“Ấn tượng nhiều nhất về khóa học Nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ là những nụ cười và thái độ niềm nở của các thầy cô” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Ấn tượng nhiều nhất về khóa học Nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ là những nụ cười và thái độ niềm nở của các thầy cô”

ULIS Media trân trọng giới thiệu bài phát biểu cảm nghĩ của bạn Đoàn Vinh Quang, đại diện học viên khóa 4 Khóa học Nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ về khóa học này:

Kính thưa Cô Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường!

Kính thưa quý Thầy – Cô, các quý vị đại biểu, quý vị khách mời cùng toàn thể các bạn  học viên khoá 4 và khoá 5 khoá NVSPNN!

Mới ngày nào đó thôi, Hơn 100 học viên chúng em được tham dự lễ khai giảng online khóa Nghiệp vụ sư phạm Ngoại ngữ khoá 4 với niềm hân hoan và phấn khởi vô vàn. Kể từ đó đến nay thời gian thấm thoắt thoi đưa, chúng em không những được tạo điều kiện tốt nhất tiếp thu được nguồn tri thức quý báu mà còn được biết thêm về truyền thống dạy và học của trường, của các thầy cô dưới mái trường Đại học Ngoại ngữ vô vàn yêu thương!

Em tên là Đoàn Vinh Quang, Học viên VB2 Khóa QH2019.

Hiện đang là: Trưởng Ban Marketing & truyền thông Viện Văn hóa Kinh doanh trực thuộc Hiệp Hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Chính Quang.

Mục đích tham gia khóa học: Cải thiện năng lực chuyên môn trong việc đào tạo tư vấn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khách hàng.

Ngày hôm nay, em rất vinh dự và tự hào được thay mặt cho các bạn học viên đã hoàn thành khóa NVSPNN khóa 4, bày tỏ tình cảm và sự tri ân với Ban lãnh đạo nhà trường, các thầy cô đã không quản ngại công sức dìu dắt chúng em, đồng thời có đôi dòng cảm nhận của mình về khóa học cũng như nhắn gửi các bạn học viên khóa 5 NVSPNN tiếp tục con đường tìm hiểu về khoa học sư phạm một cách hệ thống, khoa học, thực tiễn và nhanh nhất – Đó cũng là mục tiêu, tôn chỉ mà mỗi học viên chúng ta cần hướng tới sau khi học xong khóa học này.

Kính thưa các thầy cô cùng các bạn học viên thân mến!

Nhà hiền triết người Hy Lạp cổ đại Socrates đã từng nói

“Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình.”  Quả thật, giáo dục từ xưa tới nay, mà cụ thể là vai trò của người thầy cô giảng dạy, luôn đóng vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp tri thức, kiến thức, củng cố và duy trì các nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội, cho phép thúc đẩy mạnh mẽ,  tăng năng suất lao động,  sức sáng tạo của con người.

Hay nói cách khác, nhu cầu học hỏi, tìm hiểu bản thân, xã hội của mỗi con người luôn cháy bỏng, thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng của nhân loại. Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu tri thức đó, người dạy học cần có phương pháp dạy học thế nào cho đúng đắn cho phép khai phá, phát huy hết khả năng tìm tòi học hỏi của người học, làm sao vận dụng kiến thức sư phạm để hiểu và nắm bắt tâm lý người học, phương pháp giảng dạy khoa học, sáng tạo,  từ đó thúc đẩy động lực học tập của người học. Bên cạnh đó, yêu cầu thực tế cần thành thạo các kiến thức và kỹ năng sư phạm cũng góp phần mở ra cơ hội việc làm trong lĩnh vực giáo dục vốn lúc nào cũng đang khát “giáo viên” như hiện nay.

Đó cũng chính là những điều mỗi học viên NVSP khóa 4 chúng em luôn kỳ vọng và mong đợi đạt được thông qua sau khi học khóa học này.

Qua những tháng ngày miệt mài bên giảng đường, những tập tài liệu, video giảng dạy vô cùng đồ sộ và sự nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ của các thầy cô, càng khiến chúng em thấm thía hơn câu nói: 100 quyển sách hay không bằng 1 người thầy giỏi. Quả thật,  Người thầy là tấm gương cho học sinh học tập mà không một cuốn sách nào có thể diễn tả được.

Thật vậy, không chỉ là chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ cho sinh viên  được xây dựng một cách bài bản, hệ thống, khoa học và thực tiễn, áp dụng nhanh chóng, mà nhất thiết không thể không nhắc đến yếu tố con người – điều quyết định thành bại của một khóa học nghiệp vụ sư phạm. Quả thực các thầy cô tham gia giảng dạy và hỗ trợ giảng dạy thực sự là một mái nhà, một nơi để học viên hoàn toàn có thể gửi gắm ước mơ, trao đổi, giải đáp thắc mắc, cùng động viên nhau hoàn thành thật tốt khóa học. Em rất tâm đắc một nội dung về thuyết văn hóa xã hội của L.S. Vygotsky trong bài học đó là: Giáo viên là chủ đạo, người học chủ động, môi trường học tập cởi mở.

Chúng em sẽ nhớ mãi hình ảnh của các thầy cô cực kỳ uyên bác nhưng lại vô cùng tâm lý trong giảng dạy như thầy Nguyễn Đức Giang, cô Nguyễn Thị Thắng, Cô Đào Thị Diệu Linh, Cô Tạ Nhật Ánh (Bộ môn tâm lý giáo dục) , Cô Nguyễn Thị Kim Phượng, Thầy Nguyễn Chí Đức (Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ), cùng các Chuyên gia giáo dục dày dạn kinh nghiệm giảng dạy… Những người đã đồng hành, giải đáp kịp thời các thắc mắc không những về kiến thức chuyên môn mà còn là cách ứng xử hết sức nhẹ nhàng, trìu mến trong giao tiếp hàng ngày. Và biết đâu đấy, bản thân em tin tưởng rằng rất có thể trong số các bạn ngồi đây sẽ trở thành những đồng nghiệp tương lai của các thầy cô?

Một yếu tố chắc chắc phải nhắc đến, đó là môi trường học tập tại trường. Có thể nói những điều kiện học tập tốt nhất được nhà trường đầu tư đều hội tụ và thể hiện trong khóa học này. Chúng em được học trên giảng đường có đầy đủ loa đài, âm thanh, ánh sáng đầy đủ, an ninh đảm bảo… Khi về nhà thì được tiếp cận với kho tài liệu online trên Offices 365 do nhà trường cấp tài khoản riêng, đảm bảo chuyển đổi số 4.0. Đảm bảo người học tiếp cận được kiến thức mọi lúc mọi nơi.

Về học viên, các bạn học viên trong khóa học đa phần là sinh viên, người đi làm, hầu hết đều thể hiện tinh thần học rất cao, có ý thức trau dồi , rèn luyện để trở thành những thầy cô giáo tương lai của đất nước. Đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ có ý thức nghe giảng và nắm bắt kiến thức rất tốt, trả lời câu hỏi quizzle của giáo viên rất nhanh và lại chính xác. Còn trong khi làm việc nhóm thì các anh chị lớn tuổi hơn đã từng đi làm, có kinh nghiệm thì lại tỏ ra biết cách tổ chức, quán xuyến, phân công nhiệm vụ để phân công nhiệm vụ cho cả nhóm cùng nhau làm việc. Tuy là lớp nghiệp vụ sư Phạm tiếng Anh nhưng cũng có khá nhiều các bạn học tiếng Đức Pháp, Ả rập xê út, Hàn, Trung sang học cùng nên tạo nên những giao lưu khá thú vị giữa các học viên với nhau, khiến tiết học thêm màu sắc và  đa dạng.

Có lẽ điều em ấn tượng về khóa học đó không chỉ là là vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình mà còn làm chủ được cảm xúc, có thái độ và hiểu biết, kỹ năng đúng đắn về nghề giáo viên, những thuận lợi, khó khăn, lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề. Khi chúng ta đã xác định được phương pháp đúng đắn thì chắc chắn bài toán sẽ ra đáp số chính xác.

Ấn tượng về khóa học nhiều nhất là lẽ là nụ cười và thái độ niềm nở, trọng thị đầy quan tâm của ban lãnh đạo, các thầy cô và trong suốt quá trình học tập rèn luyện, cùng kiến thức uyên bác, cử chỉ mô phạm chuẩn mực của các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Đó là nét văn hóa riêng có của nhà trường, một thứ quyền lực mềm độc đáo, cần phát huy, nhân rộng, và lan tỏa.

Các bạn tân học viên thân mến,

Để khai thác khóa học này một cách hiệu quả, theo thiển ý của tôi thì nhất định chúng ta cần phải: tin tưởng mục tiêu bản thân, tính kiên trì chăm chỉ và học hỏi không ngừng thầy cô, bạn bè để đạt được sự tiến bộ hàng ngày và bền vững.

Mong rằng các bạn luôn hoàn toàn yên tâm vào truyền thống dạy và học 68 năm nay của  trường cùng với sức trẻ năng động của đội ngũ giáo viên đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết, ra sức học tập rèn luyện để thu nạp kiến thức cho bản thân, trở thành những người thầy giáo cô giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người, để mỗi người đều là một đại sứ tuyên truyền giúp khóa học này của trường chúng ta ngày càng đông học viên và trở thành địa chỉ đỏ nơi các thầy cô giáo tương lai tu nghiệp và chắp cánh những ước mơ!

Cuối cùng em xin thay mặt các bạn học viên khóa NVSP 4 chân thành gửi lời cảm ơn tới Ban Giám hiệu nhà trường, các quý thầy cô và các bạn học viên và tân học viên khóa 5 lời chúc sức khỏe, thành công và cùng nhau hợp tác phát triển bền vững!

Học viên khóa 4 chúng em xin hứa sẽ tiếp nối truyền thống của các học viên khóa trước không ngừng rèn luyện phát triển nghiệp vụ  sư phạm và có những đóng góp thiết thực cho nhà trường trong thời gian tới.

Chúng em có niềm tin Chúng ta những học viên, sinh viên trường đại học Ngoại ngữ sau này dù có đi đâu, làm gì, vẫn luôn nhớ câu nói:

“Một ngày là ULISER, trọn đời là ULISER