Bồi dưỡng quản trị đại học tại Nhật Bản cho cán bộ ULIS năm 2017
Từ ngày 21-29/11/2017, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chuyến bồi dưỡng về quản trị đại học cho cán bộ trường tại Nhật Bản. Đoàn gồm có 16 thành viên và do Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thuỷ làm Trưởng đoàn.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long tiễn đoàn và chỉ đạo chuyến đi
Trong chuyến bồi dưỡng, đoàn đã đến thăm ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản. Ông Phạm Quang Hưng – Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục đã giới thiệu với đoàn về các hoạt động của ĐSQ, tình hình bà con người Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt giới thiệu hệ thống giáo dục Nhật Bản và các trường ĐH có tiếng. TS. Bùi Đình Thắng báo cáo chương trình làm việc của đoàn, giới thiệu về nhà trường và các thành viên của đoàn với ông Phạm Quang Hưng.
Tặng quà của Nhà trường cho ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản
Ngoài ra, đoàn cũng được tiếp đón và làm việc tại các trường đại học Nhật Bản là Đại học Công nghiệp Chiba, Đại học Hosei, Đại học Kanto Gakuin, Đại học Ngoại ngữ Kyoto. Qua những buổi gặp gỡ, tham quan, các thành viên đoàn đã có cơ hội tìm hiểu về các trường đại học này và mô hình giáo dục Nhật Bản, tìm kiếm triển vọng hợp tác và học hỏi, thực hành các kỹ năng quản trị đại học của các trường bạn.
GS. Yoshinori Kumata – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hosei giao lưu và chụp ảnh cùng đoàn
Hiệu trưởng trường Đại học Kanto Gakuin – GS. Hiroyoshi Kiku tặng quà lưu niệm cho Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thuỷ
Tại Trường Đại học Kanto Gakuin, Hiệu trưởng Hiroyoshi Kiku cùng lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm đã đón tiếp và giới thiệu về trường với đoàn. Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy tham dự và thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình hợp tác giữa hai trường, cũng như đề xuất các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Tại Trường Đại học Ngoại ngữ Kyoto, đoàn đã tham quan và trao đổi về các hoạt động hợp tác triển vọng. Cùng là trường đại học đào tạo chuyên về ngoại ngữ, hai bên đều mong đợi xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác trong tương lai.
Bên cạnh đó, đoàn còn được tìm hiểu về văn hóa, phong tục cũng như cuộc sống của người Nhật và du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản qua việc tham quan các địa điểm như: Trung tâm Thanh thiếu niên Olympic NYC – trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu cho học sinh sinh viên khu vực, khu công nghệ robot và công nghệ vũ trụ tại Đại học Công nghiệp Chiba – đơn vị dẫn đầu trong công nghệ chế tạo Robot, công viên Shinjuku, đền Meiji, thành Osaka cũng như các thắng cảnh nổi tiếng khác tại Tokyo, Nara, Kyoto, Osaka.
Kết thúc chuyến đi, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy hài lòng bởi những kinh nghiệm và kỷ niệm có được từ đợt bồi dưỡng này. Chắc chắn rằng những tích lũy này sẽ giúp ích cho các thầy cô khi trở lại ULIS công tác.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media