Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia: Cơ hội tiếp cận môi trường làm việc quốc tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia: Cơ hội tiếp cận môi trường làm việc quốc tế

Từ năm học 2023-2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN bắt đầu triển khai chương trình đào tạo cử nhân Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia. Đây là ngành học được xây dựng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực ngoại ngữ thành thạo, có kiến thức sâu về ngôn ngữ, hiểu biết rộng về các nền văn hóa, văn học, đất nước và con người các nước nói tiếng Anh, các hiện tượng và xu hướng phát triển toàn cầu, xuyên quốc gia để vận dụng hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông có tính quốc tế cao. 

Hãy cùng ULIS Media gặp gỡ và trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, đơn vị phụ trách đào tạo ngành Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia để tìm hiểu kĩ hơn về CTĐT hoàn toàn mới này của Nhà trường nhé.

PV: Thưa cô, được biết sắp tới Nhà trường sẽ triển khai CTĐT Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia như một ngành học mới và tuyển sinh lần đầu tiên vào năm 2023. Cô có thể chia sẻ đôi điều về quá trình xây dựng ngành học này không? 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: Ngành Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia (VH&TTXQG) được phát triển từ định hướng Quốc tế học thuộc CTĐT Ngôn ngữ Anh của Nhà trường. Nhận được sự đồng ý về chủ trương mở ngành thí điểm của ĐHQGHN về việc ban hành Danh mục ngành và chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025, ngành VH&TT XQG được thành lập theo Quyết định số 407/QD_ĐHNN ngày 20/1/2022 của Hiệu trưởng Trường ĐHNN, với sự tham gia của nhóm GV Khoa NN&VH CNNTA và sự dẫn dắt của Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh và Phòng Đào tạo.

Trước khi được chính thức thành lập, Nhà trường đã tiến hành 5 khảo sát với các đối tượng liên quan với 38 nhà tuyển dụng và 25 thông báo tuyển dụng, 2091 HS THPT đến từ 178 trường THPT trên  toàn quốc, 124 phụ huynh học sinh, 154 cựu SV, 593 người làm việc trong các mảng liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài và truyền thông – báo chí. Đồng thời, các tọa đàm chuyên môn cùng 2 hội thảo về CTĐT với các chuyên gia, giảng viên và các nhà tuyển dụng đã được tổ chức vào ngày 20/2/2022 và 22/5/2022 để thảo luận, đóng góp ý kiến cho ngành học. Đề án mở CTĐT VH&TTXQG được thẩm định cấp cơ sở ngày 22/6/2022 và cấp ĐHQG vào ngày 19/10/2022. Sau các chỉnh sửa theo nhận xét của Hội đồng thẩm định cũng như của các ban, viện liên quan trong ĐHQGHN, CTĐT VH & TT XQG được chính thức ban hành và được ĐHQG cho phép tuyển sinh từ năm nay.

PV: Trường Đại học Ngoại ngữ là một ngôi trường với truyền thống đào tạo ngôn ngữ và sư phạm. Vật lý do nào khiến Nhà trường quyết định xây dựng ngành VH & TT XQG? 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: Ngày nay, văn hóa và truyền thông được xem như một ngành công nghiệp rất nổi trội với tốc độ phát triển nhanh chóng. Trước vai trò mới của văn hóa và truyền thông trong bối cảnh ngày nay, trên thế giới các CTĐT về văn hóa và truyền thông (media and cultural studies) cũng như về nghiên cứu toàn cầu/quốc tế/xuyên quốc gia (global/ international/ transnational studies) ngày một lớn mạnh. Bất cứ một trường đại học lớn nào trên thế giới cũng có những CTĐT về những mảng học thuật và thực hành này.

Quả thật, trường ta từ khi mới thành lập đến giờ vẫn được biết tới là trường đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, đặc biệt trong giáo dục, nó đã mở ra cánh cửa để giảng viên tiếp cận với học thuật thế giới, nắm bắt được các đường hướng nghiên cứu văn hóa – truyền thông trên toàn cầu. Có thể nói, SV tốt nghiệp không chỉ sử dụng vốn tiếng Anh được đào tạo trong công việc, mà đã phải khai thác những kiến thức về văn hóa, truyền thông đã được học trong định hướng Quốc tế học, và trau dồi thêm nhiều kiến thức liên quan trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, khoa học phát triển để phục vụ cho công việc.  Điều này khẳng định: việc hình thành, phát triển cho SV các ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài các kiến thức, kỹ năng về văn hóa, truyền thông và khoa học phát triển là cần thiết và hữu ích, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, đưa hoạt động đào tạo trong nhà trường gắn bó hơn với cơ hội việc làm trong thực tế của SV.

Đồng thời, qua nghiên cứu, phân tích đóng góp ý kiến tại các tọa đàm với nhà tuyển dụng và cựu sinh viên được tổ chức tại Trường ĐHNN, ĐHQGHN, nhiều cựu sinh viên và nhà tuyển dụng đã chia sẻ về các cơ hội cho SV các ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài đã tham gia công tác trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông cũng như công tác trong các cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức đa quốc gia khẳng định và  nhấn mạnh nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động về việc sinh viên hình thành được năng lực ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa nước ngoài vững chắc làm nền tảng cho việc thu thập, xử lý thông tin từ các kênh quốc tế, học hỏi, trau dồi các kiến thức về các nền văn hóa và các vấn đề quốc tế đa dạng, và kiến thức và khả năng học hỏi các kiến thức, kỹ năng về các mảng chuyên môn trong đó truyền thông là một trong những lĩnh vực phổ biến.

Nếu theo học CTĐT Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia, người học sẽ được phát triển kiến thức liên ngành ngôn ngữ, văn hóa-xã hội, báo chí-truyền thông và khoa học phát triển từ góc nhìn lịch sử, nắm vững các xu hướng văn hóa, truyền thông địa phương, khu vực, và toàn cầu để có thể tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tạo lập các hiện tượng và sản phẩm văn hóa, truyền thông; có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng CNTT và các kỹ năng của thế kỷ 21 để xây dựng và xử lý các sản phẩm truyền thông; có tư duy toàn cầu, khả năng dẫn dắt, lãnh đạo về chuyên môn, tự định hướng chuyên môn và không ngừng học tập để phát triển bản thân.

Các cô giáo Khoa NN&VHCNNTA giới thiệu về ngành học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh

PV: Cô có thể giới thiệu vài nét cơ bản về khung chương trình đào tạo của ngành này được không? 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: CTĐT VH & TT XQG được xây dựng với 138 tín chỉ, với 5 khối kiến thức gồm: khối kiến thức chung (24 tín chỉ), khối kiến thức chung theo lĩnh vực KHXH (15 tín chỉ), khối kiến thức chung theo khối ngành ngôn ngữ và văn hóa (12 tín chỉ), khối kiến thức theo nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (42 tín chỉ gồm 18 tín chỉ tiếng Anh nâng cao (hình thành CĐR tiếng Anh C1) và 24 tín chỉ các học phần ngôn ngữ, văn hóa và truyền thông). Khối kiến thức chuyên ngành VH & TT XQG chiếm 45 tín chỉ.

CTĐT được triển khai qua 76 học phần, với 18 HP học bằng tiếng Việt, 57 HP học bằng tiếng Anh và 1 HP học bằng ngoại ngữ 2 (do SV tự chọn trong số 6 ngoại ngữ gồm Hàn, Nhật, Pháp, Trung, Đức, Thái).

PV: Nhìn chung, ngành VH & TT XQG có những ưu điểm gì thưa cô?

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: SV sẽ hình thành 6 nhóm năng lực sau đây khi tốt nghiệp, bao gồm:

  1. Năng lực giao tiếp tiếng Anh đạt C1 theo CEFR và năng lực giao tiếp cơ bản bằng ngoại ngữ 2
  2. Kiến thức liên ngành ngôn ngữ, văn hóa – xã hội, báo chí – truyền thông, và phát triển từ góc nhìn lịch sử
  3. Kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xử lý và tạo lập các hiện tượng, sản phẩm văn hóa và truyền thông
  4. Nắm vững các xu hướng văn hóa, truyền thông địa phương, khu vực và toàn cầu để định hướng và thực hành nghề nghiệp
  5. Ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ năng của thế kỷ 21 trong công việc
  6. Tư duy toàn cầu, khả năng dẫn dắt, lãnh đạo về chuyên môn, khả năng học tập suốt đời

6 ưu điểm nổi bật của chương trình đào tạo là:

  1. Chương trình giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh & có cơ hội học thêm ngoại ngữ thứ 2
  2.  Giảng viên gồm các chuyên gia về ngôn ngữ, văn hóa, báo chí – truyền thông, và phát triển trong và ngoài ULIS
  3.   Phương pháp học tập dựa trên hoạt động chân thực
  4. 100% phòng học có điều hòa, máy chiếu, wifi
  5.  Tài liệu cập nhật, đa phương tiện và tinh tuyển
  6. Cơ hội thực tập tại những cơ quan báo chí-truyền thông & phát triển

PV: Một điều khiến học sinh và phụ huynh rất quan tâm là cơ hội nghề nghiệp của các em sinh viên khi theo học ngành VH & TT XQG sẽ như thế nào? 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc trong các môi trường quốc tế như các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán, cũng như dịch thuật, nghiên cứu, truyền thông và giảng dạy. Sinh viên cũng có thuận lợi khi tìm kiếm các cơ hội ở bậc cao học nhờ sự phát triển ngày càng tăng của ngành này ở các nước trên thế giới. SV tốt nghiệp có cơ hội tham gia 6 nhóm nghề nghiệp sau đây:

  1. Phóng viên, Biên tập viên, Nhân sự phụ trách xây dựng nội dung truyền thông, Cán bộ truyền thông
  2. Cán bộ hợp tác quốc tế, Cán bộ phụ trách văn hóa, Cán bộ quản lý dự án
  3.  Nghiên cứu viên về văn hóa, ngôn ngữ, quốc tế học
  4. Giảng viên, Giáo viên, Nhân sự phụ trách đào tạo, truyền thông tại các cơ sở giáo dục
  5. Biên dịch viên, Phiên dịch viên
  6.  Thư ký văn phòng, Trợ lý đối ngoại

PV: Chân thành cảm ơn cô vì những chia sẻ quý báu này. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, cô có thể nhắn gửi đôi điều tới các em học sinh quan tâm tới ngành này không? 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm: Việc học và sử dụng ngoại ngữ ngày nay đang biến đổi trong một hoàn cảnh mới, khi ngoại ngữ không phải chỉ là công cụ để giao tiếp trong bối cảnh hạn chế mà đã trở thành một phần thường xuyên của đời sống và gắn với các vấn đề văn hóa-truyền thông phức tạp, không dễ nắm bắt một cách tự nhiên.  Vì thế, cô tin rằng CTĐT Văn hóa và Truyền thông XQG đem lại cho các em cơ hội để hình thành năng lực tiếng Anh vượt trội, nâng cao kiến thức liên ngành ngôn ngữ, văn hóa-xã hội, báo chí-truyền thông và khoa học phát triển  cũng như nắm vững các xu hướng văn hóa, truyền thông địa phương, khu vực, và toàn cầu để có thể tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tạo lập các hiện tượng và sản phẩm văn hóa, truyền thông và xử lý các sản phẩm truyền thông một cách tốt nhất.

Hãy đến với Trường ĐHNN, Khoa NN&VH CNNTA để khám phá văn hóa, ngôn ngữ và các vấn đề về truyền thông, phát triển từ một góc nhìn mới: Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia