Đoàn cán bộ và sinh viên ULIS xuất quân đi thực địa Lạng Sơn, Thanh Hóa – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đoàn cán bộ và sinh viên ULIS xuất quân đi thực địa Lạng Sơn, Thanh Hóa

Ngày 12/11/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tập huấn cho các thầy cô tham gia hoạt động thực địa thuộc Chương trình Lạng Sơn và Chương trình Thanh Hóa, hai chương trình hợp tác với địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại tỉnh.

Tham gia buổi tập huấn có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn HTPT Nguyễn Lân Trung, đại diện Ban chỉ đạo và các thành viên tham gia Đề án Địa phương.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng/Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Địa phương Đỗ Tuấn Minh cảm ơn nhóm giảng viên gồm 15 “chiến sĩ” đã tham gia công tác thực địa tại hai địa phương lần này. Hiệu trưởng cho biết Chương trình Lạng Sơn và Chương trình Thanh Hóa là hoạt động gắn với trách nhiệm phục vụ xã hội của Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại hai địa phương nói trên và nhìn xa hơn là trên cả nước. Đây là vinh dự và cũng là cơ hội nâng cao uy tín, thể hiện năng lực của Nhà trường nên Hiệu trưởng mong rằng các thầy cô sẽ cố gắng hết sức.

Công việc của các thầy cô cũng giống như là đi thắp những que diêm, góp phần làm thay đổi dù là nhỏ nhất cách nhìn về ngoại ngữ của các em học sinh, giúp các em có thái độ học tập tích cực hơn nữa, để các em hiểu được rằng dù sống ở đâu mình vẫn cần có hiểu biết nhất định về ngoại ngữ, phần nào tác động tốt đến cuộc đời các em sau này.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định.

Chia sẻ về hoạt động của hai chương trình Lạng Sơn và Thanh Hóa, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung cho biết Nhà trường rất coi trọng và tâm huyết với hai đề án hợp tác với địa phương này. Trường đã thành lập 9 nhóm nhân lực gồm Ban Chỉ đạo có 4 thành viên trong Ban Giám hiệu, Ban Tổ chức triển khai và các nhóm chuyên biệt như: nhóm thiết kế chương trình và tài liệu, nhóm khảo thí và khảo sát, nhóm giảng viên tập huấn, nhóm các giảng viên thực địa, nhóm chuyên gia CNTT-TT, nhóm sinh viên thực tập, nhóm hậu cần, để đảm bảo công tác triển khai diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Vai trò của nhóm giảng viên thực địa là vô cùng quan trọng. Sự thành công của Đề án phụ thuộc rất lớn vào những thầy cô trực tiếp về các trường THPT, làm việc tại trường THPT.” – PGS. TS. Nguyễn Lân Trung khẳng định.

Nhóm thực địa gồm có 15 giảng viên được giao nhiệm vụ tới 15 trường THPT tại Lạng Sơn (11 trường) và Thanh Hóa (4 trường) trong thời gian từ 13-16/11 (đợt 1) để tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế ở các trường, nghiên cứu phương thức bồi dưỡng giáo viên và dạy ngoại ngữ cho học sinh theo cách phù hợp nhất, tạo ra mạng lưới kết nối với các giáo viên địa phương, hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ ở đơn vị được phân công. Mỗi giảng viên đều có 3 sinh viên đi kèm để hỗ trợ các hoạt động khảo sát, tìm hiểu, bồi dưỡng và giao lưu với giáo viên, học sinh.

Sẽ có những khó khăn nhưng cũng có không ít các thuận lợi. Các thầy cô sẽ được Nhà trường, các trường địa phương ủng hộ và hỗ trợ hết sức. Các thầy cô hãy về các trường địa phương và giúp các giáo viên địa phương hiểu rằng chúng ta về là giúp họ, giúp học sinh, giúp họ có thêm niềm vui khi dạy và học tiếng Anh.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ thêm.

Trong buổi tập huấn, các giảng viên đã được cung cấp những kiến thức giá trị để triển khai công tác tại địa phương như: cách lựa chọn tài liệu nghiên cứu, những công cụ để giúp tự xây dựng bài kiểm tra, định dạng đề thi THPT quốc gia những năm gần đây, kết quả khảo sát có được tại 15 trường, kế hoạch tổ chức thi thử, các kênh liên lạc trực tuyến,… Mỗi thầy cô cũng đều được chuẩn bị một bộ tài liệu để triển khai công tác khi về trường làm việc.

Sau khi kết thúc tập huấn, Nhà trường đã tổ chức gặp mặt sinh viên tham gia chương trình để chia sẻ kế hoạch, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các em. Các giảng viên và sinh viên đã được ghép cặp để giới thiệu, giao lưu ngay với nhau.

Tham gia các chương trình này, các em chính là những Đại sứ ULIS, những gương mặt đại diện cho hình ảnh của trường. Đây là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế, giúp các đàn em có thêm niềm yêu thích ngoại ngữ, giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ ở các trường THPT mà có thể là trường cũ của mình. Các em hãy là chính mình, đến với các em học sinh từ sự chân thành, giúp các em hiểu rằng dù các em lựa chọn làm gì ở đâu trong tương lai, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp đều cần đến ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh. Hãy dần dần khiến các em có cái nhìn yêu thích hơn với ngoại ngữ, có cái nhìn nhân văn hơn nữa với công việc của các thầy cô. Đồng thời, các em hãy tạo dựng một hình ảnh về sinh viên Ngoại ngữ siêng năng, năng động và tri thức.” – Hiệu trưởng cho biết.

Sáng sớm ngày 13/11/2018, đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên đã xuất quân đi khảo sát, nghiên cứu thực địa từ sân A1-A2. Với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết đầy sức trẻ, các thầy cô và các em đều quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các trường THPT địa phương.

Một số hình ảnh gặp mặt sinh viên và lên đường đi thực địa:

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media