Cán bộ giáo viên phổ thông trường Đại học Ngoại ngữ hào hứng tham gia chương trình tập huấn về phát triển giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh (Social Emotional Learning)
Ngày 06/6/2023, tại Homie A2 Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Chương trình tập huấn giáo viên hai trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và THCS Ngoại ngữ về phát triển Giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh. Chương trình giúp giáo viên phổ thông hiểu rõ hơn từng đối tượng học sinh để thiết kế các hoạt động giảng dạy phù hợp, đồng thời tạo cơ hội cho các giáo viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng năng lực bản thân.
Thầy/cô chuẩn bị cho buổi tập huấn
Tham dự chương trình tập huấn, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có sự tham gia của PGS.TS. Hà Lê Kim Anh (Phó Hiệu trưởng trường ĐHNN); Ban Giám hiệu và các cán bộ, giáo viên hai trường phổ thông trực thuộc trường ĐHNN – ĐHQGHN.
Diễn giả đồng thời là điều phối viên của buổi tập huấn gồm các chuyên gia: cô Đặng Minh Thư (Lạc Thư) – Giám đốc điều hành Life Art Vietnam, cùng cô Nhật Ánh – Giảng viên Bộ môn Tâm Lý học và cô Nguyễn Linh Yên – Giảng viên khoa Ngôn ngữ và văn hoá các nước nói tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Các thầy cô tham gia tập huấn
Trong phát biểu khai mạc, PGS.TS Hà Lê Kim Anh đã nhấn mạnh đến mục đích của chương trình là để hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hiểu rõ hơn đối tượng học sinh và có năng lực thiết kế hoạt động giảng dạy nhằm phát triển Giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh, đồng thời tạo cơ hội cho các giáo viên gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó xây dựng một cộng đồng giáo viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và được phát triển các phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo tiền đề cho việc xây dựng một trường học hạnh phúc.
PGS.TS. Hà Lê Kim Anh phát biểu khai mạc
Giáo dục cảm xúc xã hội là một quá trình thông qua đó con người trở nên ý thức hơn về cảm xúc của mình, học cách kết nối hài hoà hơn với người khác, phát triển khả năng đưa ra quyết định có trách nhiệm và giải quyết những thách thức có hiệu quả. Trên cơ sở giới thiệu về Khung năng lực cảm xúc xã hội gồm 5 lĩnh vực kỹ năng: nhận thức bản thân, làm chủ bản thân, nhận thức xã hội, xây dựng mối qua hệ và ra quyết định có trách nhiệm, đội ngũ điều hành đã tổ chức và hướng dẫn các thầy cô trong lớp học thực hiện những hoạt động cụ thể nhằm nhận diện các năng lực cảm xúc của bản thân, từ đó rút ra những bài học để ứng dụng vào thực tiễn nói chung và thực tiễn giảng dạy nói riêng.
Khung năng lực cảm xúc
Một số hoạt động tiêu biểu trong chương trình tập huấn như: thợ săn và công chúa – hoạt động khởi động để gắn kết các thành viên mới tham gia làm quen với nhau; làm gương hay soi gương, – hoạt động nhằm mục đích rèn luyện sự tập trung của mỗi cá nhân; nhảy múa trong suốt – khiến cho cơ thể thả lỏng, người thực hiện quan sát và bắt đầu kết nối hiệu quả với bản thân mình; Kịch ứng tác với nguyên tắc “yes, and” (vâng, và) nhằm kết nối mọi người và hỗ trợ về mặt tâm lý… đã thu hút sự chú ý và khơi dậy sự hào hứng của tất cả các thầy cô.
Kết thúc chương trình, khi ban tổ chức triển khai khảo sát người học về đánh giá mức độ thiết thực của nội dung tập huấn thì 100% thầy cô tham gia đều đánh giá chương trình ở mức độ thiết thực trở lên, 100% cũng đánh giá các hoạt động tập huấn trong chương trình ở mức khá và cực kỳ đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nội dung. Tất cả đều mong muốn Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình tập huấn như thế này nữa để đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm có thêm kiến thức và hiểu biết để giải quyết và giáo dục học sinh.
Khảo sát Chương trình tập huấn Giáo dục trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc đề cập đến khả năng nhận thức, kiểm soát và đồng thời đánh giá cảm xúc theo hướng tích cực. Vì vậy, việc giáo dục trí tuệ cảm xúc cho giáo viên trung học là một bước đệm quan trọng để quá trình giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận, phát triển năng lực và cảm xúc người học, giúp giáo viên trở thành những người thấu cảm học trò hơn. Chương trình tập huấn thực sự mang lại những tri thức và kỹ năng thiết thực để định hướng công tác giáo dục và tạo cơ hội cho các giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.