[UNC2022] Hội thảo “Thúc đẩy mối quan hệ đồng hành giữa trường đại học và trường phổ thông”
Ngày 12/03/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Đề án Ngoại ngữ Quốc gia – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Thúc đẩy mối quan hệ đồng hành giữa trường đại học và trường phổ thông” (Promoting University-School Linkage: Together We Learn).
Chương trình thuộc chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia 2022 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2022) và cũng là hoạt động của Dự án “Phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa trường đại học và trường phổ thông trong đào tạo giáo viên” do Quỹ NAFOSTED tài trợ.
Tham dự hội thảo có các đại diện lãnh đạo đến từ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD&ĐT), Văn phòng tiếng Anh khu vực (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam), Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cùng khoảng 2000 giáo viên, giảng viên, cán bộ, sinh viên đến từ các trường trung học, đại học, cơ quan, đơn vị giáo dục trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục ngoại ngữ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ với các trường THPT trên cả nước đã, đang và sẽ mang đến những lợi ích hai chiều, giúp Nhà trường, giáo viên và học sinh THPT cập nhật thêm kiến thức, đồng thời giúp giảng viên và sinh viên Đại học có thêm những trải nghiệm mới mẻ, bổ ích. Nhà trường luôn sẵn sàng mở rộng các cơ hội hợp tác để có thể thực hiện trách nhiệm xã hội là phục vụ cộng đồng của mình.
Thầy Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ phát biểu khai mạc hội thảo
Cùng quan điểm đó, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Nguyễn Thị Mai Hữu tin rằng hội thảo là cơ hội tốt để chia sẻ, học hỏi và phát triển nhằm hướng tới mục tiêu chung. Bà cho rằng mối quan hệ giữa Đại học và THPT là mối quan hệ gắn bó khăng khít, chặt chẽ (Đại học cung cấp nguồn nhân lực giáo viên cho THPT trong khi THPT cung cấp những sinh viên chất lượng cho đại học), do đó việc thúc đẩy mối quan hệ đồng hành này là công cuộc lâu dài và cần được chú trọng.
TS. Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD&ĐT phát biểu trong buổi hội thảo
Trong chương trình, các đại biểu tham dự đã có cơ hội được lắng nghe 4 báo cáo chuyên đề liên quan đến việc hợp tác giữa trường đại học và THPT trong giảng dạy ở cả trong và ngoài nước.
GS.TS. Martha Bigelow, cô Kelly Meyer và thầy Jamie Utt-Schumacher đến từ Trường Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) đã mang đến báo cáo về “Vai trò của kỳ thực tập trong đào tạo giáo viên: Cơ hội và thử thách với người hướng dẫn và trách nhiệm giải trình”. Trong báo cáo này, các diễn giả đã mang đến ví dụ cụ thể về mô hình đào tạo giáo viên ở Trường ĐH Minnesota, chương trình hợp tác của trường đại học này với các trường phổ thông ở địa phương.
Ở báo cáo thứ hai, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Hoa – một cựu ULISer cùng cộng sự là PGS.TS. Tony Loughland đến từ Trường ĐH New South Wales (Úc) đã trình bày “Vai trò của hợp tác giữa trường đại học và trường phổ thông trong đào tạo giáo viên tại Úc” với ba nội dung chính: Công tác thực tập sư phạm tại Úc, Cải cách trong Công tác thực tập sư phạm tại Úc, Sự hợp tác giữa trường Đại học và trường Phổ thông. Qua đó, báo cáo khẳng định: “Hợp tác là trung tâm thúc đẩy cải tiến trong cộng đồng dạy và học, tạo ra cầu nối giữa lý thuyết và thực hành, giữa thực tập sinh và những nhà nghiên cứu”.
Bên cạnh những báo cáo đến từ các diễn giả quốc tế, hội thảo cũng giới thiệu những kết quả đạt được trong việc hợp tác và giảng dạy ngoại ngữ của Trường Đại học Ngoại ngữ.
Với báo cáo “Hợp tác giữa trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐHQGHN và huyện Ba Vì: 3 năm nhìn lại”, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng Khoa Sư phạm tiếng Anh đã tổng kết hành trình ba năm thực hiện Đề án Ba Vì của Nhà trường cùng quan điểm phát triển “Trách nhiệm, Cơ hội, Cộng đồng” cũng như mục tiêu, sứ mệnh của Đề án, đó là Phục vụ cộng đồng và học tập gắn với cộng đồng.
TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng Khoa Sư phạm tiếng Anh trình bày báo cáo
Những điều ULIS đã làm được suốt hành trình gần 3 năm đồng hành cùng Ba Vì
Bên cạnh Đề án Ba Vì, trường Đại học Ngoại ngữ cũng đã khởi động và thực hiện chương trình địa phương với 10 trường THPT ở Lạng Sơn và 4 trường THPT ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, đem lại những kết quả tích cực bước đầu.
Ở báo cáo cuối cùng “Góc nhìn NAFOSTED: Các mô hình hợp tác giữa trường đại học và trường phổ thông ở Việt Nam và thử thách trong quá trình hợp tác”, TS. Trần Thị Lan Anh – Trưởng Bộ môn Phương pháp giảng dạy, Khoa Sư phạm tiếng Anh đã giới thiệu những mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo giảng viên và trường Phổ thông đang diễn ra tại Việt Nam cũng như những thử thách trong quá trình triển khai hợp tác giữa trường Đại học và trường THPT. Từ đó đưa ra những bài học về việc lên kế hoạch, thực hiện, đánh giá, xây dựng niềm tin, mối quan hệ bền vững,…
TS. Trần Thị Lan Anh – Trưởng Bộ môn Phương pháp giảng dạy, Khoa Sư phạm tiếng Anh
Cuối chương trình là phần đối thoại giữa đại biểu và các khách mời. Những ý kiến từ các chuyên gia đã đem đến các góc nhìn chuyên sâu, mới mẻ và thực tế cho đại biểu tham dự.
Qua phần hỏi đáp, TS. Nguyễn Thị Mai Hữu nhận định việc kết nối hai bậc học Đại học và THPT không những giúp giáo viên THPT dạy thử và quan sát lớp học của nhau mà còn giúp cho sinh viên đại học phát triển chuyên môn, kinh nghiệm để trở thành những giáo viên trong tương lai.
Chia sẻ về điều kiện tiên quyết để phát triển mối quan hệ giữa Đại học và THPT, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh tin rằng đó là sự “máu lửa” của đội ngũ, và đặc biệt là sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo.
Phần đối thoại còn có đại diện đến từ các đơn vị hợp tác cùng Nhà trường, bao gồm: cô Nguyễn Thị Hào – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thụy An, Ba Vì; cô Phan Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn và cô Hoàng Thị Thu Phương, giáo viên Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi sao Hà Nội.
Khi đánh giá về hiệu quả của Đề án Ba Vì mang lại, cô Hào xúc động chia sẻ: “Thụy An rất vinh dự khi được góp mặt vào chương trình hợp tác với Trường ĐH Ngoại ngữ. Chương trình như luồng gió mới giúp học sinh và giáo viên Nhà trường có những chuyển biến tích cực trong dạy và học bộ môn ngoại ngữ, vốn là một thứ từng rất khó khăn. Đây quả thực là một thành công rất lớn.”
Cô Mỹ Hạnh – Đại diện cho Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng bày tỏ hy vọng rằng sẽ tiếp tục cùng ULIS lựa chọn hợp tác trong thời gian tới nhằm giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh.
Về phía Ngôi sao Hà Nội, cô Thu Phương – Đại diện Nhà trường chia sẻ thời gian đầu khi hợp tác với bậc Đại học, giáo viên đã gặp những khó khăn nhất định về yếu tố tâm lý, tuy nhiên đã dần thích nghi và vượt qua theo thời gian, nhất là khi Trường Đại học Ngoại ngữ luôn thể hiện sự tích cực, cầu thị và chuyên nghiệp.
Khép lại phần đối thoại, cô Lan Anh – Trưởng Bộ môn Phương pháp giảng dạy, Khoa Sư phạm tiếng Anh một lần nữa khẳng định lại vai trò cầu nối của giáo viên/giảng viên/nhà nghiên cứu trong mối quan hệ giữa hai bên.
Chương trình kết thúc với định nghĩa mở về hai từ “BỀN VỮNG” hướng đến ngày chính hội UNC2022.
- Tìm hiểu thông tin về UNC tại: Website, Fanpage
- Đăng ký khóa học Door – Tập huấn “Khai thác nguồn học liệu mở của Mạng lưới tiếng Anh chuyên nghiệp trực tuyến trong giảng dạy tiếng Anh và bồi dưỡng phương pháp dạy-học ngoại ngữ”: Link
Mai Ngọc – Lệ Thủy/ULIS Media