Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày 17/11/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Lý luận và thực tiễn”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Tô Chung – Phó Trưởng ban Quản lý ĐANNQG, PGS. TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Nhà trường/Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài; GS. Nguyễn Hòa – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; ông Lê Thùy Dương – Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ; PGS. TS. Phan Văn Hòa – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trường và đông đảo chuyên gia. cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường quan tâm.

Trước khi diễn ra Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 98 bài viết của các học giả đến từ nhiều trường đại học quốc tế và trong nước. Hội đồng thẩm định bài viết đã làm việc tích cực và lựa chọn 5 báo cáo phiên toàn thể và 42 báo cáo tại 7 tiểu ban song song để trình bày tại Hội thảo. Với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Lý luận và thực tiễn”, Hội thảo là dịp để các đại biểu trình bày và thảo luận những kiến thức cập nhật về lý luận về dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trên cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế; tìm hiểu những cách làm hay trong thực tiễn dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành để áp dụng ở Việt Nam một cách có chọn lọc, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự. Phó Hiệu trưởng cho biết trong những năm gần đây ngoài “ngoại ngữ chuyên ngành” (Foreign Languages for Specific Purposes) hay “ngoại ngữ không chuyên” (Foreign Languages for Non-language Majors) đã xuất hiện nhiều xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ gắn với chuyên ngành như CBI (content-based instruction – giảng dạy ngoại ngữ dựa vào nội dung chuyên ngành), CLIL (content and language integrated learning – học tích hợp cả ngoại ngữ và chuyên ngành), hay EMI (English as a medium of instruction – sử dụng tiếng Anh làm phương tiện dạy/học chuyên ngành), … Mỗi xu hướng có thể dựa trên nền tảng lý luận không hoàn toàn giống nhau và mục tiêu cũng không hoàn toàn như nhau. Bởi vậy, Hội thảo “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Lý luận và thực tiễn” là diễn đàn phù hợp để các nhà quản lý và giảng viên cập nhật lý luận về dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành, học hỏi thực tiễn dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và xác định quan điểm lý luận và phương hướng phù hợp cho việc dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khuôn khổ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2025.

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông phát biểu khai mạc

Phó Trưởng ban Quản lý ĐANNQG Nguyễn Tô Chung đánh giá cao những đóng góp to lớn của Trường Đại học Ngoại ngữ cho cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh). Ông kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các giảng viên, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… giao lưu, chia sẻ, học hỏi, tăng cường kiến thức chuyên môn về lý luận, phương pháp và cập nhật những mô hình giảng dạy ngoại ngữ từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển, trao đổi và phổ biến các sáng kiến, mô hình thực tiễn triển khai dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành tại các quốc gia, tăng cường và mở rộng mạng lưới chuyên môn, cập nhật các xu hướng và sáng kiến mới nhất về các phương pháp khả thi trong dạy và học ngoại ngữ (nhất là là tiếng Anh), từ đó có những tham khảo, chọn lọc để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Phó Trưởng ban Quản lý ĐANNQG Nguyễn Tô Chung phát biểu

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 báo cáo tại phiên toàn thể do các đại biểu quốc tế trình bày, bao gồm: Thực tiễn trong việc dạy kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh (Dawn Bikowski – ĐH Ohio, Hoa Kỳ), Nhu cầu tiếng Anh cụ thể theo quan điểm của Australia và Việt Nam (David Andrew Bright – ĐH Monash, Australia); Thấy gì từ khảo sát việc làm của các điều dưỡng viên đô thị – những nhiệm vụ chính về ngôn ngữ (Okuda Naoki – Nhật Bản); Các chương trình giảng dạy ngôn ngữ: những mô hình hứa hẹn ở Bắc Mỹ (Sandra Liliana Pucci – ĐH Wisconsin, Hoa Kỳ); Giảng dạy tiếng Trung trực tuyến và giao tiếp liên nhân (Chin-Chin Tseng – ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan, Đài Loan).

Trình bày báo cáo đầu viên, Giám đốc Chương trình phát triển ngôn ngữ tiếng Anh của Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Ohio Dawn Bikowski gợi ý một số giải pháp tăng hiệu quả của phương pháp sử dụng tiếng Anh làm phương tiện dạy và học (English as a medium of instruction – EMI) như: cung cấp cho người học những tài liệu tóm tắt trước giờ học trên lớp; thời gian trên lớp chủ yếu dành cho việc giải đáp thắc mắc, thảo luận, hiểu sâu và mở rộng vấn đề cần bàn; giảng viên đóng vai trò điều phối thảo luận và giải đáp thắc mắc…

Phần báo cáo tại các tiểu ban (gồm các chủ đề: tiếng Anh chuyên ngành; tiếng Anh cho các nhu cầu nghề nghiệp; các phương pháp giảng dạy tiếng Anh; phát triển và đánh giá chương trình và tài liệu; nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn hóa và quốc tế học; ngoại ngữ chuyên ngành và phương pháp giảng dạy) đã diễn ra rất sôi nổi.

Một số đề tài thú vị có thể kể đến như: một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo dạy ngoại ngữ chuyên ngành ở đại học; năng lực giao tiếp đa văn hóa nhìn từ quan điểm xây dựng nhận dạng và ý nghĩa đối với giáo dục ngôn ngữ; phương pháp dạy và học cho các môn lý thuyết trong chương trình cử nhân tiếng Anh tại các trường đại học Việt Nam; sử dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch; đào tạo thông dịch tiếng Trung nhìn từ góc nhìn liên ngành; kinh nghiệm rút ra từ các nghiên cứu thực tiễn trên thế giới trong giáo dục tiếng Nhật với mục tiêu thúc đẩy người học hội nhập xã hội; vấn đề lỗi sai và chữa lỗi trong giờ học ngoại ngữ dựa trên lý thuyết giáo học pháp tiếng Đức; dạy và học tiếng Anh chuyên ngành quản trị văn phòng ở trường đại học trong thời kỳ 4.0;…

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh Văn, Hội thảo quốc tế “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Lý luận và thực tiễn” thu hút gần 400 đại biểu tham dự. Sau một ngày làm việc sôi nổi, Hội thảo đã chính thức khép lại với những phản hồi tích cực về công tác tổ chức và chất lượng báo cáo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Để đảm bảo hơn chất lượng của Kỷ yếu, Hội thảo chỉ phát hành phiên bản tóm tắt của các bài viết. Sau hội thảo, BTC mong muốn nhận được các bài viết hoàn thiện hơn để xuất bản kỷ yếu toàn văn có mã số ISBN của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Hạn nộp báo cáo toàn văn đã chỉnh sửa bổ sung là ngày 15/12/2018. Kính đề nghị Quý tác giả gửi bài vào hệ thống quản lý hội thảo mở qua địa chỉ ocs.ulis.vnu.edu.vn (trong ID cũ).

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media