biển cả bao la và lá cờ Tổ quốc.

Và từ đó cho đến các hoạt động cuối cùng, sự thấu cảm kết nối càng rõ nét hơn. Các chiến sĩ, các thầy cô giáo và nhóm chúng mình như hoà dần thành 1 khối để phối hợp ‘chiến lược nhịp nhàng’, nhiều tiếng cười vang hơn, thả lỏng hơn và giữ được nguồn năng lượng dồi dào cho aha moment và phút chia tay hẹn ngày ULIS – Bạch Long Vĩ gặp lại.

Đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng chiêm nghiệm này, những cảm xúc, không khí của buổi tập huấn vẫn còn sống động. Xen lẫn những dòng ký ức là những âm thanh, hình ảnh cuộc sống của người dân và các chiến sĩ trên đảo, là những nỗ lực của nhiều lực lượng và thế hệ để cuộc sống nơi đây có sự gắn bó khăng khít, có sự thấu cảm và hài hoà, thuận với thiên nhiên và hợp với quy luật phát triển của xã hội. Sáu bảy tiếng đi tàu trên biển không phải là dễ dàng với mọi người, nhưng so với 10-12 tiếng trước đây đã là một bước tiến. Điện gió, điện năng lượng mặt trời hay hồ trữ nước ngọt và các công trình dân sinh, cảnh quan hoa lá cây cỏ … tất cả sẽ dần dần thay đổi tốt đẹp hơn. Bạch Long Vĩ trong mình sẽ mãi là:

‘Bạch Long Vĩ đảo quê hương

Sóng vỗ bao tình thương

Gió mang đi ngàn phương

Quê hương ta gửi gắm

Quê hương của hải bào

Tiếng hát em ngân càng cao’

-Huy Du-

Tác giả: Nguyễn Thị Thơm Thơm, giảng viên Bộ môn GDKP, khoa Sư phạm tiếng Anh

Các hình ảnh khác:

Thu Dung