Ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật trong thời kỳ Covid-19 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật trong thời kỳ Covid-19

“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật trong thời kỳ Covid-19” là công trình đã giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên đợt 1 năm 2022 của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là đề tài nghiên cứu của sinh viên Nguyễn Thu Uyên, lớp 19J7 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Huyền Trang. Với nghiên cứu này, Thu Uyên đã chỉ ra tầm quan trọng của các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật đồng thời đưa ra một số gợi ý về cách chọn ứng dụng kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật online cho các thầy cô giáo, đặc biệt là trong thời gian học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nguyễn Thu Uyên – Sinh viên lớp 19J7 Khoa NN&VH Nhật Bản

Nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn

Sự bùng phát dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có đối với nước ta, đem đến những tác động đáng kể về mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến giáo dục. Năm 2020 và năm 2021, với những làn sóng dịch bệnh căng thẳng nối tiếp cùng số ca nhiễm Covid-19 tăng lên chóng mặt đã khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển hướng từ giảng dạy trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình đánh giá chất lượng học tập của sinh viên. Đây cũng chính là điều khiến Thu Uyên luôn cảm thấy trăn trở: “Mình bắt đầu có ý tưởng cho nghiên cứu khi học về các phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá tiếng Nhật. Trong đó, mình nhận thấy kỹ năng nghe là kỹ năng khó có thể kiểm tra đánh giá online, nhất là trong thời kỳ Covid-19”. Xuất phát từ thực tế đó, Thu Uyên đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài này.

Mục tiêu then chốt mà nghiên cứu hướng tới là đánh giá tầm ảnh hưởng của các ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra kỹ năng nghe của sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản trong và sau dịch bệnh Covid-19. Từ đó, nghiên cứu đánh giá các ứng dụng kiểm tra đánh giá online hiện nay trên nhiều góc độ để phục vụ việc đánh giá của giảng viên đối với sinh viên Khoa NN&VH Nhật Bản.

Nghiên cứu và những giá trị tích cực

Sau những nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ từ chính thực tế và qua các tài liệu chuyên ngành, Thu Uyên đã chứng minh được ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành một phần quan trọng, không thể tách rời trong giáo dục nói chung và đặc biệt là trong kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Và kể cả trong tương lai, khi dịch bệnh kết thúc, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này vẫn sẽ nắm giữ vai trò quan trọng và không ngừng phát triển hơn nữa.

Cụ thể, đề tài đã đi nghiên cứu về 4 ứng dụng kiểm tra đánh giá online phổ biến là: Google Form, Kahoot!, Quizizz và Book Widgets. Thu Uyên đã đánh giá các ứng dụng này dựa trên nhiều tiêu chí như: mức độ bảo mật, độ tiện lợi, tính chính xác,… Cô bạn chia sẻ: “Qua quá trình đánh giá mình cũng rút ra được vài kết luận. Để chọn một ứng dụng có nhiều dạng bài, có thể gắn được file audio cho từng câu, có thể chuyển đổi từ bài kiểm tra giấy thành bài kiểm tra online thì nên chọn ứng dụng Book Widgets. Ứng dụng Google Form là ứng dụng rất phổ biến, thường được sử dụng để làm các bài khảo sát cũng có thể biến đổi bài kiểm tra thông thường thành bài kiểm tra online, tuy nhiên file audio của các bài nghe lại không thể đính kèm trên ứng dụng này mà phải thay bằng một file video trên YouTube. Tương tư như vậy ứng dụng Quizizz cũng gặp phải tình trạng này và bên cạnh đó ứng dụng còn bị giới hạn số chữ của câu trả lời nên ứng dụng chỉ phù hợp với các bài kiểm tra ngắn hoặc bài kiểm tra trắc nghiệm. Cuối cùng là ứng dụng Kahoot!, ứng dụng này sử dụng âm thanh do AI tạo ra nên các bài kiểm tra nghe trên nền tảng này không thể đánh giá toàn diện kỹ năng ngôn ngữ của người học, chỉ phù hợp để tạo các bài warming up hay các bài kiểm tra 15 phút”.

Từ những kết quả nghiên cứu đã đạt được, Thu Uyên đã đưa ra một số gợi ý về cách chọn ứng dụng kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe tiếng Nhật online cho các thầy cô giáo, giúp việc đánh giá chất lượng học tập của sinh viên Khoa NN&VH Nhật Bản thuận tiện và dễ dàng hơn.

Nghiên cứu khoa học mang đến những trải nghiệm khó quên

Nghiên cứu khoa học là một quá trình rất khó khăn đối với mỗi người làm nghiên cứu. Đối với Thu Uyên, khó khăn không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn đề tài, xác định câu hỏi nghiên cứu… mà đôi khi áp lực còn bởi làm việc cá nhân, độc lập mà lại có quá nhiều đối tượng và vấn đề cần dành nhiều thời gian tìm hiểu. Nhưng mỗi khi gặp khó khăn, Thu Uyên luôn được tiếp sức nhờ sự dẫn dắt của giảng viên hướng dẫn, nhờ sự cổ vũ của những người bạn. Thu Uyên chia sẻ: “Mình rất may mắn khi có những người bạn luôn thấu hiểu và động viên mình. Mình cũng vô cùng hạnh phúc khi được cô Nguyễn Huyền Trang hướng dẫn thực hiện đề tài này. Cô Trang đã giúp mình rất nhiều trong việc định hướng để mình không bị lệch đường trong suốt quá trình nghiên cứu. Cảm ơn cô Trang và những người bạn của mình rất nhiều!!!”. Có thể nói, với Thu Uyên, nghiên cứu khoa học đã mang đến cho cô bạn những trải nghiệm thú vị và khó quên!

Thu Uyên cùng giảng viên hướng dẫn Nguyễn Huyền Trang và những người bạn

Đồng thời, Thu Uyên cũng gửi lời khuyên tới các bạn sinh viên muốn thực hiện nghiên cứu khoa học rằng đừng chần chừ mà hãy bắt tay ngay vào thực hiện đề tài mà bạn đang ấp ủ vì đó là sẽ là những kinh nghiệm quý báu, những hành trang cần thiết giúp bạn hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp và xa hơn là những luận văn thạc sĩ, tiến sĩ sau này: “Nghiên cứu khoa học mặc dù hơi khó khăn và mệt mỏi nhưng đã làm là chỉ có lợi chứ không bao giờ thiệt. Thời sinh viên nhất định phải làm nghiên cứu khoa học một lần nha mọi người ơiii”.

Thanh Hiền – ULIS Media