Tọa đàm về định hướng khoa học công nghệ của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN giai đoạn 2019–2025 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm về định hướng khoa học công nghệ của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN giai đoạn 2019–2025

Ngày 3/4/2019 tại hội trường Sunwah đã diễn ra Tọa đàm định hướng khoa học công nghệ của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN giai đoạn 2019–2025.

Tham dự tọa đàm, về phía ĐHQGHN có Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, Phó Trưởng ban KHCN Phạm Đức Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Phạm Bảo Sơn. Về phía Trường ĐH Ngoại ngữ có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long và lãnh đạo các đơn vị.

Tại buổi tọa đàm đã có 5 tham luận được trình bày. Tham luận “Đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển KHCN Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đến năm 2020” do PGS.TS. Lâm Quang Đông trình bày nêu rõ mục tiêu Trường ĐHNN – ĐHQGHN tiếp tục phát triển trở thành một trường đại học có uy tín trong khu vực theo định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng; phát triển năng lực nghiên cứu phục vụ đất nước, đáp ứng nhu cầu xã hội, và cung cấp các luận cứ khoa học góp phần giải quyết các nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN và đất nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đổi mới và khoa học giáo dục. (Xem chi tiết tại đây).

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm đã trình bày tham luận “Thực hiện đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước thuộc Chương trình Tây Bắc ở Trường ĐHNN – ĐHQGHN và những gợi mở về định hướng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới” và chia sẻ về quá trình nghiên cứu và 10 nhóm sản phẩm có được từ Đề tài Tây Bắc. (Xem chi tiết tại đây).

Tham luận “Định vị Trường ĐHNN-ĐHQGHN trong bản đồ nghiên cứu khảo thí ngoại ngữ khu vực châu Á” do TS. Trần Thị Thu Hiền trình bày chỉ ra rằng Khảo thí ngôn ngữ là một lĩnh vực khoa học, chuyên môn có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu, nhưng cũng bao gồm nhiều khía cạnh, vấn đề, có tiềm năng lớn cho các nghiên cứu đa ngành, liên ngành. Nghiên cứu trong lĩnh vực khảo thí ngôn ngữ bao gồm cả các nghiên cứu mang tính lý thuyết, mô hình, cũng như các nghiên cứu mang tính ứng dụng. Trường Đại học Ngoại ngữ đang thực hiện các nghiên cứu về khảo thí ngoại ngữ theo các định hướng trên. Nhà trường đã và đang không chỉ giữ vững và phát huy vị thế vốn là nhất, là đầu, là tuyệt đối tới nay của mình trong đổi mới giáo dục và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ tại Việt Nam, mà còn đang không ngừng nỗ lực xây dựng và khẳng định vị thế của mình trong bản đồ nghiên cứu khảo thí ngôn ngữ của Châu Á và quốc tế. Những thành công đã có là đáng ghi nhận, nhưng rất cần có sự ủng hộ, tạo điều kiện và những định hướng, chiến lược phù hợp từ các cấp lãnh đạo, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhà trường tiếp tục có thêm những thành công mới trong lĩnh vực này.  (Xem chi tiết tại đây).

“Những tín hiệu tích cực ban đầu trong việc gắn kết giữa đào tạo SĐH và nghiên cứu khoa học” là tham luận được  TS. Huỳnh Anh Tuấn trình bày tại tọa đàm. Tham luận cho thấy thực hiện chủ trương kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học trong đào tạo sau đại học, trong những năm qua Trường ĐHNN đã tiến hành các hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và hỗ trợ hiệu quả người học trong quá trình học tập nghiên cứu tại trường, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người học và cán bộ giảng dạy. Trong các hoạt động này, 4 hoạt động sau đây được đánh giá là đã có những dấu hiệu tích cực ban đầu: Tổ chức Câu lạc bộ NCKH dành cho HVCH/NCS; Xây dựng cộng đồng học thuật Sau đại học (Zemi); Tổ chức Hội thảo NCKH dành cho HVCH và NCS (quốc tế) và Tổ chức các lớp dự bị NCS. (Xem chi tiết tại đây).

Trình bày về việc “Đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học giải quyết những nhu cầu bức thiết của giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam”, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh khẳng định là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Trường ĐHNN ý thức về trách nhiệm của mình phấn đấu xây dựng một Đường hướng dạy và học ngoại ngữ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bắt kịp nền giáo học pháp ngoại ngữ thế giới, đồng thời thiết kế và xây dựng được các mô hình dạy và học ngoại ngữ đặc thù cho các đối tượng người học Việt Nam. Từ nhiều năm nay, nhóm nghiên cứu chuyên sâu của Trường đang kiên trì với định hướng xây dựng “Đường hướng Kiến tạo-Hành động trong dạy và học ngoại ngữ”, một cách tiếp cận tâm thức trong việc đào tạo kiến thức và tạo lập kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, tương tác và hành động thông qua và bằng hành động ngôn từ. Nghiên cứu đang trong giai đoạn hoàn thành về mặt lý thuyết và bắt đầu triển khai thí điểm từng phân đoạn trong thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình cho từng đối tượng đặc thù cũng đòi hỏi các nghiên cứu sâu và rộng. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia có điều chỉnh đến 2025 do Chính phủ vừa ban hành đã chỉ rõ những định hướng chính, trong đó việc tăng cường các giải pháp cho giáo dục ngoại ngữ ở phổ thông, đặc biệt là việc đưa ngoại ngữ vào trường học sớm nhất có thể và định hướng dạy các môn khoa học khác bằng ngoại ngữ trở thành những điểm mới cốt lõi của Đề án lần này. Đội ngũ cán bộ công chức hiện đang trên các cương vị công tác cũng đã đến lúc cần nhận được một sự quan tâm thích đáng để có điều kiện nâng cao năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ của mình.Rồi các đối tượng đặc thù cũng cần có được các mô hình đào tạo và bồi dưỡng mới, đặc trưng để có thể mang lại những hiệu quả cao nhất. Vì vậy những nghiên cứu chuyên sâu về các mô hình này cần được xúc tiến để đáp ứng các nhu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước hôm nay. Trường ĐHNN-ĐHQGHN đã sẵn sàng đội ngũ cho các nhiệm vụ trên.  (Xem chi tiết tại đây).

Tham luận “Định hướng KHCN của Trường ĐHNN – ĐHQGHN trong giai đoạn 2019-2025” của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh ghi rõ mục tiêu của ULIS là trở thành một trường đại học có uy tín trong khu vực theo định hướng nghiên cứu để phục vụ đào tạo của trường, của ĐHQGHN và phục vụ đất nước, có thể tham gia giải quyết các vấn đề của ngành giáo dục và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trường phải đảm bảo các mục tiêu về Nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên; Gắn bó chặt chẽ với đào tạo đại học và sau đại học; Tính ứng dụng và thực tiễn cao; Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; Gia tăng đầu tư cho con người và sản phẩm cụ thể; Đảm bảo yếu tố vừa sức và bền vững. Hướng nghiên cứu trọng tâm của trường là GIÁO DỤC NGOẠI NGỮ đồng thời quan tâm về Ngôn ngữ học và Quốc tế học.

Các sản phẩm sẽ được đầu tư của trường bao gồm: Các mô hình học tập ngoại ngữ hiệu quả (cho hệ thống giáo dục quốc dân và cho các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể); Hệ thống học liệu ngoại ngữ phục vụ nhu cầu học tập cho các đối tượng khác nhau (ưu tiên gắn với công nghệ thông tin); Những nghiên cứu về Khung năng lực ngoại ngữ, công cụ đo nhu cầu và năng lực ngoại ngữ chuyên biệt theo ngành nghề; Những nghiên cứu chuyên sâu về khảo thí ngoại ngữ, xây dựng đề thi chuẩn hóa, xây dựng nội lực khảo thí quốc gia; Nghiên cứu về dịch thuật và dịch các công trình lý luận kinh điển.

Sau phần tham luận là phần thảo luận với những ý kiến đóng góp sôi nổi từ đại diện các đơn vị.

 

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN Phạm Đức Anh khẳng định Trường ĐH Ngoại ngữ cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học để phát triển tiềm năng của trường. Nhà trường cần hiểu rõ nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân và cần có chính sách khuyến khích trọng điểm những đề tài chất lượng, phát triển nhóm hoặc trung tâm nghiên cứu và chú trọng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp.

Nêu cao vai trò của Trường ĐH Ngoại ngữ trong hoạt động nghiên cứu của ĐHQGHN, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhất trí với phương hướng của Nhà trường. Giám đốc cũng đề nghị Nhà trường quan tâm nhiều hơn đến định hướng nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm khoa học mang tầm quốc tế. Đánh giá cao năng lực ngoại ngữ của ULIS, Giám đốc ĐHQGHN cho rằng Nhà trường cần tuyên truyền, khuyến khích  đam mê nghiên cứu khoa học; phát triển những nghiên cứu sâu hơn về Việt Nam và ngoại ngữ để trở thành một trung tâm ko chỉ có ngoại ngữ mà còn có nghiên cứu về ngoại ngữ, đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu các quốc gia trên thế giới. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là trách nhiệm xã hội của ULIS và Nhà trường chắc chắn có nhiều tiềm năng để đạt được những thành tựu về nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Kết thúc tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cảm ơn những ý kiến của Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, của Ban KHCN ĐHQGHN và của các thầy cô trong trường. Nhà trường sẽ tiếp thu các ý kiến này để xây dựng Chiến lược phát triển KHCN của Trường ĐHNN – ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media