VIBE – Từ rung cảm tới hành động – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

VIBE – Từ rung cảm tới hành động

Chia sẻ của Tiến sĩ Đào Thị Diệu Linh, giảng viên Bộ môn Tâm lý giáo dục học, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN về khóa học đổi mới giảng dạy của ĐHQGHN:

Được tham gia khóa học VIBE là một điều may mắn đối với tôi. Từ hai khóa học: Entrepreneurial Educator  và Design your life, những giá trị mà tôi và các bạn đồng nghiệp nhận được nhiều hơn cả những gì chúng tôi mong đợi từ một khóa học Bồi dưỡng giảng viên (như nhiều khóa học khác mà chúng tôi đã tham gia). Trong 15 năm giảng dạy của mình, tôi đã luôn cố gắng thay đổi phương pháp, hoạt động giảng dạy để sinh viên học môn học của mình cảm thấy thú vị, không bị nhàm chán và khó hiểu. Tuy nhiên, khi tham gia VIBE, tôi chợt hiểu vì sao những thay đổi của mình dù đã làm cho sinh viên hứng thú hơn nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để chạm tới trái tim các em. VIBE là “cú hích” khiến tôi quyết định mình phải thay đổi nhiều hơn, triệt để hơn để mang lại những giá trị sống đích thực cho người học. Đó là lý do vì sao tôi quyết định lựa chọn tên poster là “VIBE – Từ rung cảm tới hành động”.

1. Một network làm việc đầy nhiệt huyết, giàu ý tưởng sáng tạo, luôn hỗ trợ lẫn nhau là điều hạnh phúc nhất chúng tôi có được sau khóa học.

2. Ngay sau khóa học, chúng tôi cũng bước đầu thay đổi cách thức tổ chức lớp học, tạo các thử thách cho sinh viên nhiều hơn giúp sinh viên chủ động tìm kiếm thông tin và rút ra các ứng dụng của bài học. Khâu Empathy (Thấu cảm) trong mô hình Design Thinking được chúng tôi tận dụng triệt để, chẳng hạn: Trong buổi học về đặc điểm tâm lý lứa tuổi sinh viên, tôi đã yêu cầu các em tìm kiếm giải pháp, nguồn lực hỗ trợ các em trong lúc khó khăn ngay từ chính những người bạn xung quanh mình. Điều này sẽ tạo sự gần gũi và kết nối trong cộng đồng các em sinh viên. Hay đối với các lớp bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy và năng lực tư vấn tâm lý, chúng tôi cũng yêu cầu các học viên đặt địa vị mình là học sinh để hiểu, thấu cảm và biết các em cần gì từ giáo viên nói chung và từ nhà tư vấn tâm lý nói riêng…

3. Khi được thỏa sức sáng tạo và được khuyến khích thể hiện quan điểm cá nhân, sinh viên tự tin hơn, chủ động và sáng tạo hơn. Bài tập thảo luận cuối cùng trước khi kết thúc môn học cũng chính là một thử thách lớn đối với các em, đó là các em phải tạo ra được một sản phẩm/một dịch vụ/giải pháp giải quyết được các khóa khăn trong đời sống của sinh viên (trong học tập, trong các mối quan hệ, các kỹ năng sống…). Chúng tôi đã thực sự bất ngờ với những sáng tạo của các em, từ những ý tưởng về các ứng dụng trên điện thoại như: ứng dụng SASE (Safe Sex Save Lives, giúp sinh viên có đời sống tình dục an toàn và lành mạnh), ứng dụng Go and Get nhằm khuyến khích sinh viên tập thể dục nhiều hơn; hay ý tưởng PinWheel giúp sinh viên học ngoại ngữ tốt hơn đến những ý tưởng rất thân thiện với môi trường như một Máy bán nước tự động không dùng chai nhựa… Và từ đó, cũng có những ý tưởng đã được hiện thực hóa và hỗ trợ tích cực cho hoạt động học tập của các em như một trang Facebook hỗ trợ du khách Nhật Bản tìm kiếm các đặc sản ẩm thực Việt Nam bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Trang Facebook này có tên Vietnam Miền ngon bước đầu nhận được đánh giá khá rất tích cực từ các bạn du học sinh Nhật Bản.

4. Mặc dù bước đầu có những thay đổi và nhận được đánh giá khá tích cực từ sinh viên, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế mà chúng tôi cần khắc phục để thiết kế các hoạt động, các yêu cầu và nhiệm vụ cho sinh viên được sát với môn học và hiệu quả hơn nữa.

5. Cuối cùng là một thông điệp mà tôi rất tâm đắc từ khóa học VIBE, tôi xin phép được giữ nguyên văn thông điệp này, đó là: “… being entrepreneurial doesn’t mean you have to start a business…it just means being innovative, creative, resourceful and adaptable. This will help in any aspect of a career path, whether you want to work for yourself or someone else, in industry or academia” (Mr Venkatesh Iyer- Founder and CEO Goli Vada Pav).

TS. Đào Thị Diệu Linh

Bộ môn Tâm lý – Giáo dục học

ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Email: linhdtd@vnu.edu.vn

Theo CTE