Hội thảo thẩm định Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo thẩm định Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Ngày 9/6/2023, tại Hội trường Sunwah, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Công ty cổ phần giáo dục iSmart đã tổ chức Hội thảo thẩm định Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu đến từ khu vực đào tạo bậc tiểu học ở các địa phương.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành; Các thầy, cô giáo đến từ các Trường tiểu học, PTDT nội trú; đại diện các đơn vị đối tác; BGH Trường Đại học Ngoại ngữ và nhóm chuyên gia thẩm định mô hình cùng đông đảo đại biểu quan tâm.

Mở đầu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iSmart Bạch Ngọc Chiến đã giới thiệu tổng quan về “Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến iLink”. Xuất phát từ nhu cầu phổ cập kiến thức tiếng Anh cơ bản và giao tiếp cho mọi vùng miền Tổ quốc, đặc biệt là các trường học vùng sâu vùng xa, đi cùng với vấn đề thiếu hụt giáo viên Tiếng Anh giảng dạy tại các trường, “Mô hình dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học theo hình thức kết hợp” đã ra đời nhằm đáp ứng với những điều kiện khách quan và chủ quan từ xã hội. Dựa vào bài giảng số có sẵn trong ứng dụng, giáo viên chính có thể kết nối trực tuyến với giáo viên đồng giảng (co-teacher) ở các địa phương khác nhau để đồng thời trực tiếp dẫn dắt buổi học cho hàng trăm sinh viên ở hàng chục lớp. Mô hình đã được thẩm định và được áp dụng tại một số trường học thuộc các tỉnh thành tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hay tỉnh Nam Định,… 

Tiếp theo là các phần chia sẻ về lợi ích, thách thức và nhận định về việc ứng dụng “Mô hình dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học theo hình thức kết hợp iLink” của địa phương trên thực tiễn tại 3 khu vực: huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và triển khai “demo” tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhìn chung, theo đánh giá của cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy, mô hình đã mang lại những kết quả vô cùng khả quan với mức độ hoàn thành tốt công việc của giáo viên chính, giáo viên đồng giảng và sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh học sinh.  

Tiếp đến, nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ đã trình bày về việc thẩm định mô hình trên. Thông qua quá trình thu thập dữ liệu và đánh giá qua góc nhìn chuyên môn về các mô hình dạy học trực tuyến: đồng bộ, không đồng bộ và đồng bộ kết hợp, nhóm chuyên gia đã đưa ra những đề xuất kiến nghị và chỉnh lý về việc triển khai mô hình iLink một cách sâu rộng hơn.

Sau thời gian nghỉ giải lao, hội thảo đã được tiếp tục với phần trao đổi và hỏi đáp cùng với Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh và ông Bạch Ngọc Chiến. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết mô hình của iSmart nhìn ra được vai trò lớn của người GVCN và người giáo viên trợ giảng (co-teacher) trong việc điều hành lớp học của dự án. Ở đây, trách nhiệm của giáo viên trợ giảng là vô cùng quan trọng trong việc phát huy vai trò chủ động, tích cực thu hút học sinh thông qua những hoạt động sôi nổi của tiết học, bên cạnh việc giáo viên chính sẽ giảng dạy kiến thức chuyên môn. 

Phó Giám đốc Công ty cổ phần iSmart cũng cho biết thêm, mô hình đang hướng tới những bước đi lớn mạnh hơn trong việc lan tỏa tại nhiều địa phương hơn trên cả nước. Để đáp ứng được mong muốn đó, iLink phải không ngừng cải tiến về mọi mặt, đặc biệt sự chỉnh lý về kỹ thuật là vô cùng cấp thiết. 

Ngoài ra, chương trình cũng nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách mời đến từ các Phòng GD&ĐT tới tham dự. 

Trường Đại học Ngoại ngữ trao chứng nhận thẩm định mô hình cho iSmart

Hội thảo kết thúc với kỳ vọng lớn vào Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên quy mô cả nước.

Một số hình ảnh khác:

Hương Giang/ULIS Media