Bốn năm theo đuổi một đề tài
Bằng sự cố gắng và quyết tâm không ngừng nghỉ, cô Hoàng Thị Yến (Khoa NN&VH Hàn Quốc) cùng 3 thành viên trong nhóm nghiên cứu (TS. Hoàng Thị Yến, NCS. Nguyễn Thùy Dương, TS. Đỗ Phương Thùy, NCS. Hoàng Thị Hải Anh) đã hoàn thành đề tài Nghiên cứu cấp ĐHQGHN, mã số QG.18.21 “Đặc điểm ngôn ngữ – văn hóa của các tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp (có đối chiếu với tiếng Việt)”. Đề tài đã đạt kết quả xuất sắc trong đợt nghiệm thu cấp ĐHQGHN (Tháng 1 năm 2022).
Lý do lựa chọn đề tài
Là một người “có con đường học hành khá vòng vèo và trắc trở”, cô Yến luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, bù đắp những lỗ hổng còn thiếu của bản thân. “Tôi đọc lại những cuốn chuyên khảo của các chuyên gia hàng đầu về Việt ngữ, trước hết là những di sản của cha tôi là GS. Hoàng Văn Hành về thành ngữ, tục ngữ, từ vựng… Những bài viết về vấn đề ABC của Việt ngữ (theo quan điểm của GS XY) là kết quả của giai đoạn này.”.
Sau một thời gian tìm hiểu, cô Yến nhận thấy rằng “tục ngữ là kho tàng quý báu của một dân tộc, qua đó có thể thấy được cả đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa, cả dấu ấn thời đại và mảng đối chiếu tục ngữ Hàn Việt hiện tồn tại nhiều khoảng trống.”. Vì vậy, cô đã cùng 3 cộng sự của mình (NCS. Nguyễn Thùy Dương, TS. Đỗ Phương Thùy, NCS. Hoàng Thị Hải Anh) quyết định thực hiện nghiên cứu đối chiếu về tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Cô Hoàng Thị Yến cũng chính là chủ nhiệm của đề tài.
Nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên (TS.Hoàng Thị Yến, NCS. Nguyễn Thùy Dương, TS. Đỗ Phương Thùy, NCS. Hoàng Thị Hải Anh)
Quá trình thực hiện
Với mục đích phác họa bức tranh toàn cảnh về tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp nhằm góp phần lấp dần chỗ trống trong nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ và văn hóa Hàn – Việt, cô Yến cùng nhóm nghiên cứu đã tiếp cận vấn đề từ góc độ ngôn ngữ – văn hóa, kết hợp với thành tựu của ngôn ngữ học nhân chủng và ngôn ngữ học tri nhận và thu được những kết quả nghiên cứu khả quan, về cả góc độ ngôn ngữ học nhân chủng và ngôn ngữ học tri nhận, đặc trưng văn hóa dân tộc sâu sắc trong tục ngữ và cả lịch sử con người.
Trong thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã gặp ít nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên mà nhóm gặp phải là vấn đề thời gian nghiên cứu. Các thành viên đều là các cán bộ giảng dạy kiêm quản lý (Phó Trưởng khoa và Trưởng Bộ môn), song song phải tham gia nhiều chương trình, dự án khác của đơn vị trực thuộc nên gặp khó khăn trong việc dành thời gian cho nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài nhóm. Bên cạnh đó là sự hạn chế về năng lực viết báo cáo nghiên cứu bằng tiếng Anh, thiếu kinh nghiệm thực hiện đề tài cấp ĐHQGHN cũng như hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG. Cô Yến cũng tâm sự thêm: “Mặc dù trước đó, bản thân tôi đã có những trải nghiệm khi thực hiện đề tài cấp cơ sở và cấp ĐHQGHN do trường quản lý nhưng vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện đề tài ở bậc cao hơn.”.
Nhưng nhờ sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên cùng tinh thần khoa học và nhiệt huyết nghiên cứu, nhóm đã vạch ra được nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu chính của đề tài và triển khai nghiên cứu thuận lợi. Trong quá trình thực hiện, từ giai đoạn ý tưởng đến khi xét duyệt và thực hiện đề tài, nhóm luôn nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện từ các ý kiến góp ý của những chuyên gia đầu ngành và lĩnh vực. Nhóm nghiên cứu đã học hỏi được nhiều kiến thức và kĩ năng cần thiết trong các lĩnh vực liên quan, cũng như nhận được sự quan tâm sâu sắc của Nhà trường, Ban Giám hiệu và Phòng Khoa học Công nghệ, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc. Việc tiến hành điều tra thực tiễn dạy – học tục ngữ tiếng Hàn cũng được các đồng nghiệp và sinh viên nhiệt tình ủng hộ, tham gia.
Cô Yến chia sẻ: “Mặc dù đã xác định tư tưởng là nghiên cứu đến đâu viết báo cáo công bố kết quả đến đó, mạnh dạn gửi bài công bố để học hỏi và “tranh thủ chất xám” của các nhà khoa học đầu ngành nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi có những cảm giác buồn bã hoặc mất tự tin khi nhận được những đánh giá thấp (do bài viết còn nhiều sạn hoặc do người phản biện khác quan điểm), thậm chí là quyết định từ chối đăng của Ban biên tập tạp chí X. Cũng có trường hợp, Ban biên tập của tạp chí Y yêu cầu xác định lại mức độ trùng lặp của nội dung của hai bài gửi đăng (một gửi tạp chí từ trước, một gửi Hội thảo sau đó đăng số chuyên san của tạp chí). Hay theo như lời kể của GS.TS Mai Ngọc Chừ – Chủ tịch Hội đồng đã chia sẻ trong buổi nghiệm thu đề tài, là người đã từng phản biện một vài bài viết của nhóm gửi đăng trên vài tạp chí, khi nhận bài mới gửi Tạp chí Hàn Quốc, ban đầu GS cũng có suy nghĩ có thể nội dung sẽ trùng lặp với những bài công bố trước đó của nhóm nên khá thận trọng, chỉ sau khi biên tập thẩm định mới xác định đó là một kết quả nghiên cứu mới, khai thác vấn đề ở góc độ khác… Những kỉ niệm như vậy thực sự là những trải nghiệm khó quên của nhóm trong thời gian qua.”.
Buổi nghiệm thu đề tài
Kết quả đạt được
Trọn vẹn 4 năm từ khi đề xuất ý tưởng nghiên cứu (2018) đến khi hoàn thành và nghiệm thu đề tài (2021) là quãng thời gian khá dài. Đối với cô Yến, đó là quãng thời gian không thể nào quên: “…Bản thân tôi đã trưởng thành hơn một chút, không còn những cảm xúc “lên bổng xuống trầm” như trước mà điềm tĩnh hơn, dù gặp khó khăn nhưng vẫn có thể bình tĩnh tìm cách giải quyết, khắc phục…”.
Cô cũng chia sẻ thêm “Việc tự học của bản thân qua đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến chuyên gia là yếu tố cơ bản, giúp chúng ta trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân là một trong những lý do đem lại sự thành công của Đề tài.”. Qua đó, cô Yến cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học ở chuyên ngành khác (TS. Lâm Thị Hòa Bình-Khoa Anh ĐHNN…), quốc gia khác (GS. Bae Yang Soo của ĐH Busan – Hàn Quốc…) đã góp một phần không nhỏ trong quá trình nghiên cứu.
“Tôi cũng rất vui và thấy may mắn vì tất cả thành viên nhóm chúng tôi có thể cùng nhau đi đến cuối chặng đường dù mỗi người có một vị trí công tác cũng như vai trò trong nhóm là không như nhau.”
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả nhóm, đề tài “Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ – văn hóa của các tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp (có đối chiếu với tiếng Việt)” đã đạt loại Xuất sắc (9,4/10 điểm) trong đợt nghiệm thu Đề tài cấp ĐHQGHN ngày 14/1/2022. Bên cạnh đó, các tạp chí chuyên ngành trong nước cũng đã xuất bản công trình liên quan đến đề tài của nhóm gồm có: Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài và Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn của ĐHQGHN, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí NN & ĐS, Tạp chí Từ điển và Bách khoa thư, Tạp chí KHXH Miền Trung, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Khoa học ngoại ngữ của ĐH Hà Nội, Tạp chí Khoa học của ĐH Mở, Tạp chí Hàn Quốc. Hai tạp chí của Hàn Quốc là Nghiên cứu Đông Nam Á và Nghiên cứu Việt Nam học.
“Tôi cảm thấy mình khá may mắn vì tốt nghiệp đại học ở USSH nhưng lại có cơ hội làm việc trong môi trường năng động, đầy sức trẻ của ULIS thuộc ngôi nhà chung VNU. Nhìn lại 25 năm gắn bó với ULIS, tôi thấy mình chưa đóng góp được gì nhiều nhưng nhờ có ULIS với triết lý giáo dục Cùng nhau kiến tạo cơ hội, tôi có thể trưởng thành như ngày hôm nay. Và thông qua các bài viết được công bố qua các kênh xuất bản trong và ngoài nước, hy vọng nhóm thành viên đề tài có thể góp một phần nhỏ bé trong việc nâng cao vị thế của ULIS – VNU ở lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Hàn – Việt. Cuối cùng, xin cảm ơn ULIS – VNU đã cho chúng tôi cơ hội có được những trải nghiệm quý báu, phấn đấu vượt lên chính mình và trưởng thành.”, Cô Yến chia sẻ.
Vân Anh – Lệ Thủy/ULIS Media