Cô Đặng Thị Quỳnh Nga – THCS Vạn Thắng, Ba Vì: “Tôi đã được tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy mới” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cô Đặng Thị Quỳnh Nga – THCS Vạn Thắng, Ba Vì: “Tôi đã được tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy mới”

ULIS Media xin gửi đến quý độc giả bài phỏng vấn cô giáo Đặng Thị Quỳnh Nga, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Vạn Thắng, Ba Vì về cảm nghĩ của bản thân khi tham gia Đề án Ba Vì năm học 2021 – 2022.

PV: Xin cô chia sẻ về ấn tượng của bản thân về đội ngũ giảng viên, giáo sinh Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Đáp: Mặc dù năm học 2021-2022 không phải là lần đầu tiên Trường THCS Vạn Thắng đón các thầy, cô và các em giáo sinh về hỗ trợ Nhà trường nhưng tôi luôn cảm nhận được sự nhiệt tình xuyên suốt từ những ngày đầu tiên. Giảng viên và giáo sinh Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN rất có trách nhiệm với công việc. Các thầy cô và các em giáo sinh cũng luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và sự năng động trong khi triển khai các hoạt động tại Trường THCS Vạn Thắng.

PV: Cô có thể chia sẻ về kỳ vọng của bản thân khi tham gia vào Đề án Ba Vì năm học 2021-2022?

Đáp: Với đặc thù là một trường ở khu vực địa phương còn nhiều hạn chế và khó khăn nên một phần các em học sinh tại địa phương còn ở trình độ yếu và trung bình trong môn tiếng Anh nên tôi mong muốn Đề án năm nay được triển khai sẽ mang lại những kết quả tích cực và nâng cao chất lượng học tập môn tiếng Anh của các em học sinh. 

PV: Cô cảm nhận những gì về dấu hiệu thay đổi tích cực của học sinh khi tham gia Đề án?

Đáp: Các em học sinh của Trường THCS Vạn Thắng rất vui và hào hứng khi lại tiếp tục được đón các thầy, cô và các anh, chị về hỗ trợ. Chính từ những niềm vui và sự háo hức đó đã tạo nên những động lực mới trong học tập của các em.

PV: Bản thân cô có những thay đổi tích cực nào khi tham gia Đề án?

Đáp: Thông qua Đề án Ba Vì, cá nhân tôi đã tiếp thu và trau dồi thêm được rất nhiều kiến thức quý báu. Tôi đã được chia sẻ và từ đó áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là các phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong giai đoạn mới. Tôi cũng đánh giá rất cao tính hiệu quả của các phương pháp giảng dạy mới này.

PV: Cô có thể cho biết suy nghĩ của bản thân về Đề án Ba Vì?

Đáp: Với cương vị là một giáo viên của các em học sinh THCS Vạn Thắng, tôi đã có một thời gian dìu bước và theo dõi quá trình học tập của các em học sinh tại đây và tôi nhận thấy khi Đề án Ba Vì được triển khai đã mang lại những điểm hết sức tích cực. Với đội ngũ giáo viên sở tại, Đề án mang đến sự tiếp cận mới với những phương pháp giảng dạy mới, tạo ra một diễn đàn cho chúng tôi được chia sẻ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Từ đó quá trình dạy học của chúng tôi có những chuyển biến tích cực và trở nên dễ dàng hơn. Đối với các em học sinh, Đề án đã tạo ra những động lực mới cũng như truyền cảm hứng học tập cho các em.  

PV: Cô có lời gửi gắm, nhắn nhủ hay đề xuất gì không?

Đáp: Tôi kỳ vọng Đề án Ba Vì năm nay sẽ tiếp tục tổ chức và tăng cường các đợt thực địa cho các em giáo sinh về với các nhà trường tại địa phương. Tôi đánh giá rất cao hiệu quả của hoạt động này.

PV: Xin cảm ơn cô đã tham gia phỏng vấn với ULIS Media!

ULIS Media