Trường ĐH Ngoại ngữ tham gia Hội thảo Định hướng và phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dùng chung (TH, THCS, THPT) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường ĐH Ngoại ngữ tham gia Hội thảo Định hướng và phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dùng chung (TH, THCS, THPT)

Sáng nay, 10/5/2018, tại Tp Hồ Chí Minh, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo – Tập huấn “Định hướng và phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dùng chung Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (TH, THCS, THPT).

Các đại biểu trường ĐH Sư phạm-ĐH Huế

Hội thảo nhằm định hướng và xác định các giải pháp phát triển các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, TH, THCS, THPT, đặc biệt là các môn tích hợp ở THCS, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới; Xác định lộ trình hoàn thiện và phân công nhiệm vụ phát triển các chương trình cử nhân sư phạm cho các trường sư phạm; Rà soát Dự thảo Chương trình và chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, chuẩn bị cho việc triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các cấp học TH, THCS, THPT năm 2018.

120 đại biểu đến từ 7 trường sư phạm chủ chốt tham gia ETEP, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP, 5 Sở giáo dục khu vực phía Nam và các trường sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ…

Các đại biểu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

Nhiều vấn đề được nêu ra bàn thảo như: Những yêu cầu đặt ra cho hoạt động đào tạo giáo viên; Phát triển các chương trình đào tạo hội nhập quốc tế; Phát triển chương trình đào tạo giáo viên định hướng năng lực giáo dục tích hợp; Mô hình đào tạo giáo viên ở một số nước như Singapore, Malaysia …

PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng, Ban quản lý Chương trình ETEP phát biểu khai mạc Hội thảo nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo lần này, cần xác định rõ lộ trình hoàn thiện và phân công nhiệm vụ phát triển cử nhân sư phạm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trình bầy vấn đề “Chương trình giáo dục phổ thông mới và yêu cầu đặt ra cho hoạt động đào tạo giáo viên”.

Tại Hội thảo, PGS.TS Hà Lê Kim Anh – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐGQG Hà Nội đã trình bày báo cáo tham luận “Phát triển chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh hội nhập quốc tế”. Báo cáo nêu rõ trong bối cảnh hầu hết các trường đại học cao đẳng đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo và các đơn vị cũng đã điều chỉnh hoặc xây dựng mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, các chương trình đào tạo đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu về phát triển những nhóm năng lực giúp người học có thể thích ứng với môi trường làm việc cạnh tranh đa văn hóa. Báo cáo giới thiệu các hoạt động về phát triển và triển khai chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm tiếng Anh nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra tại trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN, trong đó nhấn mạnh chương trình đào tạo là một nội dung quan trọng trong các yếu tố đảm bảo chất lượng, một chương trình đào tạo tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác giảng dạy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các chương trình đào tạo đại học nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng cần có những cải tiến mạnh mẽ về chất để đảm bảo người học sau khi tốt nghiệp chương trình sẽ có những năng lực cần thiết để tham gia giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mang tính phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Đối với việc dạy và học ngoại ngữ, chúng ta càng cần phải có một chương trình đào tạo có tính cập nhật cao, tính hội nhập quốc tế, được xây dựng một cách khoa học và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, chương trình đào tạo mới chỉ là cái vỏ bề ngoài, để tạo nên sự thành công của một chương trình thì quan trọng hơn cả chính là nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, các hoạt động dạy và học, các hình thức kiểm tra đánh giá, và quan trọng hơn nữa là yếu tố con người, tức là đội ngũ giảng viên và đội ngũ phục vụ đào tạo để vận hành chương trình đó.

Chiều 10/5, các đại biểu chia làm 6 tiểu ban để thảo luận 6 vấn đề cụ thể: Phát triển Chương trình đào tạo ngành Giáo dục tiểu học; Phát triển Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Giáo dục Pháp luật/Kinh tế Pháp luật; Phát triển Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Tin học;  Phát triển Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ngành Sư phạm ngữ văn; Phát triển Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử-Địa lý; Phát triển Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Công nghệ.

Hội thảo diễn ra  trong 3 ngày từ 10 đến 12/5/2018.

Theo ETEP