Hội thảo lần thứ 2 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo lần thứ 2 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ

Nhận nhiệm vụ của BQL Đề án NNQG2020 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định thành lập nhóm chuyên gia chuyên trách công tác xây dựng đề án tổng thể trung tâm vùng với 3 mục tiêu chủ yếu: Xây dựng và hoàn thiện chiến lược đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ giai đoạn 2017-2020; tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; Tạo cơ sở nền tảng cho quy hoạch mạng lưới các trường có ngành sư phạm ngoại ngữ. Sau khi nhận quyết định, các thành viên nhóm chuyên trách của trường đã tích cực chủ động nghiên cứu, khảo sát điều tra.

Cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ này, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lần thứ 1 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ vào ngày 4/10/2017.

Ngày 2/11/2017, Hội thảo lần thứ 2 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ tiếp tục được tổ chức nhằm báo cáo tiến độ và lấy ý kiến chuyên gia về những nội dung, kết quả thực hiện.

Tham dự hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh và TS. Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Bảo Khâm – Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐH Huế; TS. Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐH Đà Nẵng; TS. Hoa Ngọc Sơn – Trưởng khoa ĐT&BDNN và toàn thể chuyên gia xây dựng đề án cùng các đại biểu khách mời.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự. Hiệu trưởng cho biết Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ là một nhiệm vụ quan trọng được Bộ GD&ĐT giao cho trường làm đầu mối từ tháng 8 và có trách nhiệm phối hợp thực hiện với các trường đại học trên cả nước. Đề án có 3 mục tiêu là Quy hoạch mạng lưới các trường có ngành sư phạm ngoại ngữ nhằm xây dựng, hoàn thiện chiến lược đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ giai đoạn 2017-2020 và các năm tiếp theo; Xây dựng các trung tâm ngoại ngữ trên cả nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ giáo viên và giảng viên ngoại ngữ phấn đấu về chuyên môn và nghiệp vụ; Kết nối đào tạo với bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ nhằm tạo cơ sở nền tảng cho quy hoạch, quản lý các trường ngoại ngữ trên cả nước về năng lực ngoại ngữ, giảng dạy sư phạm trên cả nước. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án.

Trong khuôn khổ hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung – Trưởng nhóm đã đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày tổng quan Đề án. Đại diện các nhóm cũng trình bày tham luận về những nội dung chuyên đề của Đề án như: cơ sở lý luận và thực tiễn; đào tạo và bồi dưỡng phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; đào tạo và bồi dưỡng năm lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên, giảng viên ngoại ngữ… Đặc biệt, hội thảo cũng đưa ra nhiều kết quả khảo sát về các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, nhu cầu và kết quả bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ hiện nay để rút ra vai trò tích cực của Đề án. Hội thảo lần thứ 2 khép lại với nhiều ý kiến đóng góp giá trị cho nhóm nghiên cứu của các chuyên gia và đại biểu khách mời.

Theo kế hoạch, Hội thảo lần thứ 3 về Xây dựng Đề án tổng thể Trung tâm vùng chuyên trách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tới. Sau đó, Nhà trường sẽ tiến hành thẩm định đề án và tổ chức hội thảo quốc gia nhằm công bố kết quả thực hiện Đề án.

Đại diện nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án

Hiệu trưởng ba trường đại học ngoại ngữ và Trưởng nhóm nghiên cứu

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media