Cơ hội lớn từ chương trình hỗ trợ nghiên cứu của Quỹ Sumitomo – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cơ hội lớn từ chương trình hỗ trợ nghiên cứu của Quỹ Sumitomo

Các thầy cô và cán bộ quan tâm ở các đơn vị trong trường đều có thể đăng ký nhận hỗ trợ từ Quỹ Sumitomo. Số tiền tài trợ cho mỗi dự án của Quỹ là từ 0.3 đến 1,1 triệu Yên. 

Ngày 27/06/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm giới thiệu về chương trình hỗ trợ nghiên cứu của Quỹ Sumitomo (Nhật Bản) năm 2022.

Tham dự tọa đàm có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Trưởng phòng HTPT Lưu Mạnh Kiên, Ban Chủ nhiệm Khoa NN&VH Nhật Bản và các giảng viên quan tâm.

Nối tiếp thành công của những năm trước, tọa đàm năm nay được thực hiện với mục đích nâng cao sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm xin tài trợ từ Quỹ Sumitomo cũng như công tác xin tài trợ nói chung.

Quỹ Sumitomo (The Sumitomo Foundation) là một tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận được thành lập ngày 25/9/1991 bởi 20 công ty thuộc tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản. Mục tiêu của Quỹ là đóng góp vào việc nâng cao đời sống, sự phát triển của xã hội bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện nay, các khoản hỗ trợ của Quỹ được dành cho các dự án nghiên cứu về tất cả các lĩnh vực bao gồm cả khoa học xã hội và khoa học nhân văn liên quan đến Nhật Bản được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Số tiền tài trợ cho mỗi dự án là từ 0.3 đến 1,1 triệu Yên. Trong những năm vừa qua, mỗi năm Quỹ Sumitomo tài trợ cho khoảng trên 80 dự án từ các nước châu Á.

Đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Quỹ Sumitomo có các mức hỗ trợ đa dạng cho các sản phẩm khoa học khác nhau, từ bài báo, chương sách, chuyên khảo tới các đề tài nghiên cứu khả thi trong thời hạn 01 năm. Nghiên cứu và các sản phẩm có thể viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Điều kiện quan trọng nhất để được Quỹ hỗ trợ là nghiên cứu và các sản phẩm phải liên quan đến Nhật Bản. Các tiêu chí cốt yếu khác cần lưu ý là tính khả thi, ý nghĩa/giá trị và hợp lý về các khoản chi dự kiến.

Các thầy cô và cán bộ quan tâm ở các đơn vị khác nhau trong trường đều có thể đăng ký. Khi tiến hành, cần tham khảo thêm về cách thức, hồ sơ đăng ký và đặc biệt là các chủ đề/đề tài được hỗ trợ những năm trước để viết đăng ký đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục nhằm giành được hỗ trợ của Quỹ Sumitomo. Lãnh đạo Trường sẵn sàng viết thư giới thiệu cho các đăng ký và hỗ trợ hết mức để ULIS khai thác thật hiệu quả nguồn kinh phí Sumitomo.

Trong buổi tọa đàm, đại diện Quỹ Sumitomo – Ông Kenichi Hamaya đã giới thiệu cụ thể thủ tục, các bước xin tài trợ từ nguồn vốn giá trị dành cho các nghiên cứu khoa học này. Đồng thời, ông cũng đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về tình hình triển khai của Quỹ tại Việt Nam và Châu Á và trả lời nhiều thắc mắc từ các thầy cô tham dự.

Ông Kenichi Hamaya giới thiệu về chương trình tài trợ của Quỹ Sumitomo

Để biết thêm thông tin về các dự án nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ cũng như cách thức và quy định nộp hồ sơ, xin tham khảo tại website chính thức của Quỹ Sumitomo:

Tiếng Anh: http://www.sumitomo.or.jp/e/index.htm

Tiếng Nhật: http://www.sumitomo.or.jp/index.htm

Hương Huyền – ULIS Media