Chi đoàn giáo viên Chuyên Ngoại ngữ sôi nổi với tọa đàm “Ứng xử sư phạm của giáo viên trong thời đại mới”
Là một ngôi trường Năng động – Thân thiện – Chất lượng cao, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) có tới gần nửa là giáo viên trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề (dưới 35 tuổi). Ban Giám hiệu cũng như các tổ chuyên môn trong Trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên trẻ. Nhằm giúp cho các giáo viên trẻ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ sư phạm giữa các thế hệ nhà giáo trong trường, vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, Chi đoàn giáo viên Nhà trường đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Văn hóa ứng xử sư phạm trong thời đại công nghệ”.
Các đại biểu khách mời tại buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có các thầy cô trong Ban Giám hiệu: PGS.TS. Nguyễn Thành Văn (Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường), ThS. Trần Thị Thu Nga, TS. Nguyễn Phú Chiến, TS. Lại Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), cùng toàn thể các giáo viên trẻ trong chi đoàn giáo viên. Đặc biệt, tại buổi tọa đàm này, chi đoàn giáo viên có dịp được nghe các đại biểu khách mời là các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong trường : cô Trịnh Mai Hoa (Tổ Tiếng Anh), cô Đào Thị Lê Na (Tổ Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn), cô Vũ Ánh Tuyết (Tổ Xã hội) và cô Nguyễn Thị Thùy Linh (Tổ Tự nhiên). Tại buổi tọa đàm, các cán bộ trẻ trong Chi đoàn giáo viên đã được các thầy cô giàu kinh nghiệm chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm truyền đạt về văn hóa ứng xử sư phạm của giáo viên trong nhiều mối quan hệ đa dạng thông qua các tình huống sư phạm cụ thể.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Văn hoá ứng xử sư phạm trong thời đại công nghệ”
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Vũ Ánh Tuyết, giáo viên bộ môn Lịch sử, người có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm chia sẻ những kinh nghiệm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp với học sinh. Cô Vũ Ánh Tuyết nhấn mạnh với mỗi tình huống, giáo viên cần xử lý tế nhị, khôn khéo, đồng thời phải tìm biện pháp trấn an tinh thần học sinh. Mỗi giáo viên cần trang bị cho mình nhiều phương pháp sư phạm khác nhau để áp dụng với từng khối lớp, từng bộ môn, từng đối tượng học sinh, và đặc biệt, phải tự làm mới bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục.
TS. Vũ Ánh Tuyết – Giáo viên môn Lịch sử
Trong khi đó, cô Lại Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng) lại bổ sung thêm ý kiến, khi nhận được phản ánh của học sinh, giáo viên cần bình tĩnh để phân loại ý kiến, xác định đối tượng phản ánh để có những phản hồi phù hợp, không nên mất bình tĩnh trước những tình huống mới, mà chính thông qua những tình huống đó, giáo viên mới bộc lộ được kỹ năng sư phạm và bản lĩnh nghề giáo của mình.
Cô Lại Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ
Trong cách ứng xử với phụ huynh, cô Trịnh Mai Hoa (giáo viên môn tiếng Anh) đã có những chia sẻ nhiệt thành và tâm huyết. Cô cho rằng, trong môi trường giáo dục, mọi thứ đều cần bắt đầu từ học sinh, với phụ huynh học sinh cũng vậy. Giáo viên cần đi từ học sinh tới phụ huynh học sinh để nắm bắt được tâm lý, nhu cầu, xác định mục đích hướng đến. Các giáo viên trẻ trong chi đoàn là những người có lợi thế về sức khỏe, sự cập nhật các tri thức mới, … cần có thêm nhiều sự tương tác với các tình huống sư phạm để có thêm sự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Cô nhắc lại lời thầy giáo đã từng nói với mình: “Người thầy giáo tồi là người không nhớ tuổi thơ của mình”. Chính vì thế, mỗi giáo viên cần đặt mình vào vị thế của học sinh để chia sẻ, và đồng hành cùng học sinh trong mỗi chặng đường tiếp nhận tri thức. Câu nói này đã đánh thức tuổi thơ của mỗi giáo viên và làm mỗi người thêm tin yêu vào nghề nghiệp tiếp tục vun trồng những mầm xanh tương lai của đất nước.
Thầy Nguyễn Phú Chiến tâm đắc với những phát biểu của cô Mai Hoa
Trong bối cảnh của kỷ nguyên công nghệ, việc giao tiếp trong thế giới mạng cũng là một điều đáng chú ý. Với những băn khoăn của giáo viên trẻ khi ứng phó với các tình huống trên mạng xã hội facebook, cô Đào Thị Lê Na (giáo viên tiếng Pháp) đã có những trao đổi thẳng thắn và đầy khoa học. Cô cho rằng, hiện nay học sinh không phân biệt được giữa cuộc sống ảo và cuộc sống thực, nên đôi khi có những phát ngôn không kiểm soát trên facebook, trong đó có những phát ngôn tiêu cực, không chính xác về giáo viên. Khi gặp tình huống này, mỗi giáo viên cần phải bình tĩnh, khoa học, sáng suốt và thẳng thắn với cả đương sự và tác giả. Đồng quan điểm với cô Phạm Thị Thanh Tú (giáo viên tiếng Đức), cô cho rằng, bản thân giáo viên cũng cần thiết lập chế độ đăng của bản thân, trao đổi với các admin của trang mạng với những trang có đăng thông tin sai lệch hoặc trao đổi trực tiếp với người đăng bài. TS. Lại Thị Phương Thảo cũng đóng góp ý kiến khi cho rằng, mỗi người không nên bàng quan với những tin đồn, mà cần có cách đối diện với những tin đồn, đặc biệt là tin đồn trên mạng xã hội.
Cô Đào Thị Lê Na (GV môn tiếng Pháp) chia sẻ về cách ứng xử trên mạng xã hội
Chia sẻ về phong thái, tác phong sư phạm của giáo viên, cô Nguyễn Thị Thùy Linh (giáo viên môn Sinh học) khẳng định, giáo viên cần có ngôn ngữ chuẩn mực trong cả ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, và ngôn ngữ hình thể. Những lời nói thông minh, hiền hòa của giáo viên sẽ gieo trồng niềm tin và ngược lại nếu dùng từ ngữ miệt thị, cay độc sẽ hủy diệt niềm tin lẫn đam mê học hành của học sinh, nụ cười sư phạm rất cần thiết đối với nghề giáo. Việc sử dụng lời nói thông minh và ngôn ngữ không lời biểu hiện qua nét mặt, ánh mắt, điệu bộ… cũng gây cảm tình, tạo sự hứng thú trong học tập.
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh – GV môn Sinh học phát biểu tại tọa đàm
Các GV trẻ hăng say trao đổi tại tọa đàm
Có thể nói, thầy cô giáo không chỉ gieo mầm tri thức, giúp học trò vươn tới những ước mơ, mà còn là tấm gương sáng để học trò noi theo, hành xử đúng. Ứng xử không những chỉ là văn hoá mà còn thể hiện đạo đức, giá trị và tầm hiểu biết của mỗi con người trong cộng đồng xã hội. Đối với nghề giáo nói chung, và đối với giáo viên THPT nói riêng, cách ứng xử thế nào cho phù hợp với học sinh, với phụ huynh học sinh và cách ứng xử trên mạng xã hội trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 không chỉ là văn hóa ứng xử giữa người với người đơn thuần. Điều đó còn thể hiện phẩm cách, nhân cách nhà giáo, cũng qua đó mà nhà giáo tạo nên “bộ sưu tập” đồ sộ những tình huống sư phạm để xử lý làm phong phú kinh nghiệm của bản thân trong quá trình thực hiện nghề nghiệp.
Buổi tọa đàm đã góp phần gắn kết các thế hệ nhà giáo tại CNN, đồng thời đem đến những kinh nghiệm thú vị và bổ ích đối với tất cả các cán bộ trẻ trong Chi đoàn giáo viên THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Nhân dịp Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, FLSS Media kính chúc các thầy cô có nhiều sức khỏe, đam mê, và tình yêu với trẻ để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nói riêng và Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói chung.
Các thầy cô tham dự tọa đàm chụp ảnh kỷ niệm
Bài viết: Bích Đào. Ảnh: Thu Hường/FLSS Media