Trọng tài cầu mây tại SEA Games 30: Dù đi đâu cũng nghĩ về ULIS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trọng tài cầu mây tại SEA Games 30: Dù đi đâu cũng nghĩ về ULIS

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Giáo viên môn thể dục của Trường THCS Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những thành viên tham gia tổ trọng tài ở môn cầu mây tại SEA Games 30. 

ULIS Media đã có cuộc trò chuyện nhanh với vị trọng tài quốc tế này về những trải nghiệm mà thầy có được khi tham gia tác nghiệp tại Đại hội thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Philippines.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn mặc áo đồng phục tím ULIS khi đi làm nhiệm vụ tại Sea games 30

PV: Xin chào thầy Nguyễn Anh Tuấn. Thầy có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Tôi tên là Nguyễn Anh Tuấn, vốn là một vận động viên điền kinh Công an nhân dân. Sau khi học đại học tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh từ năm 2000 đến 2004, tôi về công tác, giảng dạy môn giáo dục thể chất cho sinh viên tại Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN. Đến năm 2008, tôi quay lại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh để học tiếp cao học. Năm 2009, tôi chuyển về công tác tại Trung tâm GDTC&TT của ĐHQGHN. Mấy tháng trước, tôi đã chuyển lại về Trường Đại học Ngoại ngữ và tham gia dạy môn thể dục cho học sinh THCS Ngoại ngữ. Tôi rất vui khi trở lại ngôi nhà mình đã gắn bó nhiều năm. ULIS là một nơi đặc biệt bởi ngôi trường này cũng là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp giáo viên của mình.

Vì yêu thích cầu mây và muốn có trải nghiệm tham gia làm công tác trọng tài, tôi đã đi học thêm lớp trọng tài quốc gia môn cầu mây vào năm 2014. Hai năm sau, tôi học tiếp lớp trọng tài quốc tế môn cầu mây để có cơ hội tham gia các giải đấu cao hơn. Giải quốc tế đầu tiên mà tôi tham gia điều hành là giải thể thao Bãi Biển châu Á tại Đà Nẵng năm 2016.

Tính đến nay thì tôi đã tham gia nhiều giải quốc gia. Đặc biệt, tôi đã tham gia điều hành tại  giải vô địch cầu mây thế giới tại Thái Lan trong năm 2017 và 2019 và mới đây nhất là Sea games 30 tại Philippines.

PV: Thầy có thể nói thêm về các trọng tài môn cầu mây tại Sea games 30?

Tất cả các trọng tài quốc tế điều hành tại Sea games lần này đều do Liên đoàn Cầu mây thế giới gửi giấy mời trực tiếp về liên đoàn các nước. Tôi đã rất bất ngờ và vui mừng khi nhận được giấy mời.

Khi sang đến Philippines, tôi đã gặp 5 người của Liên đoàn cầu mây thế giới, 10 trọng tài quốc tế ITO, 27 trọng tài trong nước NTO. Tổng cộng có 42 trọng tài làm nên một giải đấu của môn cầu mây tại Sea games 30 lần này. Tôi thấy rất vinh dự khi đón nhận một sự tôn trọng, ủng hộ của các trọng tài Philippines. Họ luôn nói cảm ơn chúng tôi vì đã sang giúp đỡ hoàn thành giải đấu này.

PV: Ấn tượng của thầy khi đến làm nhiệm vụ tại Philippines?

Trước khi xuất phát, tôi cũng tìm hiểu trên báo chí về Philippines và cũng cảm thấy hơi lo lắng vì đây là lần đầu tham gia điều hành tại Sea games. Ngày 28/11, tôi xuất phát từ Hà Nội. Vì không có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Manila nên chuyến bay của chúng tôi phải quá cảnh ở Hồng Kông. Khi đến Manila thì điều ấn tượng nhất là chúng tôi được đội ngũ tình nguyện viên tiếp đón và trao quà lưu niệm tại sân bay. Sau đó, đoàn được sắp xếp đến địa điểm thi đấu môn cầu mây tại thành phố biển Subic cách Manila chừng 170km. 

Tôi rất ấn tượng với các tình nguyện viên, các trọng tài và những người phục vụ ở đây. Họ rất thân thiện luôn đặt một sự tôn trọng lớn đối với các trọng tài quốc tế. Chúng tôi luôn được đưa đón bằng xe riêng dành cho 15 trọng tài quốc tế và Ban Tổ Chức. Và đặc biệt nữa là người dân Philippines đa phần họ sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp không gặp mấy khó khăn.

PV: Lần tham gia Sea games này hẳn là một trải nghiệm rất đáng nhớ với thầy?

Đây đúng thật là một trải nghiệm thật sự thú vị và đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức hơn trong công tác chuyên môn. 

Tôi mong rằng qua các hoạt động như thế này có thể cho mình có thêm nhiều kinh nghiệm để giúp tổ chức các hoạt động thể thao tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Bởi tôi nghĩ rằng một ngôi trường không nên chỉ là nơi để học sinh, sinh viên học tập, nơi để thầy cô làm việc mà còn là chỗ để mọi người cùng giao lưu, thi đấu, rèn luyện sức khỏe và thể hiện đam mê thể thao của mình. Do đó nên đi đâu công tác tôi cũng nghĩ đến ULIS. Tôi luôn mang áo ULIS bên mình trong các hoạt động quốc gia và quốc tế để nhắc nhở mình điều này. 

PV: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Việt Khoa-Lệ Thủy/ULIS Media