Đề án Ba Vì 2021 – 2022: Hành trình vượt qua khó khăn để lan tỏa những điều tốt đẹp – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề án Ba Vì 2021 – 2022: Hành trình vượt qua khó khăn để lan tỏa những điều tốt đẹp

Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì là dự án hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN và Huyện Ba Vì. Bước sang năm thứ 3, Đề án tiếp tục phát huy sứ mệnh mang tới những giá trị tích cực cho cộng đồng. 

Tiếp nối sự thành công của Đề án Ba Vì trong 2 năm học trước, năm học 2021 – 2022 này, Đề án tiếp tục được mở rộng cả về quy mô (35 Trường THCS) và nội dung triển khai, thu hút sự tham gia của 20 cán bộ giảng viên và 111 bạn giáo sinh trong toàn trường. Tuy vẫn còn đó những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, nhưng chính tinh thần lạc quan và khát khao nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh cho giáo viên, học sinh các trường THCS trên địa bàn Huyện Ba Vì đã giúp các giảng viên ULIS vượt qua thử thách để hoàn thành thật tốt chặng đường Đề án Ba Vì năm học 2021 – 2022.

Những khó khăn bước đầu

Năm học 2021 – 2022 là một năm học vô cùng đặc biệt. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung diễn ra vô cùng phức tạp mà hoạt động học tập, giảng dạy ở tất cả các cấp học phải chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang hình thức online thông qua các ứng dụng như Zoom Meeting hay Google Meet. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các cán bộ giảng viên tham gia Đề án Ba Vì bởi các thầy cô ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các em học sinh để có thể làm quen với các em và truyền tải trọn vẹn kiến thức. Nói về khó khăn này, cô Hoàng Thị Diễm Hằng – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Yên Bài A & THCS Yên Bài B chia sẻ: “Vì điều kiện chưa cho phép để gặp các em trực tiếp, nhưng tiếp xúc qua các giờ dạy online mình thấy các em học sinh rất ngoan tuy có phần hơi rụt rè. Mình hy vọng sẽ có thể giúp các em yêu thích môn Tiếng Anh hơn, từ đó có thêm động lực để cố gắng học tốt môn học này.”

(Cô Hoàng Thị Diễm Hằng – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Yên Bài A & THCS Yên Bài B)

Thử thách đến với các giảng viên tham gia Đề án không chỉ do tình hình dịch bệnh mà còn bởi điều kiện dạy và học ở địa phương còn nhiều khó khăn. Cô Khương Quỳnh Nga – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Cổ Đô & THCS Phú Cường đã chia sẻ về trải nghiệm lần đầu tiên đến với Đề án Ba Vì của mình: “Lần đầu tiên được tham gia đề án, tuy có phần bỡ ngỡ, em đã hiểu được nhiều hơn về tình hình dạy học tại các trường ở Ba Vì. Các thầy cô dù gặp nhiều khăn về thời gian, cơ sở vật chất nhưng cố gắng tìm tòi và rất cởi mở với các gợi ý về công cụ trong dạy và học. Em rất mong có thể đóng góp nhiều hơn vào đợt 2 và đợt 3 của đề án.”

(Cô Khương Quỳnh Nga – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Cổ Đô & THCS Phú Cường)

Những nỗ lực khắc phục

Trong quá trình thực hiện dự án, những khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bằng tình yêu nghề, bằng những nỗ lực và quyết tâm của mình, đội ngũ giảng viên ULIS đã cố gắng vượt qua mọi thử thách để hỗ trợ hết mình cho các thầy cô đang giảng dạy ở các trường cấp 2 trên địa bàn Huyện Ba Vì và để truyền tải trọn vẹn những kiến thức bổ ích tới các em học sinh. Từ đó, sứ mệnh và trách nhiệm cộng đồng của Nhà trường đối với toàn xã hội cũng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. 

Là một giảng viên trẻ, lại là lần đầu tiên tham gia Đề án, cô Nguyễn Thị Hồng Yến – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Ba Trại không giấu nổi những lo lắng của mình: “Khi tham gia đề án Ba Vì em cảm thấy lo lắng vì em chưa được có cơ hội làm việc trực tiếp với các trường phổ thông bao giờ. Và khi đến trường THCS Ba Trại, do làm việc online nên em đã gặp nhiều khó khăn.” Nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân cùng sự giúp đỡ của các thầy cô tại trường ĐHNN, trường THCS Ba Trại, cô Hồng Yến đã mạnh mẽ hơn, biến những khó khăn thành động lực để tiếp tục cố gắng: “Sau mỗi giờ training với các thầy cô và chuyên gia của trường ĐHNN, nghe các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm, em đã phần nào yên tâm hơn. Ngoài ra, em rất may mắn vì các thầy cô ở THCS Ba Trại giúp đỡ rất nhiều. Các thầy cô đã chuyển hết lịch các môn của các em khối 9 lên buổi sáng và dành toàn bộ buổi chiều trong tuần cho đề án. Khi được làm việc tại đây em mới biết được rằng các thầy cô THCS Ba Trại cực kì tâm huyết với bài giảng của mình, tuy nhiên họ vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó em thấy việc làm của mình càng ý nghĩa hơn. Sau một tuần, với 3 buổi dự giờ và nhận xét sâu chuyên môn, 2 buổi dạy trực tiếp cho học sinh các lớp, em đã nắm được tình hình chung của các em khối 9. Em hi vọng trong 2 đợt làm việc tới, em và 5 em giáo sinh sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ của trường ĐHNN HN và trường THCS Ba Trại để có thể giúp các em học sinh khối 9 có định hướng tốt hơn trong việc học tiếng Anh và nâng cao điểm cho bài thi vào 10.”

(Cô Nguyễn Thị Hồng Yến – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Ba Trại)

Cũng mang trong mình những cảm xúc bối rối và lo lắng những ngày đầu thực hiện dự án, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các thầy cô tại Ba Vì và sự chào đón nhiệt tình của các em học sinh mà thầy Hoàng Anh Phong – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Cẩm Lĩnh & THCS Sơn Đà đã làm quen và bắt nhịp rất nhanh với nhiệm vụ của mình. Nói về trải nghiệm ở Ba Vì, thầy hào hứng chia sẻ: “Thực sự trước khi tham gia đề án mình rất lo lắng vì không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu và sẽ làm được gì cho trường học địa phương. Sau khi tham gia, mình nhận thấy giáo viên địa phương rất thân thiện và cởi mở. Bên cạnh đó các em học sinh cũng rất háo hức đón tiếp thầy cô từ Hà Nội về. Chính những điều này đã tiếp thêm năng lượng và động lực cho mình để hoàn thành tốt sứ mệnh không những chuyển giao chuyên môn mà còn truyền cảm hứng cho các em học sinh nữa.”

(Thầy Hoàng Anh Phong – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Cẩm Lĩnh & THCS Sơn Đà)

Năm học 2021 – 2022 là năm học đầu tiên cô Bồ Thị Lý tham gia Đề án Ba Vì. Cũng giống như nhiều thầy cô khác, trước khi bắt đầu tham gia, cô cũng có khá nhiều băn khoăn lo lắng không biết mình cần làm gì và làm như thế nào để trong một khoảng thời gian ngắn có thể hỗ trợ và giúp đỡ các giáo viên và các em học sinh ở hai trường THCS trong việc dạy và học Tiếng Anh. Nhưng sau một thời gian gắn bó với dự án và nỗ lực cải thiện hàng ngày, cô tự tin chia sẻ: “Sau khi được làm quen và quan sát các giáo viên và các em học sinh, tôi dần nhìn thấy được hướng tiếp cận phù hợp nhất định hướng giúp các em yêu thích môn tiếng Anh hơn, hướng dẫn các giáo viên cách tạo hứng thú và động lực cho các em  qua mỗi giờ học. Tôi được làm việc với một team các bạn giáo sinh rất tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ có những trải nghiệm lý thú và hữu ích trong đợt thực địa lần này.”

(Cô Bồ Thị Lý – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Phú Sơn & THCS Thái Hòa)

Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì năm học 2021 – 2022 vẫn đang tiếp tục được triển khai ở các giai đoạn tiếp theo. Có thể nói, đây vẫn luôn là hành trình đối mặt và vượt qua thử thách để lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Chúc cho Đề án sẽ giúp đỡ được thêm nhiều giáo viên, học sinh các trường THCS trên địa bàn Huyện Ba Vì hơn nữa trong việc dạy và học Tiếng Anh để dự án sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những giá trị tích cực!

Thanh Hiền – ULIS Media