Giới thiệu môn học Toàn cầu hoá – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Giới thiệu môn học Toàn cầu hoá

“Toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó lên các xã hội đương đại” (sau đây gọi tắt là Toàn cầu hóa), mã số ENG3075, là học phần bắt buộc dành cho sinh viên định hướng Quốc tế học ngành Ngôn ngữ Anh, được giảng dạy lần đầu tiên vào học kì mùa thu năm học 2017-2018.

Mục tiêu và nội dung học phần

Toàn cầu hóa là hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang sinh sống. Học phần Toàn cầu hóa làm việc với những thứ quen thuộc trong đời sống hàng này như là sự tăng học phí, các thói quen tiêu dùng, những hoạt động thiện nguyện v.v. Học phần được xây dựng với kì vọng rằng qua các thực hành giáo dục, người học sẽ có những đầu mối để điều hướng những mạng lưới ngữ nghĩa và cảm quan trong đời sống liên quan tới toàn cầu hóa, để làm mới bản thân mình và phát triển những quan hệ nhân văn.

Vì toàn cầu hóa tạo ra những thứ ở xung quanh cũng như con người chúng ta, để người học có thể hiểu và cảm nhận nó một cách sâu sắc, sự quen thuộc toàn cầu hóa được xử lý bởi thế mạnh của trường đại học, đấy chính là các nội dung có tính học thuật. Là một môn chuyên ngành, học phần được xây dựng dựa trên một nền tảng học thuật vững chắc, với các khái niệm và chủ đề thảo luận lấy từ lĩnh vực nghiên cứu văn hóa.

Mỗi môn học trong định hướng Quốc tế học có một điểm đặc biệt; học phần Toàn cầu hóa đặc sắc vì được xây dựng trên tính chân thực và sự kiến tạo kết nối. Những nhiệm vụ học tập được thiết kế theo hướng tự bản thân chúng có giá trị ngay cả khi không tính đến các chức năng thể chế của nhà trường như kiểm tra, đánh giá, và xếp hạng. Các nhiệm vụ này tạo ra kết nối giữa sinh viên với bản thân mình, với các bạn cùng lớp, với giảng viên, với những người bên ngoài lớp học. Từ đó, các cá nhân được là chính bản thân mình, không bị cô lập và lớp học cũng không còn là một thực thể cô lập mà được đặt trực tiếp vào một mạng lưới rộng những quan hệ giữa người và người. Vì thế, bên cạnh các khái niêm học thuật, môn học chú trọng tới kinh nghiệm và các kĩ năng biểu đạt cá nhân, tri tạo truyền thông. Học phần nuôi dưỡng những năng lực sau:

  • Hiểu biết về các khái niệm và hiện tượng như văn minh, tiến bộ, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng, nhà nước phúc lợi xã hội, nhà nước tân tự do, quan hệ thị trường, kinh tế tri thức, đổi mới và sáng tạo, sự tài chính hóa nền kinh tế, vốn, quyền thống soát, diễn ngôn.
  • Các kĩ năng trí tuệ và giao tiếp như lịch sử hóa, khái niệm hóa, thuyết trình, dịch thuật, kể chuyện, làm thơ, vẽ, sản xuất audio podcast và Vlog.
  • Tinh thần sẵn sàng đương đầu với khó khăn, sự rộng rãi cởi mở, tính cẩn thận và chi tiết, khả năng đồng cảm, tinh thần cộng tác, khả năng thưởng thức đời sống.

Ví dụ 1: Một số nội dung của học phần qua ghi chép bằng hình của sinh viên

Các nhiệm vụ học tập biểu đạt cá nhân

Các nhiệm vụ biểu đạt cá nhân giúp sinh viên kết nối với bản thân mình, với bạn bè trong lớp và giảng viên để tạo thành một tập thể mà mọi người biết về nhau cũng như quan tâm đến nhau. Biểu đạt sáng tạo có thể bị coi là xa lạ và yêu cầu cao với sinh viên.  Tuy nhiên nếu không áp đặt một số chuẩn mực mang tính chuyên nghiệp, biểu đạt sáng tạo như làm thơ, vẽ tranh, kể chuyện lại giúp sinh viên kết nối với bản thân, tự do diễn đạt theo cách của mình. Vì việc áp đặt chuẩn mực chung cho những biểu đạt cá nhân không phù hợp, các nhiệm vụ học tập này được đánh giá dựa trên việc có thực hiện đúng các yêu cầu hay không nhiều hơn là sự phân định cao thấp của hàm lượng sáng tạo. Xét về mặt kiểm tra đánh giá, các nhiệm vụ này chỉ chiếm % khá nhỏ trong tổng thể; tuy vậy, sinh viên thường làm bài với nhiều tâm huyết.

Nhật ký lớp (Học kì mùa thu 2017)

  • Nhiệm vụ: Sinh viên ghi lại những cảm nhận trong quá trình khóa học diễn ra theo hình thức tự do và viết một bài thơ về bản thân mình theo mô hình “Where I am from.”
  • Mục đích: Chia sẻ các vấn đề trong khóa học, suy tư về sự tạo thành bản thân trong những hoàn cảnh riêng cũng như bối cảnh toàn cầu hóa, quan tâm tới bạn bè cùng lớp, tự do biểu đạt, phát triển năng lực thẩm mỹ.

Mô tả không gian cá nhân (Học kì mùa thu 2018)

  • Nhiệm vụ: Viết một bài luận khoảng năm 500 chữ để đáp lại câu hỏi “Bạn tạo ra không gian riêng của mình như thế nào?” Chia sẻ bài viết trên Facebook, dùng hashtag #ENG3075. Sinh viên cũng có thể chọn viết một bài luận ảnh/tranh vẽ với 05 bức khác nhau do mình tự chụp/vẽ. Cần tạo ra một album cho các bức ảnh/vẽ đó trên Facebook, viết một đoạn giới thiệu ngắn cho album (150-200 từ) và đặt tên cho mỗi bức ảnh/vẽ.
  • Mục đích: Suy tư về việc kiến tạo không gian riêng cho bản thân, tự do biểu đạt, trao đổi và kết nối với những người quan tâm trên mạng xã hội.

Ví dụ 2: Không gian riêng của Nguyễn Tú Anh, sinh viên lớp 16E32 https://www.facebook.com/tu.anh.126/posts/2311002032452724

Phàn nàn một cách sáng tạo (Học kì mùa thu 2018)

  • Nhiệm vụ: Suy nghĩ về cách toàn cầu hóa ảnh hưởng lên cuộc sống cá nhân của bạn, nghĩ về một điều bạn muốn phàn nàn, thực hiện hành động phàn nàn một cách độc đáo, sáng tạo. Chia sẻ bài làm trên Facebook và sử dụng hashtag #ENG3075, #theartassignment.
  • Mục đích: Suy tư về ảnh hưởng của toàn cầu hóa lên cuộc sống cá nhân, phản biện xã hội, biểu đạt sáng tạo, trao đổi và kết nối với những người quan tâm trên mạng xã hội.

Ví dụ 3: Vlog “The cover is not everything” của Phạm Huy Hùng, sinh viên lớp 16E29

Phản hồi sáng tạo với tác phẩm nghệ thuật (Học kì mùa thu 2019)

  • Nhiệm vụ: Chọn và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không có tính thương mại, phản hồi tác phẩm đó bằng một biểu đạt sáng tạo (viết thơ, viết truyện, vẽ tranh, sáng tác bài hát và biểu diễn), chia sẻ phản hồi đó với bạn bè trong lớp.
  • Mục đích: Ý thức về sự tiếp cận các sản phẩm văn hóa của bản thân, rèn luyện khả năng cảm nhận tác phẩm nghệ thuật và biểu đạt sáng tạo.

Ví dụ 4: Tranh vẽ phản hồi phim Moonlight (2016) của Lò Huyền Trang, sinh viên lớp 17E20



Các nhiệm vụ sáng tạo truyền thông: Sản xuất Audio podcast và Vlog

So với các nhiệm vụ biểu đạt cá nhân, những nhiệm vụ này có tính xã hội hơn (nội dung của podcast và vlog là về các vấn đề xã hội), yêu cầu chuyển dịch giữa tiếng Anh và tiếng Việt, khả năng làm việc nhóm, sử dụng các thiết bị thu âm và hình, các phần mềm biên tập âm thanh và hình ảnh. Các bài tập này đòi hỏi nhiều công sức của giảng viên cũng như sinh viên, từ lúc lên ý tưởng, qua các khâu biên tập và chỉnh sửa. Có như vậy thì sản phẩm của sinh viên mới có tính cống hiến, có được khán giả thật sự. Bài làm của sinh viên được chọn đăng lên trang Facebook của bộ môn với hơn 2.500 người theo dõi. Các nhiệm vụ dưới đây được sử dụng ở những năm học khác nhau.

Vlog giáo dục về các hiện tượng của toàn cầu hóa (Học kì mùa thu 2017)

  • Nhiệm vụ: Sinh viên chuẩn bị bài thuyết trình theo nhóm về một thuật ngữ chính trong nội dung học tập của tuần sau đó phát triển bài thuyết trình của mình thành một video giải thích thuật ngữ cho người Việt.
  • Mục đích: Chuẩn bị bài, nắm được các khái niệm quan trọng trong khóa học, tham gia vào việc tạo nghĩa, tạo sự hiểu biết về toàn cầu hóa trong bối cảnh xã hội Việt Nam, thực hành các kỹ năng như lịch sử hóa, khái niệm hóa, dịch Anh-Việt, sản xuất Vlog.

Ví dụ 5: Vlog về Chiến tranh lạnh của một nhóm sinh viên lớp 15E11

Audio podcast kể các câu chuyện về toàn cầu hóa (Học kì mùa thu 2017 và 2018)

  • Nhiệm vụ: Sinh viên nghe các câu chuyện về toàn cầu hóa (chủ yếu trên 02 kênh radio là NPR Planet Money & 99% Invisible), chọn một câu chuyện để sản xuất audio podcast cho thính giả là người Việt.
  • Mục đích: Nắm được các khái niệm quan trọng trong khóa học, hiểu biết về các sự kiện trên thế giới, tham gia vào việc tạo nghĩa, tạo sự hiểu biết về toàn cầu hóa trong bối cảnh xã hội Việt Nam, thực hành các kỹ năng như lịch sử hóa, khái niệm hóa, dịch Anh-Việt, kể chuyện, sản xuất audio podcast.

Vlog về âm nhạc truyền thống Việt Nam (Học kì mùa thu 2019)

  • Nhiệm vụ: Sinh viên tìm hiểu về một loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam (hát then, quan họ, hát xoan, ví giặm, đờn ca tài tử, tuồng, chèo, cải lương) và làm Vlog giới thiệu loại hình âm nhạc này bằng tiếng Anh.
  • Mục đích: Hiểu và cảm nhận đời sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, thực hành các kỹ năng như dịch Việt Anh, kể chuyện và sản xuất Vlog, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ví dụ 7: Vlog giới thiệu Ca trù của một nhóm sinh viên lớp 17E19

Phùng Hà Thanh

Tổ Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh